Đến sáng 4/9, thế giới có trên 220,5 triệu người mắc COVID-19
- Công nghệ
- 15:11 - 04/09/2021
Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 220.551.477 ca, trong đó có 4.565.695 người tử vong.
Số ca mắc bệnh trong ngày đang tăng mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu.
Nhiều nước Á-Âu tình hình cũng đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới và tử vong trong ngày cao nhất thế giới.Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 197 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và 105.279 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 3/9, thế giới có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 72 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 40.683.063 ca mắc và 664.781 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 32.745.457 ca mắc và 440.256 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với 20.856.092 ca, trong đó có 582.670 ca tử vong.
VTV cũng đưa tin, Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI), cơ quan tư vấn về vaccine của Chính phủ Anh ngày 3/9 đã khuyến nghị, không tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em khỏe mạnh từ 12 - 15 tuổi và chỉ trẻ em trong độ tuổi này có vấn đề về sức khỏe mới cần tiêm chủng. Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm 200.000 thiếu niên có bệnh lý nền đủ điều kiện tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Trước đó, khoảng 150.000 trẻ em mắc các bệnh thần kinh nghiêm trọng, hội chứng Down, có hệ miễn dịch suy giảm nghiêm trọng hoặc sống cùng người lớn dễ bị tổn thương thuộc đối tượng tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Anh. Hiện có khoảng 3 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 12 - 15 trên khắp Vương quốc Anh. Các bác sĩ nhận định, trẻ em mắc bệnh tim, phổi và gan mãn tính có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn nhiều so với trẻ khỏe mạnh.
Ngày 3/9, Anh ghi nhận 42.076 ca mắc COVID-19 mới và 121 người tử vong trong vòng 28 ngày sau khi xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Mỹ hiện đang theo dõi sát biến thể Mu, nhưng chưa coi đây là một mối đe dọa tức thời. (Ảnh: AP)
hà vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ hiện đang phải cách ly 7 ngày theo quy định về phòng dịch của nhà nước Bỉ sau khi Hoàng gia có một trường hợp mắc COVID-19. Hiện tại, Nhà vua và Hoàng hậu đã nhận được kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Thông cáo báo chí của Hoàng gia Bỉ nói rõ, sau khi một trường hợp mắc COVID-19 được xác nhận trong Hoàng gia, Nhà vua và Hoàng hậu đã quyết định hạn chế tiếp xúc trong những ngày tới để phòng dịch và tuân thủ các quy định về phòng dịch. Tất cả các hoạt động trong chương trình nghị sự của Nhà vua và Hoàng hậu trong tuần này đều bị hủy bỏ hoặc hoãn lại.
Sau khi ghi nhận 2.204 ca mắc mới trong ngày 3/9, hiện tổng số người nhiễm bệnh tại Bỉ là trên 1,18 triệu, bao gồm gần 25.400 trường hợp thiệt mạng.
Ngày 3/9, Indonesia có 7.797 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên hơn 4,1 triệu trường hợp, trong đó 134.930 bệnh nhân đã không qua khỏi.
Mặc dù số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng giảm xuống nhưng tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ em nước này vẫn tiếp tục tăng cao nhất thế giới, gấp nhiều lần so với tỷ lệ chung của toàn cầu. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em Indonesia đã tăng lên thành 2% vào tháng 8. Trong khi đó, mức trung bình toàn cầu là 0,3%.
Hiện đã có tổng cộng gần 1.300 trẻ em tử vong do COVID-19. Hiệp hội Bác sĩ Nhi khoa Indonesia cho rằng, sự gia tăng các ca bệnh và tử vong ở trẻ em xảy khi biến thể Delta lây lan và liên quan đến việc khó áp dụng các phác đồ sức khỏe cho trẻ em. Giới chức y tế Indonesia khuyến khích cha mẹ có con từ 12 - 17 tuổi nên đưa các em đi tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19.
