THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:23

Đến sáng 17/5, thế giới có trên 163,6 triệu người mắc COVID-19

 Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 519.000 ca bệnh COVID-19 và trên 9.200 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là 163,6 triệu ca, trong đó trên 3,39 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (281.860 ca), Brazil (36.862 ca) và Argentina (16.350 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (4.092 ca), Brazil (899 ca) và Nga (391 ca).

Như vậy, điểm nóng Ấn Độ chứng kiến số ca mắc mới giảm xuống dưới 300.000 trong 24 giờ qua, nhưng số ca tử vong  mới vẫn trên ngưỡng 4.000 ca.

Mỹ đã tạm không nằm trong danh sách ba quốc gia đứng đầu về số ca mắc và tử vong trong 24 giờ qua. Nhưng xét về tổng số ca từ đầu dịch, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh, với số ca tử vong đã vượt mốc 600.000 trong tổng số 33,7 triệu ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với 274.411 ca tử vong trong số 24,9 triệu ca mắc. Đứng thứ ba về tổng ca mắc từ đầu dịch là Brazil với trên 15,6 triệu ca, trong đó 435.751 ca tử vong. 

Đến sáng 17/5, thế giới có trên 163,6 triệu người mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

VTV cũng đưa tin, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Pháp chuẩn bị gỡ bỏ các lệnh cấm phong tỏa, tái mở cửa nhà hàng và các hoạt động giải trí, văn hóa. Đây là điều mà người Pháp đã chờ đợi từ lâu. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với một đời sống xã hội bình thường mà còn cho người dân hy vọng về khả năng kiểm soát dịch. Lệnh gỡ bỏ phong tỏa đã được Chính phủ Pháp công bố. Đến nay, Pháp là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ tư thế giới với trên 5,8 triệu ca mắc và hơn 107.600 trường hợp thiệt mạng.

Australia đang có kế hoạch bắt đầu mở cửa lại biên giới bắt đầu từ giữa năm 2022. Đây là tuyên bố được Thủ tướng Australia Scott Morrison đưa ra vào ngày 16/5 nhằm chống lại sức ép đòi chấm dứt việc đóng cửa biên giới của một số doanh nghiệp và chính trị gia. Theo ông Morrison, kế hoạch trên được đưa ra dựa trên các tư vấn về y tế trong bối cảnh làn sóng COVID-19 mới bùng phát trở lại ở một số nước.

Australia đã đóng cửa biên giới với những người không có quốc tịch và không cư trú từ tháng 3/2020. Chỉ có công dân nước này đang sống ở nước ngoài mới được trở về nước. Chính việc đóng cửa biên giới kết hợp với việc nhanh chóng truy vết những ca mắc mới và tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch đã giúp Australia trở thành một trong những nước kiểm soát thành công đại dịch COVID-19.

Từ cuối tuần qua, Hy Lạp đã chính thức bắt đầu mở cửa trở lại cho khách du lịch sau nhiều tháng phong tỏa. Khách du lịch sẽ được phép đến Hy Lạp nếu đã tiêm vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Các viện bảo tàng sẽ được mở cửa trở lại để phục vụ du khách. Hiện Hy Lạp đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 để thúc đẩy hồi sinh ngành du lịch. Mục tiêu là có thể đạt doanh thu khoảng 7 tỷ Euro từ ngành du lịch trong năm nay.

Cùng ngày 16/5, quốc gia láng giềng của Ấn Độ là Bangladesh đã gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 23/5 tới. Trước đó, nhằm khống chế dịch COVID-19, Bangladesh đã tuyên bố phong tỏa đất nước trong 8 ngày từ ngày 14/4 - 21/4, sau đó gia hạn biện pháp này đến ngày 16/5. Như vậy, đây là lần thứ 2 quốc gia Nam Á này gia hạn biện pháp phong tỏa. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 363 trường hợp mắc và 25 người tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca mắc và tử vong lần lượt là trên 780.100 và hơn 12.100.

Số ca mắc COVID-19 tại Thái Lan đã vượt ngưỡng 100.000 ca sau khi giới chức nước này vào ngày 16/5 thông báo về việc ghi nhận thêm hơn 2.300 trường hợp nhiễm mới cùng 24 bệnh nhân tử vong vì dịch bệnh này. Như vậy, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở Thái Lan vào đầu năm 2020, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 101.447 ca nhiễm, trong đó có 589 người tử vong.

