THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:52

Di dời linh vật ngoại lai: Vẫn giậm chân tại chỗ

 

 

Đưa vào dễ, chuyển ra khó

Từ tháng 9/2014, ngành VH-TT&DL Bắc Giang đã có công văn chỉ đạo các địa phương di dời linh vật ngoại lai, hiện vật, đồ thờ, tượng thờ, biểu tượng không phù hợp ra di tích, sau đó đã mời chuyên gia về tập huấn, tuyên truyền và định hướng giải pháp, nhưng đến thời điểm này chỉ có vài nơi thực hiện nghiêm việc di dời, còn lại đa số các địa phương vẫn "án binh bất động". Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Bo Giàu (xã Nghĩa Hưng, Lạng Giang) là nơi có nhiều linh vật ngoại lai tới 10 con sư tử ngoại lai bằng bê tông vẫn  án ngữ ở nhiều vị trí di tích với hình dáng giữ tợn nhe nanh, múa vuốt. Ông Đồng Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho rằng: “Trước đây một số gia đình trong vùng đã công đức các linh vật vào đình, vì đã trót đưa vào thờ nên hiện nay rất ngại chuyển đi, UBND xã đã tổ chức hội nghị mời lãnh đạo và người cao tuổi trong thôn để vận động nhưng chưa ngã ngũ vì các linh vật đã tồn tại trong di tích nhiều năm nay, ít nhiều cũng đã nhuốm màu sắc tâm linh.”

Còn tại di tích cấp tỉnh đền Dành (xã Liên Chung, huyện Tân Yên), mặc dù UBND xã đến làm việc, vận động các cụ cao niên cho phép di dời đôi sư tử ngoại lai có hình thù khá lạ mắt và dữ tợn đặt phía trước đền nhưng chưa được di chuyển đến nơi khác. Phó Chủ tịch UBND xã Liên Chung, ông Dương Minh Hiểu khẳng định, lý do các cụ chưa đồng thuận vì vẫn còn nặng nề tâm lý xem đây là việc tâm linh, tới đây xã sẽ tiếp tục vận động bà con di chuyển cặp sư tử này. Ông Nguyên Văn Dân, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Việt Yên, cho rằng: Một số di tích trong huyện đã lỡ đưa tượng Quan Âm Bạch Y vào thờ, khi bàn biện pháp khắc phục, có ý kiến cho rằng mang tượng chôn xuống đất, cất vào kho, hay thả xuống sông... Tuy vậy, tất cả phương án trên đều khó khả thi và chưa nhận được sự đồng thuận từ nhân dân, người dân đã “hô thần nhập tượng”, hơn nữa đây là vấn đề thuộc về tín ngưỡng, tôn giáo nên khá nhạy cảm, trước mắt huyện đã chỉ đạo các di tích không tiếp nhận tượng này.

 

Cơ sở chưa vào cuộc

Trong đợt giám sát công tác tu bổ di tích tại Sở VH-TT&DL Bắc Giang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Cường đã chỉ đạo, cần kiên quyết không xếp hạng đối với những di tích chưa di dời linh vật ngoại lai, tượng thờ không phù hợp. Đồng thời yêu cầu, ngành văn hóa nghiên cứu đưa ra giải pháp phù hợp khắc phục tình trạng trên. Theo kết quả kiểm kê tại các di tích lịch sử được xếp hạng tháng 3 vừa qua, toàn tỉnh có 96 linh vật ngoại lai (chủ yếu là sư tử đá). Ông Nguyễn Hữu Phương, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang, cho biết: Khi có chỉ đạo từ Bộ VH-TT&DL, Bắc Giang đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền việc sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật, tượng thờ không phù hợp thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tại các di tích, danh lam thắng cảnh. Đồng thời gửi các mẫu tượng, linh vật phù hợp với di tích tại Việt Nam để các địa phương tham khảo, vận dụng. Sở VH-TT&DL cũng yêu cầu các địa phương hỗ trợ kinh phí tập hợp, vận chuyển biểu tượng, linh vật không phù hợp trong di tích về tại trung tâm huyện, TP chờ hướng dẫn xử lý của T.Ư.

Hiện có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc xử lý linh vật ngoại lai, đó là chỉnh sửa lại những thành linh vật Việt, hoặc hủy để lấy chất liệu ấy chế tác linh vật Việt... Giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng: Sư tử truyền thống thường có hình dáng hiền lành, mộc mạc, nanh vuốt không dữ tợn như sư tử châu Âu hay Trung Quốc.

Nghê của người Việt không hung dữ mà gần gũi, thân thiện, kích thước vừa phải với cảnh quan di tích. Trước mắt, ngành chức năng và truyền thông cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ vì sao những hiện vật ngoại lai lại không phù hợp. Khi người dân đã thông tỏ thì việc di dời hiện vật, linh vật lạ, ngoại lai mới được thực hiện dễ dàng. Thực tế, sau khi ngành văn hóa “đánh tiếng” đã có một số ít địa phương trong tỉnh vào cuộc tích cực đưa linh vật, đồ thờ không phù hợp ra khỏi di tích. Điển hình phải kể đến cụm di tích lịch sử quốc gia đền, chùa Từ Hả (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn), đôi sư tử đá ngoại lai trước cửa đền đã được chuyển về khu đất trống phía sau đền và che phủ lại. Đôi sư tử đá ngoại lai tại cụm di tích đền, chùa Khánh Vân, thị trấn Chũ đã được chế tác lại thành con nghê có hình dáng thuần Việt. Ở Tân Yên di tích đình Tiến Sơn, xã Hợp Đức cũng đã hoàn thành việc di dời linh vật ngoại lai. Hay như đôi sư tử đá ở chùa Vĩnh An, xã Song Mai (TP Bắc Giang) đã được nhân dân thả xuống sông Thương...

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Phương, thời gian tới, ngành văn hóa tỉnh và các huyện, TP tiếp tục kiên trì gặp gỡ vận động, đôn đốc, nhắc nhở các ban quản lý di tích cơ sở, nhất là hội người cao tuổi ở thôn nâng cao trách nhiệm, ý thức di dời linh vật, tượng thờ không phù hợp, đồng thời tăng cường tuyên truyền để nhân dân nhận biết, so sánh giữa linh vật ngoại lai với linh vật thuần Việt.      

NGUYỄN HƯỞNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh