Đến sáng 7/6, thế giới có trên 174 triệu người mắc COVID-19
- Công nghệ
- 14:47 - 07/06/2021
Theo TTXVN, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 300.000 ca nhiễm và trên 6.800 ca tử vong. Tình hình Ấn Độ đang chuyển biến tích cực với ca nhiễm mới thấp nhất trong hơn 2 tháng qua.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 7/6 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 174.028.784 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.742.979 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 157.293.010 người, 12.992.501 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 87.413 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (101.232 ca), Brazil (39.637 ca) và Colombia (24.050 ca); Ấn Độ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.445 ca), tiếp theo là Brazil (775 ca) và Colombia (539 ca)
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.210.223 triệu người, trong đó có 612.363 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 28.909.604 ca nhiễm, bao gồm 349.229 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 16.947.062 ca bệnh và 473.404 ca tử vong.
Một số chuyên gia dịch tễ lo ngại, B.1.617 sẽ phơi bày những điểm yếu trong chiến lược ưu tiên những liều vaccine đầu tiên của Canada và có thể gây nguy hiểm cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung cấp vaccine của Canada đang tăng lên và liều tiêm thứ hai được đẩy nhanh trên toàn quốc, cũng có ý kiến cho rằng, mối lo này đang bị thổi phồng quá mức. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, tình hình tại Canada hiện nay tốt hơn nhiều so với đầu năm nay. Canada đã ghi nhận trên 1,3 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó 25.712 người đã tử vong.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á, các quốc gia trong khu vực đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng. Theo thống kê của trang Our World in Data cập nhật đến ngày 4/6, xét về tỷ lệ phần trăm dân số đã được tiêm đủ liều vaccine COVID-19, hiện Singapore đang dẫn đầu Đông Nam Á với khoảng 31%, tiếp theo là Campuchia với 12,7%. So với Israel và Mỹ, những nước dẫn đầu thế giới về tiến độ tiêm vaccine với tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ lần lượt là 56% và 40% dân số, các nước Đông Nam Á không còn cách nào khác ngoài tăng tốc để có được nguồn cung và triển khai tiêm nhằm đảm bảo tiến độ miễn dịch nhờ vaccine cùng với thế giới.
Từ ngày 7/6, Thái Lan sẽ chính thức bắt đầu chương trình tiêm chủng trên toàn quốc. Nước này đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, sẽ có 50 triệu người, tức 70% dân số nước này, được tiêm. Thái Lan vẫn đang nỗ lực tìm nguồn vaccine để thực hiện mục tiêu này.
Hiện Thái Lan mới chính thức đặt mua được 67 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca và Sinovac. Chính phủ nước này đang xúc tiến các cuộc thương lượng để mua thêm 25 triệu liều vaccine của hãng Pfizer và Johnson & Johnson nhằm đạt được mục tiêu tiêm chủng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay.
Lào đặt mục tiêu, đến cuối năm nay sẽ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho một nửa dân số. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế Lào đang kêu gọi người dân cả nước tích cực đi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Những người chưa tiêm mũi đầu tiên có thể đăng ký trực tuyến với cơ quan y tế địa phương để được cung cấp vaccine. Còn những người đã tiêm một mũi thì tiếp tục đi tiêm mũi 2 theo đúng hẹn để đảm bảo hiệu quả. Theo quy định phòng dịch mới, người dân ở Vientiane đã tiêm đủ hai mũi vaccine sẽ được phép đến các tỉnh khác mà không cần phải xin phép hoặc cách ly.
Hiện nay, Lào đã có hơn 600.000 người được tiêm mũi đầu tiên và hơn 200.000 người được tiêm đầy đủ. Tổng cộng 1.963 người đã nhiễm và 3 người tử vong vì COVID-19 tại Lào.
Campuchia đặt ra mục tiêu tiêm vaccine cho 10 triệu người để hình thành miễn dịch cộng đồng. Chiến lược tiêm vaccine "nở hoa" đang được áp dụng, theo đó, đầu tiên sẽ tập trung tiêm tại thủ đô Phnom Penh và những vùng đang bùng phát dịch, sau đó dần dần tới các khu vực khác cho đến khi hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Indonesia hiện đang trải qua đợt dịch COVID-19 phức tạp nhất tại Đông Nam Á. (Ảnh: AP)
Ngày 6/6, Campuchia xác nhận 631 ca mắc mới và 11 bệnh nhân tử vong, nâng tổng số người mắc lên 34.244 trường hợp, bao gồm 263 người thiệt mạng.
Bộ Y tế Campuchia đã chỉ đạo khẩn tới bệnh viện các tỉnh tăng cường công tác phòng chống dịch, thực hiện nghiêm những quy định của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn, cách ly tuyệt đối bệnh nhân COVID-19, tăng cường công tác truy vết. Tuy nhiên, cũng có thông tin tích cực khi trong ngày 6/6, ở đây có 1.069 trường hợp khỏi bệnh. Đây là lần đầu tiên trong tuần qua, số bệnh nhân khỏi bệnh cao hơn số ca nhiễm mới trong một ngày.
Tại Malaysia, 2 loại vaccine được sử dụng để tiêm phòng hiện nay là Moderna của Mỹ và Sinopharm của Trung Quốc. Nước này đã cho phép chính quyền các bang và bệnh viện tư nhân tự mua vaccine COVID-19, bao gồm cả những loại vacine hiện không được sử dụng trong chương trình tiêm chủng quốc gia, miễn là loại được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt.
Với 6.241 ca mắc mới trong ngày 6/6, hiện Malaysia xác nhận 616.815 người nhiễm bệnh, trong đó có 3.378 trường hợp tử vong.
Indonesia hiện đang trải qua đợt dịch COVID-19 phức tạp nhất tại Đông Nam Á. Nước này cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung vaccine cũng như tiến độ tiêm phòng. Thông qua cơ chế COVAX, Indonesia được đảm bảo vaccine để tiêm cho 20% dân số. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's dự báo, phải tới năm 2023, quốc gia này mới đạt được miễn dịch cộng đồng. Hiện Indonesia đang tiến hành đàm phán để mua thêm vaccine.
Ngày 6/6, Indonesia ghi nhận 5.832 ca mắc mới. Như vậy, đến nay Indonesia đã có trên 1,8 triệu người nhiễm bệnh và 51.612 trường hợp không qua khỏi.
Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị thực hiện chính sách "bong bóng du lịch" với một số nước thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 và có thỏa thuận thiết lập hành lang du lịch với quốc gia Đông Nam Á này.
Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) vừa ghi nhận ca mắc mới COVID-19, là trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 42 ngày. Đáng chú ý, ca mắc mới này là một thiếu nữ 17 tuổi, được chẩn đoán nhiễm biến thể dạng đột biến gene N501Y. Đây được coi là 1 trong 3 đột biến đáng lo ngại nhất của các loại biến thể virus SARS-CoV-2 bởi nó làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%. Theo nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hong Kong, đây là trường hợp đầu tiên mắc đột biến gene N501Y mà không rõ nguồn lây tại Hong Kong. Nồng độ virus ở ca bệnh này cao gấp 1.000 lần so với những bệnh nhân nhiễm nhóm biến thể phát hiện lần đầu ở Nam Phi.
Cơ quan quản lý y tế Trung Quốc đã chấp thuận sử dụng vaccine Sinovac phòng COVID-19 trong trường hợp khẩn cấp cho trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Nhiều nước đã cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, nhưng chưa có quốc gia nào mở diện cấp phép cho độ tuổi nhỏ như Trung Quốc.
Hiện chưa rõ khi nào Trung Quốc sẽ khởi động chiến dịch tiêm phòng cho trẻ em dưới 18 tuổi. Trung Quốc đang đặt ra mục tiêu tiêm ngừa được cho khoảng 560 triệu người tới cuối tháng 6. Đến nay, Trung Quốc ghi nhận 91.248 ca mắc COVID-19 và 4.636 trường hợp tử vong.