CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:08

Đề xuất sửa đổi quy định thí điểm quản lý lao động, tiền lương Viettel

Đề xuất sửa đổi quy định thí điểm quản lý lao động, tiền lương Viettel - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, ngày 24/8/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2016/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2016 - 2020 (nay là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội).

Căn cứ Nghị định số 121/2016/NĐ-CP, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 33/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 hướng dẫn thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viễn thông Quân đội giai đoạn 2016 - 2020.

Qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy các quy định về quản lý lao động, tiền lương là phù hợp, cơ chế quản lý tiền lương đã tạo điều kiện để Tập đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc phòng an ninh được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao; mức ổn định đơn giá tiền lương được giao đối với công ty mẹ là 200 đồng/1.000 đồng tổng thu trừ tổng chi chưa có lương, đối với từng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ và có ý kiến để người đại diện phần vốn của công ty mẹ tại từng tổng công ty, công ty do công ty mẹ sở hữu trên 50% vốn điều lệ tham gia với Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị về đơn giá tiền lương, thông qua đó tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, tăng tiền lương, thu nhập cho người lao động.

Từ năm 2017 đến nay, thực hiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, thực hiện cơ cấu lại theo Quyết định số 18/QĐ-TTg ngày 3/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số công ty con do Công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ có sự thay đổi như sau: Công ty cổ phần Công trình Viettel nhận thêm nhiệm vụ vận hành khai thác hệ thống mạng từ Công ty mẹ - Tập đoàn chuyển đến từ ngày 1/4/2017; Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel nhận thêm nhiệm vụ bán hàng viễn thông tại cửa hàng, điểm bán từ Công ty mẹ - Tập đoàn chuyển đến từ ngày 1/6/2018; trong quá trình tiếp nhận nhiệm vụ hoạt động sản xuất kinh doanh mới, có sự chuyển đổi loại hình lao động từ cộng tác viên sang lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và bổ sung tăng lao động theo yêu cầu nhiệm vụ.

Trong năm 2020, dự kiến sẽ thực hiện sáp nhập hai công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ và chuyển nhiệm vụ bán hàng viễn thông tại kênh điểm bán giữa các đơn vị của Tập đoàn sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Khi tiếp nhận thêm nhiệm vụ nêu trên thì tiền lương của các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới chưa tính trong đơn giá tiền lương đã được giao ổn định đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống. Mặt khác, việc thực hiện giao đơn giá tiền lương ổn định theo nguyên tắc quy định của Nghị định số 121/2016/NĐ-CP đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới này tại công ty con cũng không thực hiện được, vì: (i) không có số liệu quá khứ của giai đoạn 2011 - 2015 làm căn cứ giao ổn định đơn giá tiền lương; (ii) các hoạt động mới nhận có sự chuyển đổi dần từ cộng tác viên sang hợp đồng lao động và bổ sung dần lao động mới nên không thể xác định các chỉ tiêu về lao động, tiền lương ổn định của một năm làm gốc để giao đơn giá tiền lương ổn định cho các năm tiếp theo; (iii) hiện nay cũng bước vào năm cuối của giai đoạn thí điểm nên việc giao đơn giá ổn định tiền lương cũng không có ý nghĩa trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các công ty.

Từ thực tế nêu trên, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 121/2016/NĐ-CP để xác định tiền lương đối với người lao động tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới cho phù hợp, theo hướng không xác định đơn giá tiền lương mà xác định quỹ tiền lương thực hiện trên cơ sở tiền lương bình quân và số lao động bình quân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh mới tại các công ty con gắn với các điều kiện về hiệu quả và năng suất lao động.

Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung một khoản quy định về việc xác định quỹ tiền lương thực hiện đối với người lao động tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới phát sinh trong giai đoạn 2016 - 2020 tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ, tổng công ty, công ty con do Công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ như sau:

Trong giai đoạn 2016 - 2020, khi thực hiện mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội theo quy định của Thủ tướng Chính phủ mà công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ, các tổng công ty, công ty do Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải tiếp nhận nhiệm vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh mới từ Công ty mẹ thì việc xác định quỹ tiền lương thực hiện đối với người lao động tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới này như sau: Từ khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh mới tiếp nhận đến khi đủ năm tài chính theo quy định pháp luật, quỹ tiền lương thực hiện được xác định trên cơ sở số lao động thực tế sử dụng bình quân và mức tiền lương và thù lao bình quân của người lao động, cộng tác viên tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh đó ở Công ty mẹ khi chuyển giao sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội nắm giữ 100% vốn điều lệ, tổng công ty, công ty do Công ty mẹ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, trên cơ sở bảo đảm các điều kiện: hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được Đảng và Nhà nước giao; nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và có lợi nhuận. Sau khi đủ năm tài chính, quỹ tiền lương thực hiện hằng năm được xác định trên cơ sở số lao động thực hiện và mức tiền lương bình quân thực hiện tính theo chỉ tiêu năng suất lao động và lợi nhuận thực hiện so với năm trước liền kề theo quy định.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh