THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:00

Đi làm việc ở nước ngoài: Giúp người dân thoát nghèo bền vững

Tại công ty Cổ phần nhân lực Tadashi, rất nhiều người biết đến hai vợ chồng Hà Thị Hường như một điển hình đi làm việc ở nước ngoài thành công. Sinh 1992 tại thị Trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, năm 2013, Hường sang Nhật làm việc qua công ty LOD với chi phí 150 triệu. Nhà có 5 chị em, gia đình khó khăn nên Hường quyết sang Nhật làm việc để lấy tiền hỗ trợ bố mẹ nuôi em ăn học, số tiền 150 triệu chi phí trước khi đi và thêm 100 triệu tiền cọc chống trốn  phần lớn do bố mẹ Hường đi vay. Với công việc là kiểm soát linh kiện ô tô, mức lương của Hường tại Nhật là 32 triệu/ tháng chưa tính tiền làm thêm. Trừ chi phí sinh hoạt, mỗi năm Hường để dành ra được khoảng 300 triệu. Tiền lương công ty trả trực tiếp cho người lao động qua thẻ, Hường gửi về cho bố mẹ trả nợ chi phí ban đầu sau đó thì gửi tiết kiệm. Sau 3 năm làm việc tại Nhật, năm 2016, Hường đã có trong tay khoảng 800 triệu đồng và trở về nước lập gia đình. Chồng Hường cùng làm việc tại Nhật, sau đó về Việt Nam học lên cao đẳng kỹ thuật và tiếp tục quay trở lại Nhật theo diện kỹ sư và được quyền bảo lãnh vợ cho vợ sang. Đến 2019, hai vợ chồng mới trở về Việt Nam mua đất, làm nhà.

Nói về công việc của hai vợ chồng ở Công ty Tadashi hiện nay, Hường cho biết, sau khi về nước lần thứ nhất, với kinh nghiệm sống và làm việc tại Nhật, Hường đã làm cộng tác viên cho công ty này từ năm 2017. Năm 2019, từ Nhật trở về, hai vợ chồng trở thành nhân viên chính thức và làm tại  phòng tuyển dụng của công ty này.

Chia sẻ về quãng thời gian sang Nhật làm việc, Hường cho biết, đi làm việc ở nước ngoài chính là một bước ngoặt trong cuộc đời mình. “Do gia đình khó khăn, không đủ điều kiện học tiếp nên đi Nhật đã giúp em mở ra một hướng đi mới trong cuộc sống, thu nhập cũng cao không kém gì bạn bè tiếp tục được học hành.  Bây giờ đi làm việc ở nước ngoài cũng có nhiều ưu đãi chính sách hơn so với thời bọn em đi, người lao động  được vay vốn, hỗ trợ đào tạo nên cơ hội đi làm việc ở nước ngoài cũng dễ dàng hơn. Hiện tại vợ chồng em vẫn còn visa nên nếu muốn bọn em vẫn có  cơ hội quay lại Nhật làm việc.”

Ngôi nhà cũ mà Hoàng Văn Lập mượn sổ đỏ của ông bà để vay tiền đi xuất khẩu lao động

Ngôi nhà cũ mà Hoàng Văn Lập mượn sổ đỏ của ông bà để vay tiền đi xuất khẩu lao động

Nằm trong diện hộ nghèo thuộc đối tượng 135, Hoàng Văn Lập, người dân tộc Thái  sinh năm 1995 tại xã Xuân Lệ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đi làm việc tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan trong 5 năm từ 2019-2022. Trước đó, bố mẹ Lập cũng đã vay mượn để cho con học hết ĐH Văn hóa thể thao du lịch dưới thành phố, tuy nhiên, khi ra trường, đi làm vẽ tranh tường hay trang trí thi công nội ngoại thất ở Thanh Hóa cũng chỉ được 7-9 triệu/ tháng, không đủ chi tiêu nên Lập đã tìm cho mình một hướng đi mới.

“Em quen một anh bạn làm phòng LĐ-TB&XH Thành phố Thanh Hóa  và được giới thiệu chương trình IM Japan, là chương trình phi lợi nhuận, ưu tiên cho lao động nghèo nên không mất chi phí nhiều. Lúc đó, nghe giới thiệu mức lương em cũng ham vì sẽ giúp trả bớt nợ nần cho bố mẹ. Thế là quyết định mượn sổ đỏ của nông nội vay được 50 triệu tiền lo chi phí  tiền ăn học trước khi đi. Sang đó làm công việc chống thấm nước, lương em được 32-35 triệu chưa tính tiền tăng ca, mỗi tháng cũng dành dụm được chừng 20 triệu.  Đầu năm 2022, em về nước, sau mấy năm đi làm mang về được 700 triệu thì trích 500 triệu dành để xây cái nhà cho bố mẹ để gia đình không phải ở nhờ nhà ông bà nữa. Nhà giờ đã xây xong rồi, em đang  tìm công ty tiếp nhận mới để quay lại Nhật thêm 3 năm nữa. Hồi ở bên Nhật, em cũng đã thi xong chứng chỉ tay nghề nên hiện đang nhờ dịch vụ tìm cơ hội trở lại, nếu đi phí dịch vụ cũng chỉ mất khoảng 50 triệu thôi.” Lập kể.

Nhìn ngôi nhà khang trang thuộc diện nhất làng hiện nay, khó có thể hình dung mấy năm trước, gia đình Lập thuộc diện nghèo nhất làng, đến nhà cũng không có để ở, phải ở nhờ nhà ông bà nội. Giờ gia đình Lập không còn là hộ nghèo nữa, bố mẹ trước chỉ làm nông, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì  giờ đã có tiền nên thuê máy móc, thuê người làm và đầu tư vào một số dự án trồng cây công nghiệp (cây keo) và  chăn nuôi. Em gái đang học lớp 9 nhờ số tiền anh trai mang về cũng có nhiều cơ hội học hành lên cao hơn. Lập cho biết, sau khi quay lại Nhật khoảng 2-3 năm nữa, có tiền về cậu sẽ mở xưởng làm trang trí nội, ngoại thất và khởi nghiệp ngay tại địa phương.

Ngôi nhà mới khang trang mà Hoàng Văn Lập xây cho bố mẹ từ nguồn tiền đi làm việc tại Nhật Bản

Ngôi nhà mới khang trang mà Hoàng Văn Lập xây cho bố mẹ từ nguồn tiền đi làm việc tại Nhật Bản

Tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại một số huyện nghèo” vừa được tổ chức tại Thanh Hóa, ông Lò Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, Bá Thước vẫn là một huyệnghèo, do vậy công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hết sức quan trọng bởi đây là một giải pháp hữu hiệu nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Hàng năm, huyện đều chỉ đạo các phòng ban chuyên môn làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, làm sao để thu hút được nhiều lao động tham gia với mục tiêu mỗi năm có khoảng 100 lao động của huyện đi làm việc ở nước ngoài, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Nói về hiệu quả của công tác đưa người lao đông đi làm việc ở nước ngoài, ông Thắng cho biết, thanh niên tại huyện Bá Thước thường làm nghề tự do, làm nông nghiệp hoặc làm thuê cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhìn chung thu nhập rất thấp, không ổn định, một số đi làm ăn xa nhưng thu nhập bấp bênh, chỉ 4-5 triệu đồng/ tháng, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống.

“Tuy nhiên, hàng năm huyện có khoảng 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài và số lao động này có việc làm ổn định, thu nhập cao từ 10-20 triệu, thậm chí nhiều thị trường hơn 20 triệu/ tháng,  góp phần rất lớn nâng cao thu nhập cho người lao động và xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Nhiều lao động sau khi đi về đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được các đồ dùng, phương tiện như xe máy, tủ lạnh, ti vi... Cơ bản là họ đã thoát nghèo, vươn lên trở thành những hộ khá giả trên địa bàn.”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước thông tin.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Đặng Sỹ Dũng cho rằng, tại các huyện nghèo, xã nghèo, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là giải pháp tạo việc giải quyết rất hiệu quả, giúp giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đặc biệt là với thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, đa phần người lao động đi làm việc đủ thời gian đều có một khoản tích lũy tương đối.  Như đi Nhật Bản, Hàn Quốc lao động có thể mang về được 800 triệu -1 tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các huyện nghèo vẫn còn rất nhiều việc phải làm như công tác tuyên truyền để người lao động thay đổi nhận thức, tiếp cận được các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đặc biệt là chương trình phi lợi nhuận do Chính phủ tổ chức hay tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận được các nguồn vốn vay bởi nếu không được tiếp cận nguồn vốn vay thì cơ hội đi làm việc ở nước ngoài của người lao động giảm đi rất nhiều…

Bảo Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh