THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 07:06

Đến sáng 18/12, thế giới có hơn 75,1 triệu ca mắc COVID-19

 Theo TTXVN, số liệu thống kê từ trang worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 660.000 ca bệnh COVID-19 và gần 12.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 75 triệu ca, trong đó trên 1,66 triệu ca tử vong. 

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 182.000 ca), Brazil (67.738 ca) và Anh (35.383 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.641 ca), Brazil (1.004 ca) và Italy (683 ca).

Nhiều nước đang xúc tiến hoặc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hàng loạt.

Đến sáng 18/12, thế giới có hơn 75,1 triệu ca mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

VTV cũng đưa tin, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 17,5 triệu người mắc và hơn 316.900 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm 163.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng số ca nhiễm COVID-19 đã tiến sát mốc 10 triệu với 9,97 triệu trường hợp, bao gồm 144.800 người tử vong. Ngày 17/12, Ấn Độ có thêm gần 26.700 ca mắc COVID-19 mới.

Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận trên 67.700 người nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia này lên trên 7,1 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 184.800 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi tại Brazil.

Châu Âu đã trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới ghi nhận số ca tử vong do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vượt mốc 500.000 người. Theo số liệu thống kê do hãng tin AFP (Pháp) cập nhật lúc 15h ngày 17/12 (tức 22h theo giờ Việt Nam), châu Âu đã ghi nhận tổng cộng 500.069 ca tử vong trong tổng số hơn 23 triệu trường hợp mắc bệnh.

Ngày 17/12, Văn phòng Tổng thống Pháp thông báo, ông Macron đã mắc COVID-19. Do đó, ông sẽ tự cách ly trong 7 ngày và tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh của Pháp. Bên cạnh đó, ông sẽ làm việc và tiến hành các nhiệm vụ khác từ xa. Tổng thống Pháp cũng sẽ hủy các chuyến công tác sắp tới, trong đó có chuyến công du dự kiến tới Lebanon vào ngày 22/12. Hiện lực lượng chức năng Pháp đang nỗ lực xác định nguồn lây nhiễm của Tổng thống Macron. Trước đó, ông đã tham dự một hội nghị của Hội đồng châu Âu vào ngày 10 và 11/12.

Hiện tống số người mắc COVID-19 tại Pháp là trên 2,4 triệu ca, trong đó có trên 59.600 bệnh nhân thiệt mạng.

Chính phủ Đức thông báo, Thủ tướng nước này Angela Merkel đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuần trước, bà Merkel đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và có tiếp xúc với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Hiện số người mắc COVID-19 được xác nhận tại Đức là trên 1,4 triệu ca. Ngày 17/12, Đức báo cáo thêm hơn 30.900 trường hợp mắc mới.

Ngày 17/12, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã tự cách ly, một ngày sau khi ông dùng bữa trưa với Tổng thống Macron tại Paris. Văn phòng Thủ tướng cho biết, ông Costa chưa có triệu chứng nhiễm bệnh và đã được xét ngiệm trong sáng 17/12. Thủ tướng sẽ tự cách ly cho tới khi giới chức y tế có thể xác định "mức độ nguy cơ" của ông. Hiện nhà lãnh đạo này đã hủy bỏ mọi kế hoạch làm việc trước mắt, trong đó có các chuyến thăm tới Sao Tome & Principe và Guinea-Bissau, hai quốc gia châu Phi từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha.

Bang New South Wales, Australia hiện đang ráo riết truy vết nguồn gốc một cụm dịch COVID-19 mới xuất hiện ở các vùng ngoại ô ven biển thành phố Sydney. Tính đến thời điểm hiện tại, Sydney đã ghi nhận 17 trường hợp mới lây nhiễm trong cộng đồng. Nguồn lây bệnh được cho là xuất phát từ một tài xế chuyên chở các đội bay quốc tế đến và đi từ sân bay Sydney. Hàng trăm nghìn người ở thành phố lớn nhất Australia này đã được khuyến cáo ở trong nhà. Các trung tâm xét nghiệm khẩn cấp đang được gấp rút hoàn thiện. Trước khi xuất hiện cụm dịch mới, Sydney đã có 12 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Trên 28.000 người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Australia, trong đó 908 trường hợp đã tử vong vì dịch bệnh này.

Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã lần đầu tiên nâng cảnh báo đối với hệ thống y tế lên mức 4, cấp độ cao nhất sau khi ghi nhận thêm hơn 800 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Các chuyên gia y tế Nhật Bản lo ngại về nguy cơ thiếu giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 nếu tình hình dịch bệnh tiếp diễn theo đà hiện nay trong 2 tuần tới. Hiện thủ đô Tokyo đã sử dụng gần 70% số giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19.

Trong ngày qua, Nhật Bản ghi nhận thêm hơn 3.000 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này lên hơn 187.100 trường hợp.

Ngày 17/12, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã gia hạn một tháng đối với cảnh báo đặc biệt về hoạt động đi ra nước ngoài trong bối cảnh khó kiểm soát đại dịch COVID-19. Khuyến cáo kêu gọi, người dân Hàn Quốc không nên ra nước ngoài trừ các chuyến đi thực sự cần thiết. Còn những người đang ở nước ngoài cũng cần áp dụng những biện pháp phòng ngừa bổ sung. Biện pháp này sẽ có hiệu lực đến ngày 16/1/2021 và có thể tiếp tục được gia hạn.

Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới trong ngày tại Hàn Quốc đã tăng lên trên 1.000 ca. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc là trên 46.400 trường hợp, bao gồm 634 bệnh nhân không qua khỏi.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh