Đến sáng 16/12, thế giới có hơn 73,8 triệu người nhiễm COVID-19
- Công nghệ
- 16:52 - 16/12/2020
Theo Vietnamnet, số liệu của trang thống kê Worldometers, đại dịch Covid-19 tiếp tục tấn công 218 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, lây mầm bệnh cho tổng cộng gần 73,8 triệu người và cướp đi mạng sống của khoảng 1,64 triệu bệnh nhân tính đến 6h sáng ngày 16/1.
VTV cũng đưa tin, Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 17 triệu người nhiễm và gần 309.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 130.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, hơn 9,9 triệu người đã mắc COVID-19, bao gồm trên 144.100 trường hợp thiệt mạng. Ngày 15/12, Ấn Độ báo cáo hơn 26.300 ca nhiễm bệnh mới.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận hơn 40.600 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại quốc gia này lên hơn 6,9 triệu trường hợp. Đến nay, gần 182.800 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi tại quốc gia này.
Các nhà khoa học Nga đang trong giai đoạn cuối cùng thử nghiệm một loại vaccine COVID-19 cho động vật. Cơ quan Giám sát thú y và Kiểm dịch Liên bang Nga cho biết, vaccine sẽ ra đời vào cuối tháng 1/2021. Hiện vaccine đang được thử nghiệm trên thỏ và cho kết quả tích cực. Thử nghiệm được thực hiện khi giới chức y tế bày tỏ lo ngại rằng, một số loài vật nuôi trong nhà có thể là nguồn lây truyền virus SARS-CoV-2. Vaccine ngừa COVID-19 ở động vật này chủ yếu dành cho những loài dễ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 như mèo, chồn hương, dơi và chuột cảnh.
Nga hiện là điểm nóng dịch COVID-29 lớn thứ tư thế giới với trên 2,7 triệu ca nhiễm và gần 48.000 trường hợp tử vong.
Hàn Quốc cảnh báo, xu hướng lây lan dịch COVID-19 gần đây hết sức nguy cấp, số ca nhiễm mới có thể tăng mạnh trong những tuần tới. Ngày 15/12, Hàn Quốc ghi nhận thêm 880 ca mắc mới, trong đó có 848 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, giới chức y tế nước này cảnh báo, số ca mắc mới hàng ngày có thể lên tới 1.200 ca nếu tiếp tục đà tăng hiện nay.
Nhằm kiềm chế tốc độ lây của dịch COVID-19, ngày 15/12, Indonesia đã quyết định cấm tổ chức các hoạt động đông người nơi công cộng vào dịp lễ Giáng sinh 2020 và năm mới 2021 trên phạm vi toàn quốc. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 18/12/2020 - 8/1/2021. Các cơ sở ăn uống, địa điểm vui chơi giải trí và trung tâm thương mại phải hạn chế số người và chỉ được phép hoạt động đến 19h hàng ngày. Riêng tại thủ đô Jakarta, quy định cho phép người lao động làm việc tại nhà sẽ áp dụng với 75% lực lượng lao động. Cảnh sát và quân đội sẽ tăng cường để siết chặt việc thực hiện các quy định phòng dịch .
Trong ngày qua, Indonesia ghi nhận thêm hơn 6.100 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp mắc bệnh lên trên 629.400 người. Hơn 19.100 bệnh nhân đã tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này
Nhiều nước trên thế giới đang chạy đua với thời gian để tiếp cận và tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tiêm chủng là bước đi vô cùng quan trọng để ngăn chặn đại dịch và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Ngày 15/12, Canada đã chính thức kích hoạt chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước này. Một cư dân sống tại cơ sở chăm sóc dài hạn ở Quebec và một nhân viên làm việc tại viện dưỡng lão ở Ontario nằm trong nhóm những người đầu tiên được tiêm vaccine phòng COVID-19 của Pfizer - BioNTech. Dự kiến, tới tháng 4/2021, Canada sẽ có đủ vaccine cung cấp rộng rãi cho người dân.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi nước này phê duyệt vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Mỗi liều vaccine Sinopharm sẽ có 2 mũi, cách nhau 21 ngày. Hiện người dân UAE có thể đặt lịch hẹn tiêm vaccine miễn phí.
Trong khi đó, Singapore đã cấp phép sử dụng vaccine do hai công ty Pfizer - BioNTech bào chế. Dự kiến, quốc đảo này sẽ nhận được lô hàng đầu tiên vào cuối tháng 12/2020. Nếu mọi việc tiến triển theo kế hoạch, Singapore sẽ có đủ vaccine cho tất cả người dân trong quý III/2021 và sẽ cung cấp miễn phí cho các công dân cũng như những người cư trú dài hạn tại nước này.
Đức đang hối thúc Liên minh châu Âu (EU) đẩy nhanh việc phê chuẩn một loại vaccine ngừa COVID-19. Văn phòng Thủ tướng Angela Merkel và Bộ Y tế Đức muốn Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu phê chuẩn vaccine do hãng Pfizer của Mỹ phối hợp với công ty BioNTech của Đức sản xuất vào ngày 23/12, sớm hơn dự kiến là ngày 29/12. Đức bất bình về việc EU chậm phê chuẩn vaccine trong khi BioNTech là một công ty của Đức và nước này dự kiến phải phong tỏa một phần từ ngày 16/12 do số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh.