Kiều nữ Ngọc Lan: Đẹp, diễn hay, đắt sô ...
- Văn hóa - Giải trí
- 19:26 - 07/04/2015
Từ đó đến nay Ngọc Lan đã ghi dấu sự trưởng thành của mình qua rất nhiều nhân vật với tính cách khác nhau, từ đanh đá chua ngoa đến khổ đau, bất hạnh và cả tưng tửng, hài hước trong các bộ phim: Cổng mặt trời, Âm tính, Ầu ơ ví dầu, Ngày ta yêu nhau, Những bông hồng xanh, Chuyện xứ dừa, Thuyền giấy, Quý bà lắm chiêu…
* Ngọc Lan từng được một số giải thưởng cho khả năng diễn xuất trong các phim truyền hình. Chị thấy mình có xứng đáng?
- Mấy năm trước, trong một loạt bài báo viết về phim truyền hình, nói đến diễn xuất của diễn viên, có người gọi tôi là thợ diễn. Tôi buồn chút xíu. Nhưng hiểu rằng, nhận xét đó là động lực để tôi cố gắng trong nghề. Khi một người nghệ sĩ được trao giải, nghĩa là họ xứng đáng với giải.
Nhận giải rồi, tôi càng phải cố gắng nhiều hơn trong các bộ phim sắp tới vì không muốn khán giả, ban giám khảo - những người trao giải thất vọng. Tôi muốn họ xem phim sắp tới, họ thấy, trao giải cho Ngọc Lan là xứng đáng và biết đâu, họ lại muốn… trao giải nữa cho tôi.
* Từ một diễn viên không chuyên bước vào nghệ thuật, chị đã phải lao động thế nào để có được kết quả như ngày nay?
- Chắc chắn không thể thiếu yếu tố may mắn. Nhưng chỉ may mắn thôi không đủ. Khởi nghiệp từ nghề người mẫu, rồi đóng minh họa cho phim ca nhạc, karaoke… sau đó tôi được mời tham gia một vai diễn nhỏ trong bộ phim Công ty thời trang.
Không biết gì về diễn xuất, mỗi lần xuất hiện trước ống kính tôi luôn bị la vì diễn… hổng giống ai. Lúc đó còn nhỏ, ít trải nghiệm nên tôi tự ái và… “hận” ghê gớm. Ban đầu muốn bỏ nghề vì nản. Nhưng rồi nghĩ ở nhà ba má, anh Hai không bao giờ la mình câu nào, vậy mà giờ bị “người dưng” la mắng xối xả, tôi nuôi ý chí… “trả thù”:
“Phải làm sao để những người hôm nay coi thường mình sẽ phải nhìn mình bằng đôi mắt khác”. Có lẽ cũng vì lý do đó nên bây giờ tôi tự nhận mình có một tính xấu khó sửa: không muốn ai diễn hơn mình. Và để không ai hơn mình, tôi luôn tự nhắc mình phải phấn đấu không ngừng, phải “luyện” nghề mọi lúc, mọi nơi.
* Khán giả còn ngạc nhiên với khả năng diễn hài của chị. Làm sao chị phát hiện ra mình có thể chọc cười?
- Tôi cũng ngạc nhiên không hiểu vì sao mình có thể làm khán giả cười. Có thể vì ở tôi có điều gì đó rất... vô duyên mà chính tôi cũng chưa phát hiện ra, nhưng đạo diễn đã biết cách khai thác sự vô duyên đó để mang lại tiếng cười cho người xem. Xuất hiện ở những tiểu phẩm hài trên sân khấu và một vài vai diễn hài hước trong các bộ phim truyền hình, nhưng thú thật tôi vẫn chưa tự tin lắm khi diễn hài.
* Đóng phim truyền hình liên miên, chị nghĩ sao khi việc làm phim đang bị kêu ca là “nhanh, vội, ẩu” như hiện nay?
- Không phủ nhận việc làm phim truyền hình hiện nay nhanh, vội và đôi khi có cả sự cẩu thả, nhưng nếu đánh đồng tất cả thì lại không chính xác. Vẫn còn những đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất rất nghiêm túc.
Người ngoài vẫn nhìn vào thế giới showbiz với nhiều điều phức tạp và cả sự ganh ghét, đố kỵ. Riêng tôi, không bị áp lực bởi những vấn đề đó. Tôi quan niệm mình sống ngay thẳng, cố gắng làm thật tốt công việc và thẳng thắn góp ý để mọi thứ tốt đẹp hơn thì không việc gì phải bận tâm đến chuyện người ta sẽ nói gì sau lưng.
* Không được học hành một cách bài bản mà lại tham gia diễn xuất với tần số dày đặc cả trên phim và sân khấu. Chị không thấy mình hụt hơi?
- Vốn là diễn viên tay ngang nên với tôi, sân khấu là một lĩnh vực rất khó mà mình không có đủ khả năng theo đuổi. Do vậy, khi nhận được lời mời về Sân khấu Hoàng Thái Thanh, tôi đã gật đầu mà không cần suy nghĩ vì đây là cơ hội quý báu để được thử sức mình.
Tuy nhiên, sau một vài vai diễn, dù bắt đầu được khán giả nhận xét tốt, nhưng tôi lại nhận ra rằng mình không đủ sức để làm tốt cả ở phim ảnh lẫn kịch nghệ. Thôi thì đành gác lại đam mê sân khấu, chờ khi có đủ điều kiện hơn. Ở phim truyền hình, cũng có lúc tôi rơi vào trạng thái quá tải vì… “tham” và cũng vì muốn nhanh chóng hiện thực hóa ước mơ có nhà, có xe mà tôi đã ấp ủ từ lâu.
Đoàn phim nào mời tôi cũng nhận. Sáng hóa thân thành nhân vật này, chiều trở thành nhân vật khác, tôi gần như không có thời gian để đầu tư cho các vai diễn và cảm giác mình sắp trở thành “thợ diễn”. May mắn, thói quen hay nhìn lại công việc sau mỗi ngày giúp tôi giật mình nhận ra nếu cứ tiếp tục kiểu này, chẳng bao lâu nữa tôi sẽ trở nên nhàm chán trong mắt khán giả. Tôi không bao giờ muốn điều đó bị lặp lại trong tương lai.
* Gia đình có ý nghĩa thế nào sau những mệt mỏi của chị vì công việc?
- Ba mất khi tôi chưa tròn hai tuổi. Một mình mẹ gồng gánh nuôi hai anh em bằng đồng lương công nhân. Thuở nhỏ, gia đình nghèo vật chất nhưng tôi lại được sống trong sự sung túc về tình cảm. Tôi thương mẹ vì mẹ luôn hy sinh tất cả cho con cái. Cho đến bây giờ, khi cuộc sống đã đỡ vất vả hơn, mẹ vẫn sống đơn giản, tiết kiệm.
Tôi ảnh hưởng cách sống đó ở mẹ rất nhiều. Tôi thương anh Hai vì anh là người đàn ông thứ hai sau ba yêu thương tôi vô điều kiện. Có những ký ức tuổi thơ là hành trang tôi mang theo suốt cuộc đời. Đó là những lúc mẹ viện đủ lý do để nhường cho hai anh em tôi miếng ngon trong bữa ăn.
Là những cơn mưa tầm tã, nước dột vào tận chiếc giường độc nhất của ba mẹ con trong ngôi nhà lá, mẹ và anh Hai ôm tôi vào giữa, cố che chắn cho tôi được khô ráo. Với tôi, gia đình là tổ ấm, là nơi yên bình giúp tôi không bao giờ gục ngã trước bất kỳ một biến cố nào của cuộc sống.