THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 10:55

Đến sáng 20/6, thế giới có trên 178,9 triệu người mắc COVID-19

 Theo TTXVN, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 340.000 ca nhiễm và trên 7.300 ca tử vong. Brazil đã vượt qua mốc 500.000 ca tử vong và theo các nhà khoa học nước này, hiếm có người nào ở Brazil không mất người thân vì COVID-19. 

Đến sáng 20/6, thế giới có trên 178,9 triệu người mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên nghĩa trang đào mộ tại Sao Paulo, Brazil ngày 19/5/2021. Ảnh: CNN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 20/6 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 178.930.375 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.874.467 ca tử vong. 

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 163,.456.260 người, 11.599.648 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 83.006 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (81.574 ca), Ấn Độ (58.588 ca), và Colombia (28.734 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.179 ca), tiếp theo là Ấn Độ (với 1.239 ca) và Colombia (589 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.400.534 triệu người, trong đó có 617.074 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 29.881.352  ca nhiễm, bao gồm 386.740 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 17.883.750 ca bệnh và 500.800 ca tử vong.

VTV cũng đưa tin, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Swaminathan cảnh báo, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có thể trở thành biến thể gây ra phần lớn số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Phát biểu họp báo, bà Swaminathan cho biết: "Biến thể Delta đang dần trở thành biến thể chiếm lĩnh trên toàn cầu do khả năng lây lan của nó ngày càng gia tăng".

Hiện WHO phân loại biến thể Delta ở mức "đáng lo ngại". Trong báo cáo đầu tháng này, WHO cảnh báo, biến thể Delta đang tiếp tục lây lan nhanh chóng và ngày càng có nhiều quốc gia báo cáo các đợt bùng phát liên quan đến dòng biến thể này. Biến thể Delta hiện chiếm phần lớn số ca mắc COVID-19 ở Anh, Đức và Nga. Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Thế giới cảnh báo, biến thể Delta rất dễ lây lan và có thể gây bùng phát các đợt dịch mới nhanh hơn nhiều so với các biến thể trước đó.

Biến thể Delta xuất hiện ở gần 90% số ca mắc mới COVID-19 ở thủ đô của nước Nga. Chính quyền Moscow đã phải tạm ngừng tất cả các sự kiện quy mô lớn do dịch COVID-19 có xu hướng tăng mạnh trở lại.

Theo Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanhin, số các ca nhiễm mới ở thủ đô đã tăng gấp 3 lần với sức lây lan chưa từng thấy trong những làn sóng trước của đại dịch. Có gần 90% số ca nhiễm mới phát hiện biến chủng Delta. Chính quyền thành phố buộc phải cấm các sự kiện trên 1.000 người và tiếp tục gia hạn các hạn chế chống dịch bệnh đến ngày 29/6. Fanzone (khu vực dành người hâm mộ tập trung theo dõi các trận bóng Euro 2020) được mở từ ngày 11/6 tại Moscow, nay buộc phải đóng cửa.

Thành phố Saint Petersburg là điểm nóng COVID-19 thứ hai tại Nga sau thủ đô Moscow với gần 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đây hiện là nơi tổ chức 7 trận đấu trong khuôn khổ Euro 2020, thu hút hàng nghìn người hâm mộ bóng đá trong và ngoài Nga. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thành phố cũng phải thắt chặt các biện pháp hạn chế, bao gồm không bán đồ ăn trong khu vực dành cho cổ động viên.

Hiện Nga là điểm nóng dịch COVID-19 lớn thứ 6 trên thế giới với trên 5,29 triệu ca nhiễm và hơn 128.900 trường hợp thiệt mạng.

