Đề xuất mở rộng hình thức hỗ trợ đối với người nghèo
- Dược liệu
- 21:47 - 30/01/2019
Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2018, Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững được bố trí kinh phí là 7.305 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đã giao cho các bộ, ngành, địa phương là 7.304,353 tỷ đồng, kinh phí còn lại chưa phân bổ là 0,647 tỷ đồng. Số chưa phân bổ này là kinh phí Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hỗ trợ cho 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Về bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ cơ bản cho người dân, dự toán ngân sách trung ương năm 2018 đã bố trí để thực hiện các chính sách an sinh xã hội khoảng 100.361 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã giao dự toán kinh phí thực hiện dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin là 31,4 tỷ đồng; giao dự toán kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin theo Quyết định số 153/QĐ-TTg là 215,86 tỷ đồng…
Theo Bộ Tài chính, Khoản 7 Điều 1 Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 quy định: thực hiện cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có hỗ trợ thuốc thú y (vắc xin) nhưng chỉ giới hạn cho các hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất…
Tuy nhiên, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (tại công văn số 805/VPCP-KTTH ngày 22/1/2018 của Văn phòng Chính phủ), việc tiêm phòng vắc xin được thực hiện đồng loạt cùng thời điểm cho toàn bộ gia súc, gia cầm được chăn nuôi tại địa bàn, không chỉ giới hạn ở gia súc, gia cầm tham gia dự án phát triển sản xuất và không bị trùng lặp về bố trí kinh phí giữa CTMTQG này và các chương trình mục tiêu, chương trình quốc gia khác đã được phê duyệt.
Do vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1722/QĐ-TTg để có cơ sở pháp lý sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2017/TT-BTC ngày 15/2/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng việc hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho hộ nghèo (trong đó có vắc xin) không chỉ giới hạn đối với các hộ tham gia dự án phát triển sản xuất mà mở rộng thêm hình thức hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình.