Năm 2020, Việt Nam sẽ “thừa” 1,38 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn
- Dược liệu
- 14:44 - 02/12/2016
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã đến mức nghiêm trọng
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số (Tổng cục Thống kê) cho biết:, Dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2026. Trong đó, quy mô dân số thành thị ngày càng tăng và đạt 63 triệu người vào năm 2049 và dân số nông thôn giảm dần từ năm 2020. Trẻ em trong độ tuổi tiểu học (từ 5 - 10 tuổi) sẽ vẫn tăng đến năm 2025. Sau năm 2025, dân số độ tuổi này sẽ giảm mạnh đến năm 2034 và giữ ổn định.
Đặc biệt, đến năm 2020, Việt Nam sẽ “thừa” 1,38 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn. Đến năm 2040, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, lúc này, già hóa dân số và dân số già trở thành vấn đề toàn cầu.
GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế quốc dân) thì nhận định : Cơ cấu dân số theo tuổi đang biến đổi nhanh chóng: Tỷ lệ người trên 65 tuổi năm 1979 là 4,7% thì đến 2015 đã là 7,6% dân số; trong khi đó, tỷ lệ trẻ em từ 0 – 14 tuổi năm 1979 là 42,5% thì đến năm 2015 đã giảm xuống 24%.
Trẻ em trai ngày càng nhiều hơn so với trẻ em gái
Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đến đến mức nghiêm trọng”. Nếu như tỷ lệ bé em trai/100 bé gái năm 2005 là 106 thì đến năm 2015 đã lên đến 112,8. Sự can thiệp của con người và sự ưa chuộng con trai hơn con gái đang diễn ra rất mạnh mẽ ở Việt Nam. Nguyên nhân xuất phát từ tư tưởng Nho giáo và bất bình đẳng giới đang còn tồn tại trong xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng khoa học kỹ thuật lựa chọn giới tính khi sinh cũng đang âm thầm diễn ra. Thậm chí sách hướng dẫn “sinh con theo ý muốn” được xuất bản và bán công khai ở khắp nơi đã cổ xúy cho tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.
Nghiên cứu chính sách phù hợp đối phó với tình trạng dư thừa nam giới
Theo GS- TS Nguyễn Đình Cử, mặc dù chất lượng dân số ở Việt Nam đã được nâng lên song chưa vững chắc. Đơn cử, chỉ số HDI (chỉ số phát triển con người) vẫn ở bậc trung bình, năm 2014 chỉ số này là 0,666, đứng thứ 116/188 quốc gia. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã đến mức nghiêm trọng với 112,8 trẻ em trai/100 trẻ em gái... Do đó, việc Ban Bí thư ban hành Kết luận 119-KL/TW, trong đó có nội dung quan trọng là đề nghị Bộ Chính trị xem xét, để ban hành Nghị quyết về dân số, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Việc chuyển đổi này là cần thiết, làm cho chính sách dân số phù hợp với tình hình dân số thực tế và hiệu quả hơn. Theo GS.Nguyễn Đình Cử nhận định, việc chuyển trọng tâm từ dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển là cuộc cách mạng trong chính sách dân số. Toàn xã hội cần ủng hộ và thực hiện hiệu quả chủ trương này để tránh hiểu biết lệch lạc và thái độ không đúng đắn.
Truyền thông dân số cho các cặp vợ chồng trẻ
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, đã đến lúc cần thay đổi nhận thức về “dân số già”: dân số già không phải là “nguy cơ” hoặc “gánh nặng” của xã hội. Cùng với đó, nghiên cứu chính sách hợp lý nhằm ứng phó tình trạng “dư thừa” nam giới trong độ tuổi kết hôn vào những năm 2020. Bà Mai đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết vấn đề về dân số già và sự chênh lệch giới tính tại Việt Nam trong thời gian tới như:
Có chính sách quy hoạch đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng hợp lý, phù hợp với mức độ đô thị hóa nhanh trong thời gian tới
Có chính sách đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý để giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ở những khu vực chuyển từ nông thôn thành thành thị.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề bình đẳng giới nhằm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tăng cường nâng cao chất lượng và số lượng các chương trình chăm sóc hỗ trợ người cao tuổi để giảm đi áp lực về việc có con trai để “nương tựa tuổi già”
Nghiên cứu các chính sách phù hợp tận dụng lợi thế dân số trong thời kỳ già hóa dân số và dân số già, cụ thể là phát triển an sinh xã hội, thực hiện điều tra quốc gia người cao tuổi và các vấn đề người cao tuổi…
Ngoài ra, một số ý kiến tại cuộc hội thảo cũng cho rằng, cần giảm thiểu chêch lệch, bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội giáo dục – đào tạo, việc làm, thu nhập, mức sống… giữa hai giới cũng như dân cư hai khu vực thành thị - nông thôn; đẩy mạnh các biện pháp nâng cao năng suất lao động xã hội.