Thái Lan đã điều chỉnh bản đồ phân vùng các tỉnh có bệnh nhân COVID-19, giảm số lượng các tỉnh thuộc "vùng đỏ sẫm" thuộc diện kiểm soát tối đa xuống còn 4 tỉnh gồm Bangkok, Nonthaburi, Samat Prakan và Pathum Thani. Các tỉnh còn lại gồm 17 tỉnh thuộc "vùng đỏ" và 56 tỉnh thuộc "vùng da cam".

Ngày 16/5, Campuchia tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm với tổng số 350 ca được phát hiện trong ngày trên cả nước, trong đó có 9 trường hợp nhập cảnh. Hiện Campuchia có tổng cộng 22.184 ca mắc COVID-19, trong đó 12.120 người được điều trị bình phục và 150 ca tử vong.

Tổng số ca nhiễm mới giảm trong 5 ngày liên tiếp nhưng người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, bà Or Vandine, cảnh báo, nếu chủ quan, các biến thể B-1617 ban đầu phát hiện ở Ấn Độ và B-117 được phát hiện ở Anh có thể lây lan nhanh chóng. Phát biểu trên Đài truyền hình Quốc gia ngày 16/5 về tình hình dịch bệnh trong nước, Tiến sĩ Or Vandine cho rằng, những biến thể từ Ấn Độ và Anh có tốc độ lây nhiễm cực nhanh và gây hậu quả tàn khốc.

Bộ Y tế Singapore ngày 16/5 thông báo ghi nhận thêm 49 ca mắc COVID-19, trong đó có 38 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất tại đảo quốc này kể từ giữa tháng 9/2020 và là ngày có số người lây nhiễm trong cộng đồng cao nhất kể từ ngày 14/4/2020 với 40 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.

Tính đến nay, Singapore có hơn 61.500 người đã mắc COVID-19, trong đó có 31 người không qua khỏi. Trong nhiều tháng qua, Singapore không ghi nhận hoặc chỉ ghi nhận số ca nhiễm trong cộng đồng theo ngày ở mức 1 con số. Tuy nhiên, số ca nhiễm đã tăng trong những tuần gần đây. Trong số các ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, có 18 ca chưa rõ nguồn lây. Trước tình hình trên, chính quyền "đảo quốc Sư tử" đã quyết định áp đặt lại các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến hoạt động công cộng và tụ tập đông người từ ngày 16/5.

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 5.790 ca mắc mới, đưa tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này lên trên 1,14 triệu trường hợp. Cũng trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận thêm 140 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số người không qua khỏi tại nước này lên gần 19.200 trường hợp.

Bộ Y tế Lào chiều 16/5 thông báo, nước này đã ghi nhận thêm 21 ca mắc COVID-19, trong đó có 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 10 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Sau 25 ngày áp dụng lệnh phong tỏa, thủ đô Vientiane của Lào vẫn ghi nhận toàn bộ 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt, tại Vientiane, các điểm lây nhiễm mới tiếp tục xuất hiện với những ca bệnh mất dấu F0. Tuy nhiên, việc hầu hết các tỉnh, thành còn lại không ghi nhận ca mới hoặc nếu có đều là những trường hợp nhập cảnh, được cách ly ngay cho thấy, tình hình dịch tại Lào đang có xu hướng lắng dịu dù vẫn còn các yếu tố nguy cơ từ các ổ dịch chưa được truy vết hết và đặc biệt là từ các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Trước tình hình dịch bệnh tại các nước láng giềng, đặc biệt là Thái Lan, đang có diễn biến ngày càng phức tạp, chính quyền các cấp của Lào đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, trong đó không phạt các công dân Lào lao động trái phép ở nước ngoài trở về nước, tăng cường tuần tra biên giới và nghiêm trị các trường hợp nhập cảnh trái phép hoặc tiếp tay cho hoạt động nhập cảnh trái phép. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.591 ca nhiễm, trong đó có trên 1.400 trường hợp lây nhiễm cộng đồng và phần lớn được ghi nhận từ cuối tháng 4 đến nay.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh