Đến sáng 7/5, thế giới có trên 156,5 triệu người mắc COVID-19
- Công nghệ
- 17:07 - 07/05/2021
Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 824.000 ca mắc COVID-19 và trên 13.200 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 156,5 triệu ca, trong đó trên 3,26 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (414.433 ca), Brazil (67.099 ca) và Mỹ (trên 43.500 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (3.920 ca), Brazil (2.304 ca) và Mỹ (822 ca).
Như vậy, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 nhiều nhất thế giới trong 24 giờ qua. Với con số 414.433 ca, Ấn Độ lại lập kỷ lục về số ca mắc hàng ngày.
VTV cũng đưa tin, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 33,3 triệu ca mắc và hơn 593.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 36.100 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 21,4 triệu người đã nhiễm bệnh. Ngày 6/5, Ấn Độ báo cáo trên 414.400 ca mắc COVID-19 mới và hơn 234.000 trường hợp tử vong, mức cao nhất thế giới. Chỉ trong một tháng qua, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 8,5 triệu ca COVID-19, làm chao đảo hệ thống y tế của nước này. Một chuyên gia virus học của Ấn Độ đánh giá, phải đến cuối tháng 5/2021, số ca nhiễm ở Ấn Độ mới bắt đầu giảm dần.
Ngày 6/5, Sri Lanka trở thành nước láng giềng tiếp theo của Ấn Độ đóng cửa biên giới với quốc gia Nam Á này sau khi phải nỗ lực ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca mắc mới bệnh COVID-19. Chính phủ Sri Lanka đã cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ Ấn Độ bằng đường không. Cơ quan Hàng không dân dụng Sri Lanka (CAASL) cho biết, quyết định này được đưa ra nhằm ngăn chặn biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ xâm nhập vào Sri Lanka.
Hai quốc gia láng giềng khác của Ấn Độ là Bangladesh và Nepal cũng đã cấm các chuyến bay với Ấn Độ và đóng cửa biên giới với quốc gia này. Địa điểm nghỉ dưỡng hạng sang Maldives đã tăng cường các biện pháp hạn chế đối với du khách Ấn Độ, yêu cầu phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh. Ấn Độ là thị trường du lịch lớn nhất của Sri Lanka và Maldives, cả hai nước này đang phải đối mặt với tổn thất lớn do làn sóng dịch bệnh mới đang lây lan nhanh.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận hơn 67.000 ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, hơn 416.900 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 15 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Australia đang đẩy mạnh chiến dịch truy vết sau khi thành phố Sydney phát hiện 2 ca mắc COVID-19. Đây là những ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng trong hơn một tháng qua tại thành phố này. Cụ thể, một cặp vợ chồng ở Sydney đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, đáng lo ngại là hai người này nhiễm biến thể mới từ Ấn Độ.
Trước tình hình này, Thủ hiến bang New South Wales đã quyết định áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội bắt buộc tại Sydney và một số vùng lân cận từ 17h ngày 6/5 (theo giờ địa phương). Các biện pháp bao gồm yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi sử dụng những phương tiện vận tải công cộng và trong không gian kín, cấm tập trung từ 20 người trở lên, hạn chế số người đến thăm các nhà dưỡng lão.
New Zealand ngày 6/5 đã tạm ngừng hoạt động đi lại miễn cách ly với bang New South Wales của Australia. Động thái được đưa ra sau khi bang New South Wales phát hiện 2 ca COVID-19 tại thành phố Sydney sau hơn 1 tháng không có lây nhiễm cộng đồng. Quyết định trên sẽ có hiệu lực trong 48 giờ, bắt đầu từ nửa đêm 6/5. Giới chức New Zealands cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình tại Australia để có biện pháp ứng phó phù hợp.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu cùng ngày đã khuyến nghị các quốc gia thành viên dỡ bỏ những hạn chế đi lại đối với khách du lịch Israel. Israel là quốc gia mới được cập nhật vào danh sách các nước không thuộc EU được đề nghị nới lỏng hạn chế. Danh sách này gồm có cả Australia, New Zealand và Hàn Quốc. Khuyến nghị không có tính chất bắt buộc với các nước thành viên. Trước đó, một số nước như Hy Lạp, Cyprus đã nới lỏng hạn chế với du khách Israel. Italy cũng sẽ mở cửa đón du khách Israel từ giữa tháng 5 tới.
Đức sẽ cho phép tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca cho tất cả người trưởng thành thuộc mọi lứa tuổi. Quyết định được đưa ra vào ngày 6/5 đã đảo ngược một quyết định trước đó về việc hạn chế tiêm loại vaccine này cho nhóm người trên 60 tuổi. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Span, quyết định trên nhận được sự đồng thuận của những người đứng đầu ngành y tế ở các bang. Bên cạnh đó, Đức cũng sẽ rút ngắn thời gian chờ giữa 2 mũi tiêm vaccine AstraZeneca từ 12 ngày xuống còn 4 đến 6 ngày. Ngoài ra, Đức dự kiến cung cấp vaccine của Pfizer-BioNTech cho nhóm người thuộc độ tuổi 12 - 18 vào trước cuối tháng 8 nếu các cơ quan quản lý cấp phép cho sử dụng.
Nepal, nước láng giềng của Ấn Độ, đang bắt đầu chứng kiến số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tăng vọt. Ở thành phố này, người dân phải hỏa thiêu nạn nhân COVID-19 ở ngoài trời do những khu hỏa thiêu tại chùa và các đài hóa thân đã hết chỗ.
Liên minh Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo tại Nam Á nữa xảy ra ở Nepal. Liên minh này cho biết, tại Nepal, nhiều bệnh viện đã quá tải bệnh nhân COVID-19, hiện số ca mắc mới hàng ngày đã cao gấp 57 lần so với chỉ một tháng trước đây.
Ngày 6/5, nhiều người đã vội lên những chuyến bay cuối cùng rời khỏi nước này do Chính phủ Nepal ra lệnh cấm bay quốc tế kể từ cuối ngày 6/5. Nguyên nhân Nepal đưa ra lệnh cấm này là vì hầu hết các chuyến bay quốc tế đến và đi khỏi Nepal đều qua Ấn Độ. Ngày 6/5, số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại Nepal đã đạt kỷ lục với lần lượt trên 8.900 trường hợp và 54 bệnh nhân. Đến nay, Nepal ghi nhận trên 368.500 ca mắc COVID-19, hơn 3.500 trường hợp không qua khỏi.
Cùng ngày, Campuchia tiếp tục ghi nhận thêm 650 ca dương tính COVID-19. Mặc dù số ca lây nhiễm vẫn ở mức cao nhưng Chính phủ Campuchia đã quyết định dỡ bỏ lệnh phong tỏa thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmau, tỉnh Kandal kể từ ngày 6/5. Quyết định này được đưa ra để hạn chế ảnh hưởng đến nền kinh tế và cuộc sống của người dân.
Mặc dù dỡ bỏ phong tỏa nhưng thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal vẫn tiếp tục chia thành 3 khu vực gồm "vùng đỏ", "vùng cam" và "vùng vàng" để ngăn chặn lây lan dịch bệnh COVID-19. Người dân trong "vùng đỏ" và "vùng cam" vẫn bị cấm ra khỏi nhà, còn "vùng vàng" được phép nhưng phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Ngoài ra, các khu vực vẫn tiếp tục phải thực hiện lệnh giới nghiêm từ 20h hôm trước đến 3h sáng hôm sau. Hiện Campuchia báo cáo trên ca mắc và hơn trường hợp tử vong do COVID-19.
Lào đã ghi nhận 105 ca mắc mới trong ngày 6/5, trong đó có cả người Việt tại thủ đô Vientiane. Đây là lần thứ 3 trong làn sóng dịch thứ 2, con số này ở mức 3 con số. Trong số 15 ca mắc mới được ghi nhận trong 24 giờ qua tại thủ đô Vientiane, có 3 mẹ con người Việt, nâng tổng số người Việt mắc COVID-19 tại thủ đô Vientiane trong đợt bùng phát lần này lên 61 người.
Tỉnh Bokeo, ổ dịch mới bùng phát có 72 ca nhiễm mới. Có tới 85% số ca mắc COVID-19 tại tỉnh Bokeo là được ghi nhận từ ngày 2/5 đến nay, với ổ dịch là tại huyện Tonpheung, nơi có đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng.
Lào đang đẩy nhanh việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng cho người dân tại 18 tỉnh thành với 3 loại vaccine gồm Spunik V, AstraZeneca và Sinopharm. Cho đến nay, Lào đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho gần 390.000 người, trong đó có gần 79.000 người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine.
Indonesia ngày 6/5 đã bắt đầu thực thi lệnh cấm đi lại trong nước trong bối cảnh nước này đang nỗ lực khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong dịp lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Cảnh sát đã được triển khai trên khắp các đường phố ở thủ đô Jakarta để kiểm tra giấy tờ và ngăn những người không có giấy phép đặc biệt rời khỏi thành phố. Biện pháp này được thực hiện trong khuôn khổ lệnh cấm đi lại bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 6 - 17/5. Nhà chức trách Indonesia đã thông báo lệnh cấm này vào tháng 4/2021.
Hiện Thái Lan đang phải đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 phức tạp nhất từ trước đến nay. Theo đó, riêng trong tháng 4, nước này ghi nhận hơn 60% trong tổng số 336 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát. Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở mức khoảng 2.000 ca từ giữa tháng 4. Trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận thêm 1.911 ca mắc mới và 18 người tử vong, đưa tổng số trường mắc và thiệt mạng ở nước này lên lần lượt là 76.811 và 336.
Cũng trong ngày 6/5, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 6.637 ca mắc mới COVID-19 và 191 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lên lần lượt là trên 1,08 triệu và gần 18.000. Trước tình hình diễn biến phức tạp, từ ngày 27/4, Philippines đã cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Ấn Độ, có hiệu lực đến ngày 14/5. Từ ngày 7/5, Philippines cũng cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Bangladesh, Nepal, Pakistan và Sri Lanka hoặc những người từng ở những nước này trong vòng 14 ngày trước khi đến Philippines.
Thành phố Tokyo, Nhật Bản có thể sẽ phải gia hạn tình trạng khẩn cấp nhằm khống chế số ca mắc mới COVID-19 khi hệ thống y tế của thành phố đang chịu sức ép ngày càng tăng. Sau cuộc họp với các chuyên gia y tế, chính quyền Tokyo cho biết sẽ tiếp tục thảo luận với các tỉnh lân cận và chính quyền trung ương để đưa ra quyết định. Hầu hết số ca mắc mới COVID-19 tại Tokyo trong thời gian qua đều do các biến thể của virus SARS-CoV-2. Số ca mắc ở người trẻ tuổi cũng ngày càng tăng. Đây là những dấu hiệu cảnh báo làn sóng mới nếu bùng phát sẽ nguy hiểm hơn tất cả các đợt dịch trước đây.