CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:00

Đi ngược miền tây xứ Thanh

1. Gắn bó nghề viết gần 10 năm, những cung đường, bản làng ở miền tây Thanh Hóa đã  quen thuộc với tôi. Không ồn ào, náo nhiệt như phố thị, những bản làng vắt mình lưng chừng núi khuất tầm nhìn bởi sương mù hay ẩn hiện sau những cánh rừng bạt ngàn của tre, luồng, đồi cọ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực mùa lúa chín, những thác nước đẹp mê lòng người, những điệu múa xòe, múa sạp của người Thái, người Mường hay tiếng khèn Mông, kèn lá réo rắt gọi bạn tình… luôn có một sức hút đến lạ kỳ.

Pù Luông mùa lúa chín

Miền tây xứ Thanh gồm 11 huyện miền núi, với diện tích hơn 8.000 km2, chiếm hơn 3/4 diện tích của tỉnh. Được thiên nhiên ưu đãi nhiều tài nguyên, nguồn lực tiềm năng để xây dựng và phát triển các loại hình du lịch hấp dẫn như: Tài nguyên rừng, hồ, núi, hang động, thác nước… cùng với những loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc bản địa. Những năm gần đây, miền tây Thanh Hóa đang từng ngày thay da đổi thịt, bằng việc thực hiện các chính sách xóa đói, giảm nghèo đồng bộ, hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Đặc biệt, loại hình du lịch sinh thái cộng đồng trở thành điểm nhấn của du lịch xứ Thanh.

2. Nằm ở phía Tây – Nam, cách trung tâm tỉnh chừng 50km, Vườn Quốc gia Bến En, huyện Như Thanh được ví như "Hạ Long cạn", "Nàng tiên ngủ trong rừng" bởi sở hữu một vùng rừng núi, sông hồ rộng trên 16.000 ha, mang vẻ đẹp hoang sơ. Hệ thống hồ nước rộng tới 4.000 ha bao gồm 21 đảo lớn nhỏ với những rừng cây, hoa lá, chim muông, thú rừng đa dạng. Đặc biệt, dãy núi Hải Vân với nhiều hang động đẹp còn giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên tạo nên cảnh quan vô cùng hấp dẫn, độc đáo thu hút du khách. Cách Vườn quốc gia Bến En không xa, di tích lịch sử hang Lò Cao kháng chiến Hải Vân - nơi chế tạo vũ khí đầu tiên của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược- vẫn được gìn giữ. Bên cạnh du lịch sinh thái và văn hóa, du khách còn có thể tham gia nhiều hoạt động dã ngoại thú vị như: câu cá, bắt cua đá, dựng lều, căng bạt để nghỉ qua đêm trên các đảo hoặc du ngoạn  khắp lòng hồ bằng thuyền và xuồng máy để tham quan hang động tại dãy núi đá Hải Vân.

Đi ngược miền tây xứ Thanh - Ảnh 2.

Đồng bào dân tộc Mường tại Lễ hội khai hạ Suối cá thần Cẩm Lương

Với khoảng 60km đường Hồ Chí Minh đi qua, huyện Như Xuân có 4 dân tộc anh em đoàn kết cùng sinh sống (Thái, Mường, Thổ, Kinh) với nhiều phong tục, truyền thống văn hóa, ẩm thực, những lễ hội đặc sắc có nhiều trò chơi dân gian… Thật sự thiếu sót khi đặt chân tới mảnh đất này mà không tới Khu di tích lịch sử đền Chín Gian dự lễ dâng trâu tế trời của cộng đồng dân tộc Thái; lễ hội Đình Thi nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thổ; ngắm cảnh khu di tích danh thắng thác Đồng Quan, thác Cổng Trời... 

Từ đỉnh núi Pù Mùn, những dòng nước len lỏi qua những khe sâu, vách đá, những thảm thực vật rậm rì, rồi hòa vào nhau, tạo nên dòng thác hùng vĩ. Đứng trên đỉnh thác tha hồ phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên tươi đẹp với những thác nước, rừng nguyên sinh bạt ngàn của thác Đồng Quan, thác Cổng Trời. Tới đây, khách lữ hành còn được tận hưởng khí hậu mát mẻ trong lành, được thưởng thức các món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, Thổ, Mường với nguyên liệu sẵn có của địa phương, được thưởng thức những làn điệu dân ca, dân vũ đậm chất văn hóa dân gian...

3. Với khí hậu quanh năm mát mẻ, Pù Luông thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước là nơi trải nghiệm, nghỉ dưỡng hết sức thú vị. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập vào năm 1999 với diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái. Cách TP Thanh Hóa 130 km về phía Tây Bắc và cách Hà Nội khoảng 150 km, đường đến Pù Luông dù đi từ hướng Hà Nội hay Thanh Hóa đều rất thuận tiện.

Người dân bản Kho Mường, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước trong trang phục truyền thống

Những thửa ruộng bậc thang, núi rừng hoang sơ cùng nếp nhà giản dị nép mình bên sườn đồi từ lâu đưa Pù Luông trở thành miền đất hứa của các du khách thích khám phá. Đến với Pù Luông ta được hòa mình vào thiên nhiên phóng khoáng, ngủ trong những căn nhà sàn, tách biệt hẳn với thế giới hiện đại. Ta có thể đến đây vào bất cứ mùa nào trong năm để tận hưởng không gian mát mẻ, quanh năm sương mù bao phủ ở một số bản vùng cao. Tuy nhiên vào khoảng tháng 6 và tháng 10, lúa trên các thửa ruộng bậc thang chín vàng rộ sẽ là thời điểm ngắm Pù Luông đẹp nhất. Những thửa ruộng lúa ngả vàng, nặng trĩu hạt điểm tô cho thảm xanh Pù Luông mang vẻ trù phú, yên bình và thơ mộng.

Đặc biệt, Pù Luông còn có tiểu khí hậu mát mẻ tại vùng Cao Sơn (tên gọi chung của ba bản Son, Bá, Mười) thuộc xã Lũng Cao; thôn Hiêu xã Cổ Lũng (huyện Bá Thước) với những đỉnh núi cao gần 2.000m so với mặt nước biển, quanh năm mây mù bao phủ được ví như một Sapa, Đà Lạt thu nhỏ. Nhiệt độ trung bình năm ổn định từ 18-22 độ. Có những mùa đông nhiệt độ của Cao Sơn xuống dưới 5 độ C, thậm chí có cả tuyết rơi. 

Nơi đây khá biệt lập với bên ngoài nên còn lưu giữ nhiều tập tục của người Thái cổ. Nhà sàn vẫn giữ nguyên dấu ấn truyền thống, mang đậm nét đặc thù chưa bị ảnh hưởng kiến trúc hiện đại. Thực dân Pháp từng có ý định xây dựng Cao Sơn thành khu nghỉ mát, bởi đến đây du khách không chỉ được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang lẩn khuất trong sương mù, một màu xanh mướt của rau cỏ, cảnh đẹp hoang sơ với cuộc sống an yên của cư dân bản địa, mà còn được thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc, nghĩa tình của con người vùng sơn cước như: cơm lam, nộm hoa chuối rừng, canh đắng...

Đi ngược miền tây xứ Thanh - Ảnh 4.

Du khách nước ngoài trải nghiệm cuộc sống tại Pù Luông

Những năm gần đây, nhằm thu hút khách du lịch, khu du lịch nghỉ dưỡng PuLuong Retreat (thuộc Bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước) đã được đầu tư xây dựng khá bài bản. Khu nghỉ dưỡng được xây dựng theo mô hình sinh thái này là một trong những điểm đến hấp dẫn của giới trẻ. Với 8 bungalow xinh xắn được xây dựng ngay sát mép ruộng bậc thang. Tất cả các bungalow ở PuLuong Retreat đều sở hữu tầm nhìn tuyệt đẹp xuống thung lũng phía dưới. Ghé thăm Puluong Retreat, ta có thể tận hưởng nhiều trải nghiệm thú vị, như: chèo thuyền kayak trên suối, đi bè tre trên sông, leo núi qua các bản làng truyền thống và những ruộng bậc thang, tham quan khu guồng nước khổng lồ, thác nước tự nhiên, hang động kì vĩ…

Đi ngược miền tây xứ Thanh - Ảnh 5.

Thác Hiêu ở Pù Luông vẫn giữ nguyên nét hoang sơ

Trên hành trình khám phá Pù Luông, ta có thể ghé thăm thác Hiêu, thác Muốn, Kho Mường. Nếu đi vào thứ 5 hoặc chủ nhật, ta sẽ được tham gia phiên chợ Phố Đòn với nhiều nét đơn sơ, mang đậm chất vùng cao phía tây Thanh Hóa. Phố Đòn là tên gọi khu chợ có từ thời Pháp tại xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, là nơi giao thương hàng hóa và gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Thái các xã quanh vùng cùng người dân ở các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn… (tỉnh Hòa Bình) sang giao thương. Việc xuống chợ không đơn thuần chỉ là buôn bán hàng hóa mà còn là dịp để họ được giao lưu văn hóa, gặp gỡ, hỏi thăm nhau. Đặc biệt, buôn bán ở chợ không nhất thiết phải dùng tiền, họ có thể đổi các loại hàng hóa có giá trị tương đương nếu người này có cái này nhưng thiếu cái kia và ngược lại…

4. Đi dọc theo quốc lộ 217, Suối cá thần Cẩm Lương nằm ngay chân núi Trường Sinh thuộc xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy cũng là một địa điểm hấp dẫn du khách xa gần. Dòng suối bắt nguồn từ núi Trường Sinh trước khi đổ ra sông Mã là vùng sinh sống của hàng ngàn con cá được người dân gọi là "cá thần". Loài cá này thuộc bộ cá chép, có tên trong sách Đỏ Việt Nam. Mỗi con có trọng lượng khoảng 1 đến 20 kg. Theo người dân, cá lớn nhất là cá chúa nằm trong hang, có trọng lượng lên đến 30 kg. Cá thần có hình dáng hoa văn rất lạ và đa dạng, nhiều màu sắc như: đỏ, xanh, hồng. Khi bơi, vây cá phát ra nhiều màu sắc lấp lánh ánh bạc trông ấn tượng và đẹp mắt. Mang vẻ đẹp nguyên sơ, Suối cá thần được Nhà nước xếp hạng là một trong những cảnh đẹp quốc gia. Trên đường đi vào Suối cá thần, khách du lịch còn được chiêm ngưỡng những nhà sàn đơn sơ, mộc mạc của đồng bào dân tộc Mường. Những ngôi nhà nằm lẩn khuất trên sườn núi, đắm mình trong không gian bình yên của những dãy núi đá cao chót vót với những hình hài kỳ thú nằm hai bên bờ sông Mã hay tìm hiểu những phong tục, tập quán độc đáo của bà con dân tộc thiểu số nơi đây như: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa pồn-pông…

Cùng với trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, tìm hiểu phong tục tập quán của cư dân bản địa, nếu bạn là người yêu thích loại hình du lịch thể thao mạo hiểm thì vùng miền núi phía tây xứ Thanh còn sở hữu nhiều danh thắng, hang động karst (đá vôi bị phong hóa) gắn với các truyền thuyết, di tích lịch sử văn hóa như động Bàn Bù hay còn gọi là Hang Ngán (huyện Ngọc Lặc), động Cây Đăng (huyện Cẩm Thủy), hang Phi hay còn gọi là động Ma (huyện Quan Hóa), hang Con Moong (huyện Thạch Thành), hệ thống hang động Cồ Luồng (huyện Quan Hóa)... Miền tây xứ Thanh hoang sơ mà quyến rũ luôn là trải nghiệm tuyệt vời với du khách thập phương.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh