Đến 2035: Tuyển chọn, đào tạo 3.700 vận động viên đội tuyển quốc gia
- Tây Y
- 13:47 - 02/03/2019
Theo đó, mục tiêu nhằm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên tài năng, có năng khiếu đặc biệt ở một số môn thể thao thành tích cao, thế mạnh của Việt Nam đạt trình độ và dành được thứ hạng cao tại các kỳ thi đấu khu vực, châu lục, thế giới và Olympic; các huấn luyện viên tài năng, có trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, có khả năng đặc biệt trong việc hoạch định chiến lược huấn luyện vận động viên thi đấu đạt thành tích huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao có trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu của quy trình tuyển chọn, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên tài năng để phấn đấu đưa Việt Nam đến năm 2035 trở thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp phát triển ở châu lục.
Ảnh minh họa
Đề án phấn đấu đến năm 2035, tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện vận động viên tài năng, đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên tài năng của các môn thể thao được xác định theo Đề án. Cụ thể, tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3.700 vận động viên đội tuyển quốc gia; trong đó khoảng 400 vận động viên đạt thành tích quốc tế; tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 600 huấn luyện viên tài năng, trong đó khoảng 60 huấn luyện viên cao cấp.
Cùng với đó, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao như: Tuyển chọn và đào tạo khoảng 400 cử nhân, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ và bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho khoảng 680 người.
Theo kế hoạch, Đề án sẽ triển khai đào tạo, huấn luyện dài hạn ở trong nước cho vận động viên được tuyển chọn từ các Trung tâm huấn luyện thể thao trên toàn quốc đã giành huy chương vàng giải trẻ quốc gia hoặc vô địch quốc gia một trong số các môn thể thao của Đề án và đào tạo, huấn luyện dài hạn ở nước ngoài cho vận động viên có trình độ cấp kiện tướng hoặc dự bị kiện tướng đã đạt huy chương vàng tại 2 kỳ SEA Games; Châu lục, Thế giới, Olympic hoặc đạt chuẩn Olympic (tùy thuộc đặc điểm môn thể thao).
Đối với các huấn luyện viên tài năng, Nhà nước sẽ đào tạo, bồi dưỡng dài hạn ở trong nước cho vận động viên cấp 1, kiện tướng, vận động viên đang tham gia thi đấu hoặc không còn khả năng thi đấu đã từng đạt huy chương tại các giải trẻ quốc gia và quốc tế hoặc giải vô địch quốc gia và quốc tế, các giải đấu SEA Games; Asiad, Thế giới hoặc đạt chuẩn Olympic, từ 25 đến 35 tuổi.
Đào tạo, bồi dưỡng dài hạn ở nước ngoài cho cho huấn luyện viên có vận động viên trực tiếp huấn luyện đạt huy chương tại các giải vô địch quốc gia, giải đấu SEA Games; Asiad, Thế giới, Olympic hoặc đạt chuẩn Olympic. Độ tuổi từ 35 đến 45 tuổi, đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, tin học theo quy định của Đề án.
Các bộ môn đào tạo, tập huấn vận động viên, huấn luyện viên
Đề án lựa chọn các môn thể thao trong tổng số 32 môn thể thao trọng điểm hiện nay gồm: Điền kinh, Bơi lội, Cử tạ, Taekwondo, Bắn súng, Bắn cung, Vật, Đấu kiếm, Boxing, Thể dục dụng cụ, Xe đạp, Đua thuyền, Karatedo, Pencak Silat, Bóng đá, Wushu. Số lượng các môn thể thao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét điều chỉnh, bổ sung định kỳ 2 năm một lần theo chu kỳ SEA Games hoặc tùy thuộc vào tình hình thực tế.
Tập trung đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhân lực thể thao thành tích cao ở 03 ngành: Y sinh học thể thao, Quản lý thể thao và Huấn luyện thể thao; ưu tiên các ngành, chuyên ngành trong nước chưa có khả năng đào tạo hoặc chất lượng đào tạo còn thấp so với nước ngoài trong khi có nhu cầu cấp thiết về nhân lực.