Đi làm trước khi hết hạn nghỉ thai sản, có cần đóng BHXH?
- Bài thuốc hay
- 20:20 - 09/03/2017
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời cử tri tỉnh Thanh Hóa như sau:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 39 của Luật BHXH, “Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng BHXH, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH”.
Căn cứ quy định nêu trên, đối với thời gian người lao động hưởng chế độ thai sản mà không “nghỉ việc” thì thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đã đóng BHXH; thời gian này người lao động đi làm việc, có hưởng tiền lương nên người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHXH bắt buộc trên cơ sở tiền lương đó (không đóng trên số tiền hưởng chế độ thai sản hàng tháng).
Ngoài ra, Luật BHXH cũng quy định, người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản nhưng thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đã đóng BHXH.
Như vậy, Điểm c, Khoản 2, Điều 12 của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định, trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì ngoài tiền lương, lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định nhưng thời gian đi làm trước phải đóng BHXH, BHYT.
Quy định này bảo đảm lao động động nữ có thời gian đóng BHXH liên tục và bảo vệ lao động nữ trong trường hợp không may bị ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,.. trong thời gian đi làm trước.