Đến khi nào Công viên Sài Gòn Safari mới thôi là mảnh đất hoang?
- Huyệt vị
- 21:05 - 08/08/2015
Nằm trên địa bàn 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi – TP.HCM, với diện tích 845 ha, với 705 hộ dân nằm trong diện giải tỏa. Tổng mức đầu tư dự án được duyệt là 500 triệu USD (tương đương 10 ngàn 890 tỷ đồng theo tỷ giá Vietcombank ngày 8/4), dự án khởi công 11 năm trước, gần 600 tỷ đồng đã được ngân sách nhà nước bỏ ra cho việc đền bù giải phóng mặt bằng. Thế nhưng đã hơn 1 thập kỷ trôi qua dự án Công viên Sài Gòn Safari có vẻ vẫn chưa có ngày hoàn thành.
Theo ông Phạm Quốc Hưng, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Thảo Cầm Viên Sài Gòn (chủ đầu tư), hiện Công ty đã có khoảng 100 văn bản giục huyện Củ Chi đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư để nhanh chóng triển khai xây dựng dự án. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà đến giờ khu tái định cư vẫn chưa có? “Dân không hiểu nên cứ đổi cho phía chúng tôi chậm triển khai nên dẫn đến khiếu kiện”, ông Hưng không dấu được sự bức xúc. Ông Hưng cũng cho biết, giữa năm 2004, UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi đất, đồng thời giao Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn và UBND huyện Củ Chi tiến hành bồi thường và tái định cư cho 705 hộ dân thuộc địa bàn 2 xã của huyện. Tuy nhiên cho đến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn chưa được huyện Củ Chi thực hiện xong, mặc dù đơn vị này thực hiện chi trả, bồi thường được 684/705 hộ với số tiền 560 tỷ/619 tỷ, đạt 97%. Nhưng tính đến thời điểm này vẫn còn 20 hộ chưa thể giải tỏa do khiếu nại về giá đền bù và chờ khu tái định cư. Trong số 750 hộ ảnh hưởng bởi dự án có 246 hộ đăng ký tái định cư, nhưng đến nay khu tái định cư vẫn chưa được huyện Củ Chi xây dựng.
Một người dân nằm trong diện giải tòa tại xã An Nhơn Tây - huyện Củ Chi cho biết, khi vận động người dân giao đất, phía lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết chỉ sau 3 tháng sẽ có nhà tái định cư cho người dân, nhưng tới nay đã hơn 10 năm mà người dân không có nhà để ở, không có đất để xản xuất. “2 miếng đất cạnh nhau cùng 1 mục đích canh tác như nhau nhưng nhà hàng xóm được đền bù với giá 175.000 đồng/m2 mà nhà tôi chỉ được 75.000 đồng/m2", bà Lâm Thị Hiếu ngụ xã An Nhơn Tây thắc mắc. Phải chăng trong quá trình kiểm kê, áp giá đền bù đã xuất hiện nhiều khuất tất, nên dẫn đến việc người dân vác đơn đi khiếu kiện khắp nơi?
Dự án Công viên Sài Gòn Safari vẫn đang là bãi đất hoang
Về vấn đề này, ông Lê Minh Tấn – Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết: “Đến nay, công tác đền bù giải phóng mặt bằng chúng tôi đã thực hiện được 97%. Còn việc xây dựng khu tái định cư là do chủ đầu tư phải thực hiện và chúng tôi đã hết trách nhiệm”.
Có mặt tại khu vực được quy hoạch thành công viên Sài Gòn Safari, chúng tôi nhận thấy, dù đã được cắm mốc lộ giới và giăng hàng rào kẽm gai nhưng bên trong chỉ là bãi đất bỏ hoang, cỏ lau mọc um tùm, một số nơi thành nơi trồng trọt và thả bò. Đặc biệt, cũng chính việc chậm trễ trên mà năm 2013, Công ty Bernard Harrison & Friends Ltd (Singapore) đơn vị được thuê làm tư vấn dự án xin rút lui không thực hiện vì quá trình đền bù giải tỏa và thương thảo giá thuê thầu với công ty quá lâu không được thông qua.
Trước sự chậm trễ triển khai của dự án, đặc biệt là việc khiếu kiện kéo dài của người dân về công tác áp giá đền bù giải phóng mặt bằng. Tháng 5/2015, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì cuộc họp với các sở ngành liên quan và UBND huyện Củ Chi để tìm hướng giải quyết cho dự án, yêu cầu Chánh Thanh tra thành phố chủ trì làm việc với các đơn vị có trách nhiệm thực hiện dự án để xem xét lại toàn bộ nội dung khiếu nại, quy trình giải quyết khiếu nại và kết quả giải quyết. Đồng thời, Hội đồng thẩm định bồi thường thành phố và Sở Tài chính cũng được giao cân đối, giải quyết kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án theo chủ trương của thành phố đã được duyệt. Ông Lê Hoàng Quân cũng yêu cầu Sở Nội vụ nghiên cứu mô hình liên doanh giữa Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontouris) và Công ty TNHH Thảo Cầm Viên Sài Gòn để triển khai ngay dự án Công viên Sài Gòn Safari trong thời gian sớm nhất.