THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:33

Đến nay, hơn 569,19 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu

Theo Worldometers, đến sáng 20/7, thế giới có trên 569,19 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,39 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 91,42 triệu ca mắc và hơn 1,049 triệu trường hợp tử vong.

Theo báo cáo cập nhật từ Viện Nhi khoa (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện nhi của Mỹ, nước này đã ghi nhận hơn 6 triệu trẻ em nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ đầu năm 2022 đến nay. Riêng trong 4 tuần gần đầy, số ca mắc mới ở trẻ xấp xỉ 287.000 ca. Trong báo cáo công bố ngày 18/7, AAP nêu rõ, số ca bệnh nhi mắc COVID-19 tại Mỹ tăng cao hơn so với cách đây một năm. Theo thống kê của giới chức y tế Mỹ, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nước này đã ghi nhận hơn 13,9 triệu trẻ dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 19/7, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,78 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 525.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tại Ấn Độ vẫn duy trì dưới mức 20.000 ca trong ngày thứ hai liên tiếp, sau khi ghi nhận xu hướng tăng trong vài ngày trước đó. Theo dữ liệu của Bộ Y tế Ấn Độ được công bố vào sáng 19/7, trong vòng 24 giờ trước đó, nước này ghi nhận 15.528 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số người nhiễm lên trên 4,37 triệu trường hợp. Hiện tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 hàng ngày đã giảm xuống còn 3,32%, trong khi tỷ lệ dương tính tính theo tuần ở mức 4,57%.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 675.500 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 33,33 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Trong bối cảnh dòng phụ của biến thể Omicron đang làm gia tăng số ca mắc COVID-19 ở châu Âu, các quốc gia cần phải đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine và tái áp đặt các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang để tránh phải triển khai các biện pháp nghiêm ngặt hơn khi mùa thu và đông đang đến gần. Đây là nhận định được Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge đưa ra trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Reuters.

Các quốc gia châu Âu cần phải đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine và tái áp đặt các biện pháp phòng chống COVID-19. (Ảnh: AP)

Các quốc gia châu Âu cần phải đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine và tái áp đặt các biện pháp phòng chống COVID-19. (Ảnh: AP)

 

Ngày 19/7, New Zealand thông báo lần đầu tiên phát hiện 2 ca nhiễm dòng phụ BA.2.75 của biến thể Omicron trong cộng đồng tại nước này. Bộ Y tế New Zealand nêu rõ, cả hai ca bệnh trên đều có liên quan tới các ca COVID-19 nhập cảnh được xác định trước đó và họ đang được cách ly tại nhà. Với 2 bệnh nói trên, tổng số ca nhiễm biến thể phụ BA.2.75 tại quốc gia này hiện tăng lên thành 6 ca và tất cả đều có liên quan tới các chuyến đi nước ngoài gần đây.

Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 10.762 ca mắc mới và 19 ca tử vong. Kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay, quốc gia châu Đại Dương này ghi nhận tổng cộng trên 1,51 triệu ca mắc COVID-19.

Cơ quan Quản lý dược phẩm Australia đã phê duyệt tạm thời sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna, Mỹ cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Loại vaccine trên sẽ được tiêm hai liều và mỗi liều cách nhau 28 ngày. Tuần trước, nhà chức trách Argentina và Canada cũng vừa đưa ra quyết định tương tự. Ngoài ra, Cơ quan Quản lý dược phẩm Australia cũng phê chuẩn việc sử dụng vaccine của Moderna để tiêm mũi tăng cường cho người trên 18 tuổi.

Các quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Australia đang nỗ lực ứng phó với một đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn do các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron gây ra. Tại một số bang, số ca mắc COVID-19 nhập viện đã tăng lên các mốc cao chưa từng có.

Tại khu vực Nam Mỹ, Bộ trưởng Bộ Y tế Bolivia, ông Jeyson Auza cho biết, nước này đã ghi nhận thêm nhiều ca mắc dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron. Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Auza nêu rõ, hai dòng phụ BA.1 và BA.2 bắt đầu hoành hành tại Bolivia hồi giữa tháng 5 năm nay. Tuy nhiên, trong 2 tuần trở lại đây, Viện nghiên cứu Y tế quốc gia của nước này đã xác định được nhiều mẫu bệnh phẩm nhiễm BA.4 và BA.5. Hai dòng phụ mới này của biến thể Omicron là nguyên nhân khiến số ca mắc mới COVID-19 liên tục tăng 60% trong một vài tuần qua.

Theo báo cáo của Bộ Y tế Boliva, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến ngày 17/7 vừa qua, nước này đã ghi nhận tổng cộng trên 974.000 ca mắc COVID-19 và 21.989 ca tử vong. Trong khi đó, khoảng 67% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID và hơn 55% đã tiêm đủ hai mũi.

Indonesia đã ghi nhận 3 ca mắc biến thể Omicron thế hệ 2 BA.2.75. (Ảnh: AP)

Indonesia đã ghi nhận 3 ca mắc biến thể Omicron thế hệ 2 BA.2.75. (Ảnh: AP)

 

Dòng phụ BA.2.75 của biến thể Omicron đã lây lan tại Indonesia. Đây là thông báo do Thứ trưởng Bộ Y tế nước này đưa ra. Theo đó, cho tới nay Indonesia đã ghi nhận 3 ca mắc BA.2.75 nhưng không có ca nào quá nghiêm trọng. Ba ca nói trên đã được xác định một tuần trước thông qua giải trình tự bộ gene virus ở các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc trong ngày 19/7 là 73.537 trường hợp, tăng hơn 46.000 ca so với ngày trước đó và là mức tăng mạnh kể từ cuối tháng 6 vừa qua. Dòng phụ của biến thể Omicron đang lây lan nhanh tại Hàn Quốc, trong khi những biện pháp hạn chế phòng dịch được nới lỏng.

Số ca mắc mới đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 ca trong ngày 29/6 và duy trì ở khoảng này trong vòng 3 tuần trước khi vượt mốc 20.000 ca hôm 9/7. Đên nay, tổng cộng trên 18,86 triệu người đã nhiễm COVID-19 tại nước này.

Thành phố cảng Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc đã phải đóng cửa một số địa điểm vui chơi giải trí, cơ sở giáo dục khi ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 mới. Thiên Tân với dân số hơn 12 triệu người đã báo cáo 11 trường hợp mắc COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng vào ngày 18/7 sau khoảng một tuần không ghi nhận ca mắc mới nào. Đây là dữ liệu thống kê chính thức được công bố hôm 19/7.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh