CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:12

Đến sáng 16/6, thế giới có trên 177,3 triệu người mắc COVID-19

Theo TTXVN, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 310.000 ca nhiễm và trên 7.300 ca tử vong. Mỹ đã vượt mốc 600.000 ca tử vong, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, trong khi Nam Phi nâng phong toả toàn quốc lên cấp độ 3.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 17/6 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 177.340.742 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.836.166 ca tử vong. 

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 161.776.856 người, 11.727.720 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 83.732 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (78.360 ca), Ấn Độ (62.226 ca), và Argentina (27.260 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2,292 ca), tiếp theo là Ấn Độ (với 1.470 ca) và Argentina (586 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.348.283 triệu người, trong đó có 615.638 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 29.632.261 ca nhiễm, bao gồm 379.601 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 17.533.221 ca bệnh và 490.696 ca tử vong. 

Đến sáng 16/6, thế giới có trên 177,3 triệu người mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Hơn 177,2 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

VTV cũng đưa tin, ngày 15/6, một số khu vực ở Nga đã thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, đồng thời tập trung tăng cường năng lực ứng phó cho các bệnh viện trong trường hợp bệnh nhân nhập viện gia tăng sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt.

Dịch bệnh COVID-19 dường như đang quay trở lại Nga sau khi nước này liên tiếp ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong thời gian gần đây. Ngày 15/6, Nga có thêm 14.185 ca mắc mới, trong đó 6.805 bệnh nhân ở thủ đô Moscow, nâng tổng số người nhiễm bệnh trên cả nước lên trên trên 5,2 triệu trường hợp. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 379 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 127.180 trường hợp.

 - Ảnh 1.

Dịch bệnh COVID-19 dường như đang quay trở lại tại Nga. (Ảnh: AP)

Israel đã chính thức dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trong không gian kín ở các điểm công cộng kể từ ngày 15/6 sau hơn 1 năm thực hiện. Quyết định trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Israel Chezy Levy thông báo trong một văn bản ký vào đêm 14/5. Theo đó, các tòa nhà, văn phòng, trường học, khách sạn... sẽ không yêu cầu nhân viên hoặc khách đến phải đeo khẩu trang khi ở trong không gian kín này. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang vẫn được áp dụng trong một vài trường hợp đặc biệt, như: người chưa tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đi thăm nom tại các cơ sở chăm sóc người bệnh có nguy cơ tử vong cao nếu bị lây nhiễm, người đang trên đường phải đi cách ly hoặc hành khách trên máy bay.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thông báo gia hạn đến ngày 30/6 đối với lệnh cấm các chuyến bay từ các nước: Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Nepal, Oman và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đến nước này. Theo đó, Philippines sẽ không cho phép nhập cảnh những hành khách từng đến một trong những nước trên trong 14 ngày qua.

Bên cạnh đó, ông Duterte cũng quyết định gia hạn một số biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila và các tỉnh lân cận đến hết tháng 6 này. Chính phủ Philippines cũng áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn tại 9 thành phố và 12 tỉnh, bao gồm cả những khu vực ở miền Trung và Nam. Theo đó, các doanh nghiệp bị hạn chế công suất hoạt động và các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa không thiết yếu phải đóng cửa.

Indonesia dự báo, làn sóng dịch COVID-19 tại nước này sẽ lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng 7. Đa phần ca nhiễm được dự báo là biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Theo giới chức Jakarta, làn sóng dịch mới có thể sẽ khiến các bệnh viện tại thủ đô nước này phải hoạt động gần tối đa công suất để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Ngành y tế nước này cảnh báo, số ca mắc mới đã tăng 50% trong tuần qua và nếu tình hình tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, giới chức thủ đô có thể phải xem xét khả năng tái áp đặt các biện pháp hạn chế để chống dịch. Mặc dù vậy, Tổng thống Indonesia Joko Widodo vẫn lạc quan cho rằng thủ đô Jakarta sẽ đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 8.

 - Ảnh 2.

Làn sóng dịch COVID-19 tại Indonesia có thể sẽ lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng 7. (Ảnh: AP)

Báo Phnom Penh Post dẫn lời người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về tiêm phòng COVID-19, bà OrVandine cho biết, trong vài ngày tới, số người được tiêm phòng COVID-19 sẽ đạt 3 triệu người và nước này đang hướng tới mục tiêu 10 triệu người để đạt miễn dịch cộng đồng. Chia sẻ trên trang Twitter, bà Vandine nói rằng, Campuchia đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 để người dân được tiêm phòng sớm nhất có thể.

Đến nay, Campuchia ghi nhận số các nhiễm COVID-19 vượt mốc 39.400 người và có thêm 13 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này trong ngày 15/6. Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 495 ca mắc COVID-19, trong đó có 44 ca nhập cảnh, trong khi số người được công bố khỏi bệnh là 604 người. Trong tổng số ca mắc COVID-19 kể từ đầu mùa dịch, 33.571 người đã hồi phục và 361 người tử vong.

Do diễn biến phức tạp của các ca lây nhiễm trong cộng đồng ở thủ đô Vientiane, Bộ Y tế Lào ngày 15/6 thông báo, các trường hợp tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 sẽ bắt buộc phải cách ly tại những trung tâm hoặc khách sạn được chỉ định.

Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết, nước này ghi nhận 15 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 2.025 trường hợp. Trong số 15 ca mắc mới, 6 người lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Vientiane và 9 trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Theo Bộ Y tế Lào, việc một bộ phận người dân không tuân thủ chặt chẽ quy định phòng dịch là nguyên nhân dẫn tới các ca mắc mới trong cộng đồng.

Ngày 15/6, Thái Lan ghi nhận 3.000 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng người mắc ở nước này vượt 200.200 trường hợp. Đáng lo ngại là hơn 80% các ca mắc mới và 90% ca tử vong mới được ghi nhận sau tháng 4.

Tính đến nay, khoảng 6,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm ở Thái Lan, trong đó, 1,6 triệu người đã được tiêm đủ liều. Chính phủ nước này đã đặt hàng 100 triệu liều vaccine và đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50 triệu người, tức 70% dân số, trong năm nay.

Tại Anh, số người nhiễm biến thể Delta chiếm tới hơn 90% các ca mắc mới. Trong khi đó, dù Mỹ mới ghi nhận biến thể Delta trên khoảng 10% ca mắc COVID-19 mới nhưng con số này đang tăng gấp đôi sau mỗi tuần. Nhiều chuyên gia cho rằng, ở những nước có hệ thống giám sát kém hơn, biến thể có thể đã lan rộng hơn những gì được báo cáo. Bằng chứng từ Ấn Độ và các nơi khác cho thấy, người nhiễm biến thể này xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn như đau dạ dày, buồn nôn, chán ăn, mất thính giác và đau khớp.

Các quốc gia châu Phi đang ghi nhận tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn so với các khu vực khác. Châu Phi hiện cũng ít có khả năng tiếp cận vaccine, khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh còn hạn chế, thiếu nguồn cung oxy nhất so với các nơi khác trên thế giới. Dù các nước G7 đã cam kết phân phối 870 triệu liều vaccine dành riêng cho khu vực châu Phi nhưng WHO cho biết, lục địa này sẽ cần nhiều hơn thế.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh