Đến sáng 22/7, thế giới ghi nhận hơn 192,7 triệu ca mắc COVID-19
- Công nghệ
- 14:03 - 22/07/2021
- Tối 21/7, Ninh Thuận phát hiện thêm 22 ca mắc Covid-19, có chùm 14 ca bệnh là bà con, hàng xóm ở làng Bàu Trúc
- “Help Vietnam Breathe – Vì Nhịp thở Việt Nam” kêu gọi gây quỹ ủng hộ phòng chống Covid-19
- Chiều 21/7, Bình Định thêm 6 ca mắc Covid-19, thông báo những người đi trên chuyến bay QH1213 khai báo y tế
Theo TTXVN, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 522.185 trường hợp mắc COVID-19 và 8.097 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 192,7 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,14 triệu người không qua khỏi.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 192.754.969 ca, trong đó có 4.141.447 người tử vong.
Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Một số nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động.
Thời gian gần đây, biến chủng Delta và Delta Plus đã xuất hiện tại hàng loạt nước, buộc các chính phủ phải tăng tốc tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh một làn sóng COVID-19 mới.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 175.218.426 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 13.395.096 ca và 82.132 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 21/7, thế giới có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 89 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/7 đánh giá biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, tới nay đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể này cũng được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gen tại nhiều quốc gia lớn. Trong báo cáo dịch bệnh hằng tuần công bố ngày 20/7, WHO cho rằng biến thể này sẽ lấn án tất cả các biến thể khác và trở thành biến thể gây bệnh chính trong những tháng tới.
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và ca tử vong với 35.127.367 ca, trong đó 625.719 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, số ca nhiễm biến thể Delta đã gia tăng đáng kể và hiện chiếm tới 83% các mẫu được giải trình tự gen tại Mỹ. Tổng thống Joe Biden cũng thừa nhận rằng vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước trong bối cảnh số ca mắc mới đang gia tăng do biến chủng Delta. Indonesia là quốc gia có số ca tử vong vì virus nhiều nhất thế giới trong 24 giờ qua.
VTV cũng đưa tin, số ca nhiễm mới COVID-19 tại một số nước Đông Nam Á có xu hướng tăng cao trở lại. Thái Lan ngày 21/7 đã có thêm 13.002 ca mắc mới COVID-19, tăng gần 1.700 ca so với ngày hôm trước. Đây cũng là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới theo ngày tại Thái Lan duy trì ở mức 5 con số.
Bộ Y tế Thái Lan cho rằng, với việc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để phòng chống dịch COVID-19 tại 13 tỉnh gồm cả thủ đô Bangkok, số ca mắc mới dự báo sẽ bắt đầu giảm trong ít nhất 1 đến 2 tháng nữa kể từ thời điểm hiện nay.
Để ứng phó với tình hình COVID-19, Chính phủ Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng, cho tới cuối tháng 9, đồng thời cho triển khai thêm giường bệnh tại các bệnh viện và trung tâm cách ly để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Myanmar đặt chỉ tiêu tiêm vaccine cho 1/2 dân số trong năm nay. Ảnh: Myanmar Times
Bộ Y tế Myanmar cho biết, tính đến 8h ngày 21/7, kết quả xét nghiệm nhanh 15.911 mẫu xét nghiệm đã ghi nhận 5.860 ca mắc mới COVID-19. Hiện Chính phủ Myanmar đang nỗ lực để đẩy lùi dịch bằng cách đảm bảo nguồn cung vaccine, oxy, vật tư y tế cho các bệnh viện.
Theo kế hoạch, ngày 21/7 Myanmar sẽ bắt đầu tiếp nhận thêm 750 nghìn liều vaccine và còn tăng thêm trong những ngày tới để tiêm cho người dân cả nước với mục tiêu có khoảng 50% dân số được tiêm vaccine vào cuối năm nay.
Ngày 21/7, Bộ Y tế Hàn Quốc thông báo nước này có thêm hơn 1.780 ca mắc mới COVID-19 trong 24h qua, mức cao nhất từ trước tới nay. Nguyên nhân là do các vụ lây nhiễm tập thể tiếp tục lan rộng trên toàn quốc với sự xuất hiện của biến thể Delta.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại một khu vực thuộc phía Nam thủ đô Seoul của Hàn Quốc, ngày 20/7. Ảnh: Yonhap
Theo cơ quan trên, số ca bệnh mới đã liên tục ở mức trên 1.000 ca trong 2 tuần qua. Khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm một nửa dân số Hàn Quốc, là điểm nóng về dịch bệnh do các đợt lây nhiễm liên tục.
Kể từ tuần trước, khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận đã thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất, cấm tụ tập hơn 2 người sau 18h, cấm các nhà hàng và quán cà phê mở cửa sau 22h và cấm các câu lạc bộ đêm cũng như quán bar hoạt động.
Hầu hết các ca nhiễm mới tại châu Âu là do biến thể Delta. Số ca lây nhiễm mới đang tăng nhanh ở mức chưa từng thấy ở Pháp và Anh do sự lây lan của biến thể Delta.
Để tham gia vào các hoạt động văn hóa, công dân Pháp bắt buộc phải có thẻ sức khỏe chứng nhận âm tính.
Hơn 46.000 ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày hôm qua ở Anh, 96 người tử vong, nơi các biện pháp phòng dịch vừa được gỡ bỏ hoàn toàn. Biến chủng Delta là nguyên nhân của hầu hết các ca nhiễm mới tại Anh. Chỉ sau có một tuần, tốc độ gia tăng lây nhiễm chủng Delta lên tới 150%, đây là mức tăng nhanh gấp bội so với chủng virus gốc xuất hiện lần đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Bộ trưởng Y tế Anh cho rằng, với tốc độ lan truyền như vậy của virus thì số ca lây nhiễm mới mỗi ngày ở Anh có thể lên tới 100.000 vào cuối tháng 8.
Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex đã tỏ ý lo ngại, làn sóng thứ tư của đại dịch đang trở thành hiện thực. Ông Jean Castex cảnh báo: "Giai đoạn khó khăn đang chờ đợi nước Pháp, cần phải hành động ngay và đưa ra quyết định đúng đắn".
Tại một số tỉnh của nước Pháp, có tới 96% số ca nhiễm mới là do biến chủng Delta, tại Paris là 85%. Hiện một số địa phương đã áp đặt trở lại quy định bắt buộc mang khẩu trang.