Thủ tướng Italy Mario Draghi đã ký sắc lệnh xác định các tiêu chí cấp "thẻ xanh" COVID-19 (Green Pass), tạo điều kiện cho người dân tham gia các sự kiện công cộng, tiếp cận các cơ sở chăm sóc sức khỏe, viện dưỡng lão và di chuyển trên cả nước. "Thẻ xanh" của Italy có chứa mã QR để xác minh tính xác thực và hợp lệ cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân. Chỉ nhân viên chịu trách nhiệm kiểm tra theo luật định mới có thể xem thông tin cá nhân. Ngoài ra, thay thế cho định dạng số, người dân có thể đề nghị được cấp "thẻ xanh" COVID-19 từ bác sĩ đa khoa, bác sĩ nhi khoa, các hiệu thuốc, thông qua thẻ y tế cá nhân.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Italy đang diễn biến tích cực. Theo thống kê mới nhất, hơn một nửa dân số Italy đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó, khoảng 25% đã đủ các mũi tiêm. Hiện tổng cộng trên 4,2 triệu người đã nhiễm COVID-19, bao gồm hơn 127.200 ca tử vong tại quốc gia này

Lào đang triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đợt thứ 2 cho người dân trên khắp cả nước với mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Làn sóng COVID-19 thứ 2 khiến gần 1.000 người dân ở thủ đô Vientiane mắc bệnh cũng giúp thay đổi nhận thức của người dân về việc tiêm vaccine. Căn cứ vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi của người dân, các bác sĩ sẽ hướng dẫn đăng ký tiêm loại vaccine phù hợp.

Lào đã quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa toàn quốc thêm 15 ngày, từ ngày 20/6 đến ngày 4/7. Đây là lần thứ 3 Lào gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc, nhưng có một số quy định đã được nới lỏng. Quyết định kéo dài thời gian phong tỏa toàn quốc được Chính phủ Lào đưa ra sau khi tiếp tục ghi nhận các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận thêm 3 ca mắc mới, trong đó có 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở thủ đô Vientiane, đưa tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này lên hơn 2.000 người. Tuy nhiên, để giảm tác động kinh tế và đời sống của nhân dân, Chính phủ Lào đã nới lỏng thêm một số quy định với điều kiện người dân phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như giữ khoảng cách, kiểm tra thân nhiệt và đeo khẩu trang.

 - Ảnh 2.

Ngày 19/6,Campuchia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước đến nay với 20 trường hợp. (Ảnh: AP)

Ngày 19/6, trang Facebook cá nhân của Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, người đứng đầu Chính phủ Campuchia đã hủy tất cả kế hoạch các cuộc họp trực tiếp, trong đó có cuộc gặp với quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Anh dự kiến diễn ra ngày 23/6 tới tại Cung Hòa Bình (thủ đô Phnom Penh). Trên trang Facebook cá nhân, ông Hun Sen cho biết, ông đã có tiếp xúc không trực tiếp với bệnh nhân nhiễm COVID-19. Do đó, các bác sĩ đã yêu cầu ông phải tự cách ly trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên, ông khẳng định, mặc dù một số cuộc gặp bị hủy nhưng ông vẫn có thể làm việc từ xa với tất cả các bên qua hội đàm trực tuyến.

Trong ngày 19/6, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước đến nay với 20 trường hợp. Với 20 ca tử vong được công bố trong ngày, tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 đến nay tại Campuchia là 414 trường hợp. Ngoài số ca tử vong cao nhất trong ngày, Bộ Y tế nước này cũng ghi nhận 471 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Campuchia lên 42.052 ca. Nước này cũng phát hiện 7 ca đầu tiên mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên Delta, vốn xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Đây là các ca nhập cảnh từ Thái Lan.

Trước diễn biến phức tạp trên, Bộ Y tế Campuchia khuyến cáo, người dân cần thận trọng hơn nữa và thực hiện nghiêm túc biện pháp "3 Không - 3 Bảo vệ". Campuchia đang trải qua làn sóng thứ ba dịch COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng kể từ ngày 20/2. Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan, quốc gia Đông Nam Á này đã cho đóng cửa tất cả trường học, trung tâm thể dục thể thao, nhà hàng, rạp chiếu phim và các trung tâm giải trí trên toàn quốc. Bên cạnh đó, nước này cũng đang nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vốn được khởi động từ ngày 10/2. Tới nay, đã có 5,92 triệu vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm cho người dân Campuchia, với 2,66 triệu người đã được tiêm đủ liều.

84% giường cách ly và 74% phòng chăm sóc tích cực (ICU) tại khu vực thủ đô Jakarta của Indonesia đã kín chỗ. Tình hình bệnh viện quá tải ở Indonesia còn khiến nhiều địa phương phải áp đặt lệnh phong tỏa.

Tại tỉnh Tây Java, tất cả giường bệnh đã kín chỗ, vì thế Bandung, thủ phủ tỉnh này, đã áp đặt lệnh phong tỏa trong vòng hai tuần. Tại tỉnh Trung Java, 8 thành phố và huyện đều được liệt vào danh sách các "vùng đỏ" và đang áp đặt các lệnh phong tỏa tương tự do tỷ lệ sử dụng giường bệnh điều trị COVID-19 đã đạt 90% tại một số địa phương.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia cho rằng, các ca mắc COVID-19 ở nước này sẽ đạt đỉnh trong 5 - 7 tuần lễ sau lễ Eid al-Fitr, tức là đầu tháng 7. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi Indonesia thực thi các biện pháp nghiêm ngặt hơn và hành động khẩn cấp trước sự gia tăng các ca nhiễm biến thể đáng lo ngại. Indonesia là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á với trên 1,9 triệu ca mắc và gần 54.300 trường hợp tử vong.

Tại Singapore, các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao như tại những địa điểm ăn uống và thể dục thể thao trong nhà sẽ chỉ giới hạn theo nhóm 2 người từ ngày 21/6, thay vì nhóm 5 người như quy định trước đó. Việc siết chặt quy định giãn cách này là do xuất hiện thêm các ổ dịch mới và số ca lây nhiễm trong cộng đồng có chiều hướng tăng trở lại. Giới chức Singapore quyết định tiếp tục duy trì chính sách làm việc tại nhà, triển khai thêm một số biện pháp mới như bắt buộc tự xét nghiệm COVID-19 14 ngày/lần đối với nhân viên tại các nơi có nguy cơ cao. Ngoài ra, những người tới thăm các khu nhà ở cho người cao tuổi kể từ thứ 2 tuần sau sẽ phải xét nghiệm nhanh tại chỗ trước khi được phép vào.

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo ghi nhận thêm 6.959 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên hơn 1,35 triệu trường hợp. Số bệnh nhân tử vong cũng tăng lên 23.538 người sau khi có thêm 153 trường hợp không qua khỏi vì COVID-19.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Philippines Gil Beltran đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết hiệu quả các nguy cơ do dịch COVID-19 gây ra, cũng như ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nếu không Chính phủ sẽ phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn. Với hơn 110 triệu dân, Philippines đã xét nghiệm cho hơn 13 triệu người kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 1/2020.

Trong khi đó, Malaysia cùng ngày cũng đã thông báo ghi nhận thêm 5.911 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 691.115 trường hợp. Trong đó, bang Selangor tiếp tục là nơi ghi nhận số người nhiễm COVID-19 mới nhiều nhất với 2.111 ca, tiếp theo là bang Negeri Sembilan (770) và bang Sarawak (569).

Bộ Y tế nước này cho biết, trong ngày qua, Malaysia ghi nhận thêm 72 người không qua khỏi vì COVID-19, nâng tổng số người tử vong lên 4.348. Đáng chú ý, số ca tử vong có xu hướng gia tăng mạnh. Trong tháng 5, đã có 1.289 ca nhiễm COVID-19 tại Malaysia tử vong và từ đầu tháng 6 tới nay, số ca tử vong đã lên tới 1.552. Tính đến ngày 19/6, có 64.523 người tại Malaysia đang dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 886 bệnh nhân phải điều trị tích cực và 441 bệnh nhân phải đặt nội khí quản.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh