Đi lễ cầu bình an, may mắn đầu năm ở những Đền, Chùa linh thiêng Hà Nội
- Tây Y
- 02:39 - 06/02/2019
Chùa Quán Sứ
Chùa Quán Sứ nằm trên phố Quán Sứ từ lâu đã nổi tiếng là ngôi chùa linh thiêng, thanh tịnh. Ngoài ra đây còn là trụ sở của giáo hội Phật giáo Việt Nam, là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của giáo hội. Bởi vậy trong ngày đầu năm mới, rất đông người dân, Phật tử về đây để đi lễ cầu mong mình và gia đình gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc sống.
Chùa Quán Sứ cũng là một trong rất ít ngôi chùa ở Việt Nam mà tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ.
Chùa Trấn Quốc
Được xây dựng từ thời vua Lý Nam Đến, chùa Trấn Quốc được bình chọn là một trong 16 ngôi chùa cổ đẹp nhất thế giới. Chùa toạ lạc trên hòn đảo duy nhất của hồ Tây trên đường Thanh Niên, tạo nên cảnh quan phong thủy hữu tình.
Nổi tiếng linh thiêng về cầu tài, cầu lộc lại là danh thắng bậc nhất đất kinh kỳ, chùa Trấn Quốc xưa kia thường là nơi để các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Ngày đầu năm, ngôi chùa này luôn tấp nập những du khách, phật tử đến lễ chùa và cầu mong những điều may mắn sẽ đến với gia đình mình.
Chùa Phúc Khánh
Chùa Phúc Khánh tọa lạc trên phố Tây Sơn, Hà Nội. Nơi đây từ lâu đã là một địa chỉ tâm linh quen thuộc và nổi tiếng linh thiêng đối với người dân Hà Nội. Phần bởi chùa có kiến trúc cổ kính, thanh tịnh, phần vì chùa nổi tiếng về dâng sao giải hạn đầu năm, thế nên ngay sau thời khắc giao thừa, rất đông người đã tới đây cầu may, hái lộc và xin quẻ cho một năm mới của bản thân và gia đình.
Chùa Láng
Nằm trên phố chùa Láng, đây là cũng một trong những ngôi chùa có số lượng tượng thờ nhiều nhất Hà Nội và cả Việt Nam, gồm 198 pho tượng lớn nhỏ, tiêu biểu là tượng Lý Thần Tông (1128 – 1138) ngồi trên ngai vàng và pho tượng Từ Đạo Hạnh đan bằng mây phủ sơn bên ngoài. Vào những ngày đầu xuân, du khách thập phương nườm nượp về đây khói hương nghi ngút và lặng yên hưởng chút dư vị thanh bình hiếm hoi còn sót lại giữa lòng Hà Nội.
Chùa Kim Liên
Chùa Kim Liên nằm phía đông bắc Hồ Tây, thuộc làng Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa có kiến trúc mang dáng vẻ cung đình.
Toàn bộ cổng chùa được làm bằng gỗ, khá đồ sộ và chạm khắc công phu. Các hoa văn được khắc trên vì kèo, đầu cột, đầu mái chùa, chủ yếu là hình hổ phù, lá và hoa sen, hình rồng cách điệu, mây vờn… Đây là lối kiến trúc có từ thế kỷ 17 trở về trước và chỉ phổ biến ở Đàng Trong. Những ngày lễ Tết, đầu xuân năm mới, người dân lại tìm đến đây để cầu bình an, may mắn.
Chùa Hà
Nằm trên phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, chùa Hà từ lâu đã là ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng về cầu tình duyên. Thế nên trong ngày đầu năm, Chùa Hà được rất nhiều các bạn trẻ, nam thanh nữ tú đi lễ bên cạnh các cụ cao nên và người trung niên. Tòa phật điện của chùa Hà được bố trí theo nhiều lớp. Lớp cao nhất là ba pho Tam thế thường trụ diệu pháp thân, đại diện cho Đức Phật ở thì hiện tại, quá khứ và tương lai.
Phủ Tây Hồ
Điều độc đáo nhất ở phủ thờ là ba pho tượng nữ thần đặt song hành. Ba vị này hợp thành Tam Phủ. Và theo quan niệm của Tam Phủ: người cai quản thiên phủ có thiên phúc ban phúc lộc cho con người, cai quản địa phủ có địa xá bỏ tội lỗi cho con người, cai quan thủy phủ có thủy quan cởi bỏ chướng ngại khó khăn cho con người. Với sức mạnh như vậy Phủ Tây Hồ là điểm đến hấp dẫn của mọi người.
Ngoài ra Phủ Tây Hồ còn được biết đến là nơi cầu tình duyên rất linh thiêng.
Chùa Hương
Chùa Hương (hay còn gọi là Hương Sơn) nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là một trong những điểm đến văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt nổi tiếng trong việc cầu bình an. Không chỉ vậy, đây cũng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng để cầu tự cho những gia đình hiếm muộn hoặc khó khăn, vất vả về đường con cái.
Như một thông lệ, hàng năm, cứ mỗi độ Tết đến xuân về cũng là lúc hàng triệu Phật tử và du khách thập phương nô nức kéo nhau về mảnh đất linh thiêng này để cầu mong cho một năm mới bình an, may mắn và thật nhiều sức khỏe.
Đền thờ An Mỵ Châu
Đền thờ An Mỵ Châu (An Mỵ Nương) - chùa Cổ Loa cũng là một địa chỉ đến cầu tình duyên và hạnh phúc gia đình linh thiêng bậc nhất nước ta và được rất nhiều bạn trẻ tìm đến vào dịp đầu năm mới.
Địa chỉ: nằm trong chùa Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Thăng Long tứ trấn (đền Quán Thánh, đền Voi Phục, đền Kim Liên, đền Bạch Mã)
Đền Quán Thánh hay còn gọi là đền Trấn Vũ nằm đúng ngã tư giao đường Thanh Niên với đường Quán Thánh, nhìn sang Hồ Tây. Dịp đầu xuân hay mồng 1, ngày rằm hàng tháng, đền luôn tấp nập khách thập phương.
Đền Voi Phục
Còn có tên là đền Thủ Lệ tọa lạc bên hồ Thủ Lệ, thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Đền thờ Linh Lang đại vương thượng đẳng phúc thần, người ba lần cưỡi voi ra trận đánh tan giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, có công hóa phép làm mưa, giải trừ đại hạn, giúp cho mùa màng tươi tốt
Đền Kim Liên tọa lạc tại phố Xã Đàn, Đống Đa. Đền Kim Liên trấn giữ phía Nam của kinh đô xưa, nơi đây được lập nên để thờ Cao Sơn Đại Vương - người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đã theo mẹ lên núi. Thần có công hỗ trợ Sơn Tinh đánh thắng Thủy Tinh, giúp Lê Tương Dực dẹp loạn, khôi phục nhà Lê. Đền hiện nay còn lưu giữ được 39 đạo sắc phong.
Đền Bạch Mã ngự ở phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, trấn giữ phía Đông kinh thành xưa. Đền thờ thần Long Đỗ, hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương, đền có hơn một nghìn năm lịch sử, lưu giữ văn hóa - lịch sử của Hà Nội xưa. Đây là vị thần được người dân Thăng Long xưa và nay tôn kính. đã và đang phù trợ cho nhân dân.