Dệt may Việt Nam năm 2015: Tự tin với mục tiêu đạt trên 28 tỷ USD
- Tây Y
- 16:36 - 29/01/2015
Cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại
Từ thành công của năm cũ và những tín hiệu lạc quan trên thị trường, năm nay ngành dệt may Việt Nam đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt từ 28 - 28,5 tỷ USD, cao hơn năm 2014 từ 4 - 4,5 tỷ USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của ngành dệt may đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2015.
Thuế xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường có thể giảm về 0%, là cơ hội lớn để các nhà sản xuất và xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng tốc trong cuộc đua với nhiều thương hiệu dệt may lớn trên thế giới. Đây chính là sức hút để các nhà nhập khẩu từ các quốc gia khác chuyển dịch đơn hàng về Việt Nam.
Hàng dệt may Việt Nam hiện đã có chỗ đứng tại hầu hết các thị trường trên thế giới. Trong đó, chỉ riêng 3 thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may cả nước.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, (Bộ Công Thương) cho biết: “Triển vọng tăng trưởng kim ngạch dệt may tại các thị trường trên rất lớn. Khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, thuế từ 12% về 0% sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường EU”.
Tương tự, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại thị trường Mỹ, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ mặc dù luôn tăng từ 12 - 13%/năm, nhưng thực tế chỉ mới chiếm khoảng 9% tỷ trọng nhập khẩu của thị trường này.
Hàng dệt may Việt Nam có chỗ đứng tại hầu hết các thị trường trên thế giới.
Tại Nga, trước đây mức thuế áp dụng cho hàng dệt may chính ngạch của Việt Nam rất cao và được tính theo trọng lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan) dự kiến được ký kết đầu năm 2015, đang hứa hẹn sẽ cải thiện đáng kể chính sách thuế, hải quan và tạo sức hấp dẫn lớn để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường này trong năm nay.
Ước tính với toàn bộ liên minh, khi hiệp định có hiệu lực, ít nhất 80% hàng hóa Việt Nam vào các nước này sẽ được miễn thuế, do đó hàng tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn, trong đó có dệt may.
Chú trọng năng suất lao động
Tuy đứng thứ 2 nhưng khoảng cách với Trung Quốc của dệt may Việt Nam vẫn khá xa. Để tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam phải có sản phẩm chiến lược để có bản sắc riêng, chiếm giữ vị trí ổn định trên thị trường.
Đặc biệt, vấn đề năng suất lao động cần được chú trọng nâng cao, đáp ứng kỹ thuật cao, bởi theo ông Phan Văn Chinh, thực trạng nhân lực ngành dệt may hiện nay tuy giải quyết được số lượng lớn lao động với tổng nhân lực của ngành dệt may hiện khoảng 2,5 triệu người, nhưng lao động công nghiệp chỉ chiếm khoảng 15%.
Nghiêm trọng hơn, trên cả chuỗi cung ứng, trừ những khâu liên quan đến sản xuất may và sợi thì nhân lực của ngành thiếu toàn diện, gần như không có đơn vị nào đào tạo lực lượng đáp ứng đủ các khâu trong ngành.
“Tiếp tục như vậy, chúng ta sẽ phải đối mặt với thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, sản phẩm sản xuất ra chỉ mang tính đại trà, thiếu yếu tố thiết kế, đồng nghĩa với việc chúng ta không có thương hiệu lớn trên thị trường quốc tế”, ông Chinh nói.
Cũng theo ông Chinh, các DN cần tập trung đầu tư vào một thế mạnh mũi nhọn để tránh bị phân tán nguồn lực. Đơn cử, Vinatex hiện đang là tập đoàn hùng mạnh nhất, chủ động được ở tất cả các khâu từ sợi, dệt, nhuộm... đủ lực để cung cấp cho các DN của Cty.
Với việc chủ động nguồn vải, sản phẩm của các DN sẽ đáp ứng được điều kiện xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan, đồng thời nâng cao uy tín, bảo đảm cạnh tranh.
Được biết, sau Vinatex là các Tổng Cty dệt may có doanh thu tốt như: Việt Tiến, Phong Phú, May 10, May Đức Giang...
Bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận định: “Tăng năng suất lao động là việc làm cấp bách, tuy nhiên, điều này không chỉ phụ thuộc vào riêng người lao động, mà nó chỉ có thể được cải thiện khi Chính phủ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và các DN phải đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị. Khi xóa bỏ rào cản thuế quan, cuộc cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt, tập trung đầu tư mạnh mẽ cho nguồn nhân lực chính là bài toán tốt nhất để nâng cao chất lượng sản phẩm. |