THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:35

Đến một ngày đáo hạn

  Suốt bốn mươi năm từ khi mười ba tuổi chị Thuyên đã đan len, dán vỏ dầu cao sao vàng, dán túi ni lon, viết bằng thuê cho trường đại học, đưa xà phòng bán lẻ, để học xong bằng thạc sỹ ngôn ngữ. Rồi chị có tất cả ba ngôi nhà cho con gái, con trai, và vợ chồng chị ở một biệt thự gần ga Hàng Cỏ. Hàng xóm cũng bảo chị cả đời sống tất tả, sống rất tốc độ, may mắn. Nhớ hồi ở bên Nga, ngày nào cũng đi từ 2 giờ sáng, tuyết lạnh tê cứng tay, để bán được hàng áo phao, áo cá sấu, kimônô, bàn là, nồi cơm điện. Chị luôn tất tật, rồi bỏ mối bán sỉ, mới xây được căn nhà biệt thự; rồi mua  ngôi nhà khác cho hai đứa con. Ngỡ xong bổn phận làm mẹ. Đến khi ho, và phát hiện khối u trong phổi thì bán đi một căn  nhà chạy chữa. Giờ, ngồi nhà một mình thường thường vào buổi sáng, chồng  đi làm ở Trung tâm đào tạo tin học, con đi làm nhà hàng. Chị Thuyên  sống với ô sin, tâm tình với ô sin là chính.

Ảnh minh họa

Buổi sáng đỡ đau hơn thì em ghé qua nhà trò chuyện với chị nhé. Đó cũng là một cách em tặng quà cho quà chị, em đừng mua gì tốn tiền. Em chỉ đến với chị thôi. Chị sắp đến ngày đáo hạn. Nếu được sống  thêm cùng lắm ít tháng nữa. Nhanh chậm đều như nhau cả. Nhiều khi đau quá chị rất muốn đi nhanh. Chết nhanh. Không hiểu sao khi sống gấp chị Thuyên mê mải kiếm tiền, chẳng mấy khi lo cho sức khỏe của mình, có đau ốm chỉ nghĩ uống vài viên cảm xuyên hương là xong. Bây giờ ngồi nghĩ lại thấy mình sai lầm lớn, tất cả như đã muộn. Người chị họ tên Thuyên lại nói với tôi như độc thoại một mình. Tôi chỉ biết tặng chị sự im lặng và thi thoảng ôm đôi bờ vai gầy của chị mà nghĩ đến tốc độ nhanh và chậm để mà sống và tiêu dao nốt thời gian sống trong vật vã của mình.

Chị Thuyên từng “thắng” đậm vụ đất đai ở khu đất Nghi Tàm, mua nhà dựng cửa cho con gái khi gả chồng, rồi mua thêm căn hộ chung cư cao cấp cho con trai. Nhà biệt thự này chị cũng vay mượn rồi kinh doanh băng nhạc đĩa hát trả nợ vừa xong .Ngỡ là xong mà không xong rồi. Chị lại vay mượn trả nợ nhưng chuyến đi trị xạ ở Trung Quốc, rồi Singapo, lại chuyển nhựơng căn hộ chung cư cho con trai về ở với cha mẹ.Chị tiêu tiền trăm triệu như không, còn tôi có vài triệu đồng mắt đã long lanh sung sướng. Tôi không biết kiếm tiền và không biết tiêu tiền, điều khiển đồng tiền như chị Thuyên với tôi chị quá giỏi.

  Từ khi có tiền rủng rỉnh, việc nhà có ô sin, chị dạy con học hành nhưng không dạycon cách sử dụng đồng tiền. Con trai tiêu tiền hà tiện, nhưng hà tiện với người ngoài ,hoang phí và phong lưu với chính mình. Bệnh ích kỷ chiếm hữu hết tâm hồn nó. Và chị thấy hy sinh cho con cái,lo cho nhà cửa tiền bạc, không phải là hạnh phúc nữa mà là nỗi bi thảm khác. Con gái bận tối mắt ở nơi cửa hàng sơn sửa móng tay và mẫu tóc , thi thoảng về nhà chỉ tiện mua cho mẹ bát súp rau ở nhà hàng. Món ăn nào cũng nhà hàng.

Chị Thuyên đã ước giá như được ngồi nhặt cúc chi, ngồi tẽ ra từng cánh nhỏ. Sáng phơi phóng , chiều phơi phóng. Hết nong lại nia, hoa cúc vàng hoa cúc thơm dịu nhẹ. Tôi lại còn mua chum đựng nước mưa, lại còn pha trà ấm đất của gốm Chu Đậu. Sống chậm và kỹ, và hài lòng với cách sống tùng tiệm, đôi khi tôi sống mà  chị khó chịu và cho rằng tôi gàn. Trời ơi, tôi ngồi thêu áo gối, thêu khăn ăn chị cũng cho là rỗi hơi mới làm thế. Hóa ra em học các cụ nhà ta ở quê nhà, thông thái hơn nhiều mấy cái bằng thạc sỹ của chị đang  nhét  xó kia. Em vẫn bảo  bà ngoại  ta ở quê, ít học , ăn cơm chan tương, ăn rau dền rau rệu,rau sam qua bữa. Ăn lạc vừng,vẫn khỏe, bà  có ăn đặc sản , lẩu thập cẩm như ở nhà chị đâu kia chứ. Thế mà  bà nhà ta da đỏ khỏe mạnh, săn chắc như ngư dân biển, cụ tám mươi hay tám lăm tuổi vẫn đi nhoay nhoáy khắp làng. Bây giờ có nhắc lại kỷ niệm xa xôi với chồng, chị cũng thấy mình lạc lõng. Ốm đau sẽ bắt buộc chúng ta sống chậm hẳn lại. Ốm đau lâu càng ít bạn bè, người thân. Ngay cả con gái, con trai ruột thịt cũng trở lên xa lạ, khi ta có đồng tiền. Đồng tiền điều khiển người giúp việc. Khi đồng tiền trang trải cho ô sin báo hiếu thay con trai con gái trong nhà.

Chị Thuyên biết mình sẽ không bước qua tuổi 53, hồi ở bên Nga chị từng đi du lịch Tây Ban Nha, có gặp một người Di gan hát rong xem tay cho rồi phán rằng: chị nhanh chậm gì cũng không bước qua tuổi 53, nên đi chơi đi, kiếm tiền làm gì nhiều, con cái không hiếu đễ lắm đâu, và chị giật mình nhớ lại. Chị giật mình nhớ những bác sỹ thật chu đáo với chị, liệu con cái chị sau này có biết cúi xuống cảm ơn khi chị không còn trên dương gian này?.

Ảnh minh họa

Chị Thuyên bảo: dạo này chị hay nghĩ đến những người tốt và những người giỏi. Trong đời chị đó là việc mà chị khó sống nhất.chị sợ người giỏi giang và tốt bụng. Nhiều người có kinh tế khấm khá, họ giúp đỡ người dưng không hề toan tính dù chỉ thiệt hơn, khôn dại . Còn chị được xếp vào dân tri thức, có bằng cấp hẳn hoi, bằng thứ thiệt và có dính dáng đến kinh doanh, trong đầu luôn tính đến dại khôn và hơn thiệt. Thuyên cũng nhớ bao kẻ từng chơi xấu chị,mà chị không còn vướng bận nữa. Những cơn đau vật vã khiến chị phờ phạc. Chị chỉ còn áy náy và vẫn thấy mình mang nợ sự day dứt với mấy người ân nhân vừa tài giỏi vừa tử tế .

Xem ra chị mắc nợ và không đền đáp nổi kiếp này. Thuyên dặn lại với người em, chị còn một chiếc vòng ngọc bích chị muốn tặng  bác sỹ A, bác sỹ gây mê, hiện ở ngõ Z, phố N. Nếu chị đi nhanh, sau này nhớ tìm cách tặng bác sỹ thay chị. Vì người đó sống tử tế lắm, khi đi khỏi thế gian này chị vẫn thấy mắc nợ,  khó  trả bác sỹ nhất. Khi bác sỹ  giúp chị những lúc hàn vi. Thì ra sống tử tế đâu có dễ vay trả như vay trả tiền bạc ấy. Dù đời người, sống nhanh hay chậm, ở tốc độ nào, đời người ta, ai cũng đến ngày đáo hạn cả.Mà sao đến ngày đáo hạn dương gian bà chị mình mới nghĩ ra mình sống hay vì không biết sống tốc độ , không biết kiếm tiền để sống giàu sang như chị. Ôi sống như mình mà cũng được một người giàu như chị kết luận mình sống hay. Khi chị bảo chị sắp đáo hạn sống.

Ôi  không rõ nên buồn thế nào cho phải, vào một ngày đông chí có độ ẩm rất cao, và chị họ tôi  sắp đáo hạn sống.

Hoàng Việt Hằng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh