Đến sáng 19/2, thế giới có trên 110,7 triệu người mắc COVID-19
- Công nghệ
- 16:49 - 19/02/2021
Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 369.000 ca bệnh COVID-19 và trên 10.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 110,7 triệu ca, trong đó trên 2,45 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 58.000 ca), Brazil (51.350 ca) và Pháp (22.501 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.180 ca), Brazil (1.279 ca) và Mexico (1.075 ca).
VTV cũng đưa tin, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 trên thế giới với trên 28,5 triệu ca mắc và 504.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận gần 49.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng hơn 10,9 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm 156.100 trường hợp thiệt mạng. Ngày 18/2, Ấn Độ báo cáo 12.500 người nhiễm mới.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận hơn 51.300 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 10 triệu trường hợp. Đến nay, trên 243.400 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.
Nga hiện đang là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ tư thế giới với trên 4,1 triệu ca mắc và 81.900 người thiệt mạng vì COVID-19. Ngày 18/2, Nga có thêm hơn 13.400 người nhiễm bệnh.
Ngày 18/2, Malaysia thông báo ghi nhận thêm 25 ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là ngày có số người tử vong do mắc COVID-19 cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á này. Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm hơn 2.700 trường hợp mắc COVID-19. Như vậy, tính đến nay, nước này ghi nhận trên 274.800 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.030 trường hợp không qua khỏi.
Indonesia ghi nhận thêm 181 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người mắc COVID-19 không qua khỏi ở nước này lên hơn 33.900 trường hợp. Với hơn 9.000 ca mắc mới trong ngày 18/2, hiện tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này là trên 1,2 triệu người.
Campuchia đã tăng mức phạt đối với những người vi phạm về quy định kiểm dịch COVID-19. Theo đó, những người trốn cách ly, người không hợp tác với cán bộ y tế để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 sẽ bị phạt từ 1 - 5 triệu Riel (từ 5,7 - 28,7 triệu đồng). Những người chủ mưu, cầm đầu, hướng dẫn, xúi giục, cố ý tạo điều kiện cho đối tượng cách ly bỏ trốn, các cơ sở y tế tư nhân che giấu bệnh nhân bỏ trốn cách ly không thông báo với Bộ Y tế sẽ bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu Riel (lên đến 287 triệu đồng). Mức phạt sẽ tăng gấp đôi đối với người tái phạm.
Khoảng một nửa dân số Nam Phi có thể đã mắc COVID-19. Đây là con số vừa được nước này công bố vào ngày 18/2. Sự xuất hiện của virus biến thể tại Nam Phi có khả năng kháng miễn dịch và lây lan nhanh hơn đã khiến tình hình dịch tại nước này trở nên tồi tệ.
Trong khi đó, công ty dược phẩm Celltrion của Hàn Quốc thông báo, thuốc điều trị COVID-19 của công ty này (CT-P59) có khả năng vô hiệu hóa thành công biến thể virus từ Anh cùng với 6 biến thể đã được xác định trước đó. Thuốc CT-P59 đã được cơ quan chức năng Hàn Quốc cấp phép sử dụng vào đầu tháng 2/2021, trở thành loại thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên được sản xuất ở Hàn Quốc. Thuốc bắt đầu được cung cấp cho các cơ sở y tế địa phương và người dân được điều trị với thuốc hoàn toàn miễn phí. Đối tượng sử dụng CT-P59 là các bệnh nhân mắc COVID-19 không cần thở máy trong vòng 7 ngày kể từ khi có triệu chứng nhiễm bệnh, người mắc bệnh trên 60 tuổi, bệnh nhân có bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp mãn tính, tiểu đường, cao huyết áp và bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi.