THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:00

Đến sáng 16/7, thế giới có trên 189,6 triệu người mắc COVID-19

Theo TTXVN, số liệu thống kê từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 538.000 ca bệnh COVID-19 và trên 8.100 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay là trên 189,6 triệu ca, trong đó trên 4,08 triệu ca tử vong.

Đến sáng 16/7, thế giới có trên 189,6 triệu người mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga ngày 7/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (56.757 ca), Brazil (52.789 ca) và Anh (48.553 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (1.444 ca), Indonesia (982 ca) và Nga (791 ca).

Như vậy, Indonesia liên tục đứng đầu thế giới về ca mắc mới trong thời gian gần đây.

Trong bối cảnh các ca bệnh tăng nhanh ở nhiều nước, ngày 15/7, Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo những biến thể mới gây lo ngại của virus SARS-CoV-2 có thể lây lan toàn cầu, gây khó khăn hơn cho nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Trong một tuyên bố, ủy ban trên cho biết đại dịch COVID-19 chưa biết khi nào mới chấm dứt, đồng thời nhấn mạnh khả năng cao các biến thể mới và có thể nguy hiểm hơn sẽ xuất hiện, lây lan toàn cầu và khó kiểm soát.          

Đến sáng 16/7, thế giới có trên 189,6 triệu người mắc COVID-19 - Ảnh 2.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Tripura, Ấn Độ, ngày 12/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch bệnh nghiêm trọng khiến các nước đẩy nhanh nỗ lực tiêm vaccine. Theo những số liệu thống kê chính thức do Our World In Data công bố, đến ngày 13/7, hơn 25,6% dân số toàn cầu đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Tỉ lệ này đã tăng 3,2% so với thời điểm thống kê cách đây 2 tuần. Trung bình mỗi ngày có gần 30 triệu người đã được tiêm vaccine. Tổng cộng, đã có 3,51 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu.

Hiện mới chỉ có 1% số người dân ở các quốc gia thu nhập thấp đã được tiêm vaccine, tăng chút ít so với con số thống kê 0,9% ghi nhận cách đây hai tuần. Quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất hiện nay là Canada (70%), tiếp đến là Chile (69%), Vương quốc Anh (68%) và Israel (66%). Mỹ đã tiêm phòng ít nhất 1 mũi cho 55,2% dân số. Trong khi đó, Nhật Bản - nơi Olympic Tokyo 2020 sẽ được khai mạc vào tuần tới, đã đạt tỷ lệ tiêm phòng 31,14% dân số. Tại châu Phi, tình hình dịch bệnh là rất đáng lo ngại, khi số ca mắc COVID-19 gia tăng trong bối cảnh nguồn cung vaccine khan hiếm. Tỷ lệ tiêm chủng tại lục địa này hiện là 2,93%. 

Tính đến thời điểm này, quốc gia đã tiêm nhiều mũi vaccine COVID-19 nhất là Trung Quốc, với hơn 1 tỷ liều. Tiếp đó là Ấn Độ - với 387,7 triệu liều, nhiều hơn khoảng 50 triệu liều vaccine so với Mỹ.

Số các ca mắc COVID-19 mới trên toàn cầu đã tăng 21% so với cách đây hai tuần, với các điểm nóng là các quốc đảo như Fiji, CH Cyprus, Cuba, cũng như một số quốc gia châu Âu như Hà Lan và Tây Ban Nha. Các ca nhiễm mới cũng bắt đầu tăng trở lại ở Mỹ, tăng 109% so với hai tuần trước.

VTV cũng đưa tin, ngày 15/7, Nga thông báo đã ghi nhận thêm 791 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, trong khi số ca mắc mới trong ngày vượt 25.000 trường hợp.

Số ca tử vong và mắc mới COVID-19 tại Nga có chiều hướng gia tăng do sự lây lan nhanh chóng biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 và tiến độ tiêm chủng còn chậm. Tính đến nay, chỉ có khoảng 21% người dân Nga được tiêm vaccine COVID-19. Hiện các cơ quan chức năng Nga đang có những biện pháp bắt buộc đối với một số đối tượng và khuyến khích người dân tiêm vaccine. Nga hiện là điểm nóng dịch COVID-19 lớn thứ 3 thế giới với trên 5,88 triệu người mắc và hơn 146.000 trường hợp tử vong.

Tại Hà Lan, số ca mắc mới COVID-19 tại đây đã tăng vọt tới 500%, chỉ sau một tuần nước này dỡ bỏ các hạn chế chống dịch. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhận trách nhiệm đã đánh giá sai tình hình và nới lỏng chống dịch quá sớm.

Trong 1 tuần trở lại đây, Hà Lan ghi nhận thêm gần 52.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng mạnh so với con số khoảng 8.500 trường hợp của một tuần trước đó. Trước làn sóng dịch bệnh mới, Chính phủ Hà Lan phải một lần nữa đóng cửa các câu lạc bộ đêm. Trong khi đó, các quán bar chỉ được phép mở cửa tới nửa đêm. Trước đó. Hà Lan tự tin nới lỏng chống dịch vì đã tiêm chủng cho phần lớn người dân. Tới nay, khoảng 11,1 triệu người tại Hà Lan đã tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, tương đương 65% dân số.

Chính quyền bang Victoria, bang đông dân thứ 2 của Australia, ngày 15/7 đã công bố lệnh phong tỏa khẩn cấp trên toàn bang trong 5 ngày, bắt đầu từ nửa đêm cùng ngày, để ngăn chặn việc bùng phát dịch COVID-19, do sự lây lan của biến thể Delta. Chiều 15/7, bang Victoria đã ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm ở đây lên 18 ca chỉ trong 2 ngày qua.

Số ca tử vong do COVID-19 đang tăng mạnh tại châu Phi, tăng hơn 40% so với tuần trước. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca tử vong vì COVID-19 tăng nhanh ởcChâu Phi là do số người nhập viện tăng nhanh. Các quốc gia Châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy và giường chăm sóc đặc biệt.

Theo WHO, số ca tử vong tại châu Phi đã tăng lên hơn 6.000 người trong tuần này so với con số hơn 4.000 ca trong tuần trước. Sự gia tăng các ca bệnh xảy ra trong bối cảnh biến thể Delta vẫn lây lan mạnh, đã được phát hiện tại 21 quốc gia châu Phi.

Vượt qua Ấn Độ, Indonesia đã trở thành tâm dịch mới của châu Á với hơn 56.700 ca mắc mới COVID-19, 982 trường hợp trong 24 giờ qua. Sự lây lan của biến thể Delta với mức độ lây nhiễm cao đang khiến số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này tăng vọt. Bất chấp việc siết chặt các biện pháp phòng dịch, dịch COVID-19 đang diễn biến vô cùng nguy hiểm và phức tạp tại Indonesia. Chỉ mới 1 tháng trước, số ca nhiễm mới hàng ngày ở quốc gia này ở mức dưới 10.000 ca/ngày, hiện con số này tăng gấp 6 lần.

Đáng báo động hơn là Indonesia có ca nhiễm hàng ngày nhiều hơn dù dân số chỉ bằng 1/5 dân số Ấn Độ. Hiện Indonesia có khoảng 132 ca nhiễm/1 triệu người, còn Ấn Độ là 26 ca/1 triệu người. Các nhà dịch tễ học cho rằng, con số thực tế ở Indonesia cao hơn đáng kể so với báo cáo chính thức do việc xét nghiệm ở quốc gia Đông Nam Á này còn hạn chế.

Gần 92% ca mắc COVID-19 tại thủ đô Jakarta, Indonesia chưa được phát hiện. Đây là kết quả một cuộc khảo sát huyết thanh do các nhà nghiên cứu Indonesia tiến hành từ ngày 15 - 31/3 vừa qua. Kết quả này cho thấy, số ca COVID-19 trong cộng đồng trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với con số thống kê chính thức.

Hiện Indonesia đang là nước đứng đầu thế giới về số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày và là nước có số ca mắc và tử vong cao nhất ở khu vực Đông Nam Á với trên 2,7 triệu ca mắc và gần 70.200 trường hợp không qua khỏi.

Tại Campuchia, trong 24 giờ qua đã có 39 người tử vong. Đây là con số tử vong cao nhất tại Campuchia kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19. Cũng trong 24 giờ qua Campuchia ghi nhận thêm gần 1.000 trường hợp mắc mới. Tại Phnom Penh, mỗi ngày có từ 200 đến 300 ca nhiễm mớ. Do hầu hết người dân thủ đô Phnom Penh đều đã được tiêm vaccine nên tỉ lệ tử vong chủ yếu tập trung ở các tỉnh.

Hiện sau khi hoàn thành tiêm vaccine tại Phnom Penh, Campuchia đang đẩy mạnh tiêm tại các địa phương, đặc biệt là những nơi đang xảy ra dịch bệnh và những đô thị đông người. Tính đến ngày 15/7, Campuchia đã tiêm được hơn 5,2 triệu người, đạt 52% dân số từ 18 tuổi trở lên phải tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng Campuchia, mục tiêu tiêm phòng cho 10 triệu người trưởng thành của Campuchia đã đạt được hơn 51%. Cụ thể, tính đến hết ngày 13/7, có hơn 5.100 người gồm công chức, lực lượng vũ trang, người dân Campuchia và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại nước này đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

 - Ảnh 2.

Indonesia ghi nhận số ca mắc mới và và tử vong/ngày cao nhất Đông Nam Á. (Ảnh: AP)

Số ca tử vong vì COVID-19 theo ngày ở Thái Lan đang gia tăng. Bộ Y tế nước này thông báo, 98 bệnh nhân đã không qua khỏi trong ngày 15/7. Thái Lan cũng ghi nhận gần 9.200 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 tại nước này lên hơn 372.200 trường hợp, trong đó hơn 3.000 bệnh nhân đã tử vong.

Thái Lan đã tiêm hơn 13 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 3,34 triệu người đã tiêm đủ liều. Giới chức Thái Lan đặt mục tiêu sớm tiêm chủng cho 70% cư dân thủ đô Bangkok, tâm điểm của làn sóng COVID-19 thứ 3, nhưng hiện mới chỉ có 43,6% được tiêm chủng.

Ngày 15/7, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận thêm 5.221 ca mắc và 82 người tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 1.490.665 trường hợp và 26.314 bệnh nhân tử vong. Kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 1/2020 đến nay, Philippines đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 14,7 triệu người. Theo Bộ Y tế Philippins, đến nay nước này chưa phát hiện ca lây nhiễm biến thể Delta nào trong cộng đồng. Toàn bộ số ca mắc biến thể Delta đều được cách ly ngay sau khi về nước.

Ngày 15/7, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo có 1.308 ca nhiễm mới, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ cuối tháng 1/2021 và đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp, địa phương này ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới. Thông tin trên được công bố trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Nhật Bản tăng trở lại tại thời điểm chỉ còn 1 tuần trước khi khai mạc Olympic 2020 và thủ đô Tokyo đang áp đặt tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 do dịch COVID-19. Tính trung bình trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới tại thủ đô Tokyo ở mức 882,1 ca/ngày, tăng 32,9% so với tuần trước đó.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh