Đề xuất tăng 20% một số mức thu phí trong lĩnh vực y tế
- Huyệt vị
- 06:55 - 19/03/2023
Cụ thể, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế thay thế Thông tư số 278/2016/TT-BTC vì theo đề xuất của Bộ Y tế, mức thu phí một số nội dung hiện nay còn thấp, đã thực hiện qua 9 năm không còn phù hợp thực tiễn.Bộ Tài chính cho biết đã nhận được công văn số 5422/BYT-KHTC của Bộ Y tế đề nghị sửa đổi Thông tư số 278/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định phí trong lĩnh vực y tế (Thông tư số 278).
Trong quá trình thực hiện, Thông tư 278 đã góp phần tạo nguồn thu phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Đến nay, qua hơn 5 năm thực hiện, Thông tư 278 đã phát sinh một số bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung.
Theo Bộ Y tế, mức thu phí tại Thông tư 278 được kế thừa theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-BTC ngày 08/1/2013 của Bộ Tài chính. Đến nay, đã qua 9 năm thực hiện, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khoảng 30%, lương cơ bản tăng 40%.
Do đó, tiền phí thu được không đủ bù đắp chi phí thuê chuyên gia thẩm định, hội đồng tư vấn, chi phí cho các đoàn đánh giá, chi phí thuê kho lưu trữ, cước bưu chính, thuê dịch vụ công nghệ thông tin, vận chuyển hồ sơ...
Hiện việc quản lý trang thiết bị y tế được yêu cầu chặt chẽ hơn so với trước đây, hồ sơ, tài liệu, thời gian và công việc thẩm định nhiều hơn, từ đó, đã phát sinh thêm chi phí thực hiện. Ví dụ: Đối với thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị y tế theo quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP thì ngoài việc thẩm định hồ sơ trang thiết bị y tế còn phải thẩm định thêm hồ sơ lâm sàng...
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế (tại công văn số 4035/VPCP-KTTH ngày 29/6/2022 của Văn phòng Chính phủ); cần thiết nghiên cứu sửa đổi Thông tư 278, bảo đảm mức thu phí phù hợp với khối lượng công việc, chi phí phát sinh và thù lao chi trả cho cán bộ y tế.
Bộ Y tế đề nghị điều chỉnh tăng mức phí thêm 50% so với mức thu quy định tại Thông tư 278. Cụ thể, theo Bộ Y tế thì chi phí thực hiện thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị y tế loại C, D bao gồm: chi phí thẩm định hồ sơ, chi phí quản lý trực tiếp và chi phí quản lý hành chính.
Qua rà soát Bảng giải trình của Bộ Y tế cho thấy, một số chi phí để xây dựng mức phí chưa phù hợp với quy định về sử dụng tiền phí được để lại theo quy định của pháp luật phí. Ví dụ: chi thẩm định hồ sơ pháp lý; rà soát, chuẩn bị hồ sơ họp; rà soát cấp số lưu hành (do công chức của Vụ Trang thiết bị y tế thực hiện, đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước); chi phí cho đoàn kiểm tra; đào tạo chuyên gia; mua tài liệu chuyên môn cho chuyên gia. Do đó, việc đưa các nội dung chi này vào chi phí để xây dựng mức thu phí là chưa phù hợp với pháp luật phí.
Theo Bộ Y tế, sau khi trừ các chi phí chưa phù hợp nêu trên thì chi phí để thực hiện thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị y tế loại C, D khoảng 5,9 triệu đồng/hồ sơ.
Do đó, để góp phần bảo đảm chi phí thực hiện thẩm định, phù hợp với khối lượng công việc và chi phí phát sinh, tại dự thảo thông tư do Bộ Tài chính vừa hoàn thiện đã điều chỉnh tăng mức thu phí thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị y tế loại C, D từ 5 triệu đồng lên 5,9 triệu đồng/hồ sơ (làm tròn thành 6 triệu đồng, tăng 20% so với quy định hiện hành).
Cụ thể, phí thẩm định cấp giấy phép lưu hành, nhập khẩu, xuất khẩu, công bố trang thiết bị y tế: Thẩm định cấp mới số lưu hành trang thiết bị y tế loại C, D là 6 triệu đồng/hồ sơ (mức cũ là 5 triệu đồng).