Indonesia tuyên bố đã đạt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 của WHO. (Ảnh: AP)
Chính phủ Singapore sẽ tạm hoãn các bước tiếp theo trong kế hoạch mở cửa trở lại. Đây là khẳng định được Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore Lawrence Wong đưa ra.
Số ca mắc mới COVID-19 đang có xu hướng gia tăng ở nước này trong những ngày gần đây. Ngày 3/9, nước này ghi nhận 219 ca mắc mới. Tuy nhiên, ông Wong cho biết, Singapore chưa cần thiết phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. bởi nước này có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cao, cũng như đang dần thích ứng với điều kiện bình thường mới, sống chung với COVID-19.
Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 146 ca mắc mới COVID-19 và 1 trường hợp tử vong. Bộ Y tế Lào cho biết, trong số các ca nhiễm mới, có 65 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 81 ca cộng đồng. Trường hợp tử vong thứ 15 tại Lào là một người đàn ông 45 tuổi trở về từ Thái Lan bị mắc bệnh béo phì, có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi đã tử vong. Như vậy, các ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh đang có xu hướng giảm, trong khi chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng ở nhiều tỉnh vẫn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới. Đặc biệt, Xaysomboun là tỉnh cuối cùng của Lào ghi nhận ca mắc COVID-19.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sau khi thủ đô Vientiane áp dụng lệnh giới nghiêm, công an thành phố này đã yêu cầu lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ việc thi hành biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 do Chính phủ mới ban hành, đặc biệt là hoạt động của các nhà hàng và địa điểm vui chơi giải trí; đồng thời đảm bảo người dân tuân thủ các quy định.
Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào hiện là 15.605 ca, trong đó có 15 người tử vong.
Ngày 3/9, Bộ Y tế Campuchia đã ban hành hướng dẫn về thí điểm khai thác khách sạn ở Phnom Penh và Siem Reap để cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị COVID-19 với chi phí thấp cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Báo Khmer Times dẫn lời Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia ngày 2/9 xác nhận danh sách khách sạn đã được chính quyền Phnom Penh và Siem Reap chuẩn bị để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ và Bộ Y tế sẽ cho phép thử nghiệm cách làm này.
Ngày 3/9, Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận 491 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 165 người nhập cảnh và 326 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ trên cũng thông báo có thêm 9 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 94.417 ca mắc COVID-19, trong đó 89.897 người đã khỏi bệnh và 1.937 người tử vong.
Bộ Y tế Colombia mới đây cho biết, biến chủng Mu, lần đầu đầu được phát hiện tại quốc gia này hồi tháng 1, nay đã lan tới 43 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện biến thể Mu chiếm 39% số ca nhiễm COVID-19 ở Colombia.
Ngày 31/8, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo biến chủng Mu có một loạt các đột biến cho thấy, nó có khả năng né tránh các kháng thể ở mức độ tương tự biến thể Beta, mặc dù vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định. Hiện Mu đã được Tổ chức Y tế Thế giới đưa vào nhóm "biến chủng cần được quan tâm".
WHO vừa cảnh báo, hầu hết các quốc gia châu Phi sẽ bỏ lỡ mục tiêu "quan trọng" là tiêm chủng cho 10% dân số dễ bị tổn thương nhất trước đại dịch COVID-19 vào cuối tháng 9. 42/54 quốc gia, tương đương gần 80% quốc gia ở châu Phi, sẽ không đạt mục tiêu trừ khi tăng tốc độ cung cấp vaccine và tiêm chủng.
Theo WHO, việc cung cấp vaccine COVID-19 cho châu Phi đã được cải thiện với gần 21 triệu liều sẽ được phân bổ vào tháng 8 thông qua hệ thống phân phối COVAX. Con số này bằng tổng số vaccine của 4 tháng trước đó cộng lại. Tuy có nguy cơ bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng quan trọng nói trên nhưng với nhiều loại vaccine hơn dự kiến từ COVAX và Liên minh châu Phi vào cuối tháng 9, mục tiêu vẫn có thể đạt được.