Đề xuất thêm nhiều quyền cho trẻ em
- Dược liệu
- 15:20 - 18/05/2015
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trao tặng sữa cho học sinh huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre (ảnh tư liệu)
Trẻ em được tham gia vào các quyết sách
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho biết: Quyền tham gia của trẻ em đã được quy định trong Luật BVCS&GD TE năm 2004, nhưng chưa cụ thể và chưa rõ các giải pháp, biện pháp, phân công trách nhiệm, điều kiện bảo đảm thực hiện.
Trên thực tế, quyền tham gia của trẻ em chưa được nhận thức đầy đủ cho nên hạn chế trong triển khai thực hiện. Hiến pháp năm 2013 quy định “trẻ em được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”. Thực hiện các quyền tham gia của trẻ em góp phần tạo nên một xã hội dân chủ, công bằng và quan trọng hơn sẽ phát huy được tối đa các tiềm năng của mỗi trẻ em, mỗi công dân.
Dự thảo Luật này quy định việc bảo đảm quyền tham gia của trẻ em, thúc đẩy sự phát triển và tham gia của trẻ em trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Nguyên tắc bảo đảm các quyền tham gia của trẻ là phải tuân thủ pháp luật, không xâm phạm quyền, lợi ích của người khác, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, phù hợp với lứa tuổi, sự phát triển của trẻ em; hoàn toàn tự nguyện; tạo cơ hội bình đẳng cho mọi trẻ em tham gia; tạo môi trường an toàn, thân thiện và khuyến khích trẻ em tham gia một cách chủ động.
Quyền tham gia của trẻ em vào quá trình ra các quyết định có liên quan đến trẻ em ở trong gia đình, nhà trường và xã hội, trong xây dựng pháp luật, chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình có liên quan đến trẻ em; hoạt động sự nghiệp, dịch vụ dành cho trẻ em hoặc trẻ em được hưởng lợi; quyết định liên quan đến cá nhân trẻ em trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ và sự phát triển của trẻ em.
Hình thức tham gia của trẻ em bao gồm: hoạt động Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; các tổ chức xã hội vì trẻ em; các tổ chức, câu lạc bộ; các diễn đàn, sự kiện, hội nghị, hội thảo, hội thi của trẻ em hoặc trẻ em được mời tham dự; các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội và hoạt động nghiên cứu, điều tra, thu thập, lấy ý kiến của trẻ em.
Quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực
So với quy định hiện hành (Luật BVCS&GD TE hiện nay quy định 10 quyền của trẻ em), dự thảo Luật có một số sửa đổi, bổ sung, quy định cụ thể hơn, sắp xếp lại về kỹ thuật lập pháp trật tự các quyền trẻ em theo 4 nhóm quyền phù hợp với Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc (quyền sống, quyền phát triển, quyền bảo vệ và quyền tham gia).
Đồng thời, gắn việc quy định quyền với quy định biện pháp bảo đảm cho trẻ em được hưởng các quyền một cách toàn diện và có tính khả thi.
Cụ thể, dự thảo Luật đề xuất trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch; được chăm sóc, nuôi dưỡng; được chăm sóc sức khỏe; được học tập; được phát triển năng khiếu; được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao...
Dự thảo nêu rõ, trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần. Mọi hành vi bạo lực với trẻ em phải được ngăn chặn, xử lý kịp thời; bảo đảm không gây thêm tổn hại cho trẻ em.
Nhà nước, gia đình, xã hội có trách nhiệm bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo lực; có biện pháp phòng, chống mọi hình thức bạo lực đối với trẻ em trong gia đình, nhà trường, cộng đồng, nơi làm việc, trong môi trường mạng, trong quá trình tố tụng, quá trình xử lý trẻ em vi phạm pháp luật và chăm sóc, phục hồi cho trẻ em nạn nhân.
Bên cạnh đó, trẻ em có quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm hại tình dục, mại dâm, khiêu dâm, du lịch xâm hại tình dục trẻ em. Mọi hành vi xâm hại tình dục, mại dâm, khiêu dâm, du lịch xâm hại tình dục trẻ em phải được ngăn chặn, xử lý kịp thời và bảo đảm không gây thêm tổn hại cho trẻ em...
Một số quyền khác của trẻ em được đề xuất trong dự thảo: Quyền được bảo vệ khỏi sử dụng trái phép chất ma túy; Quyền được bảo vệ khỏi các hành vi tước quyền tự do, tra tấn, truy bức, nhục hình; Quyền được hưởng an sinh xã hội; Quyền được chăm sóc, giáo dục, hòa nhập của trẻ em khuyết tật; Quyền được bảo vệ trong tình trạng khẩn cấp và xung đột vũ trang; Quyền bày tỏ ý kiến ...