THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:28

"Quan tâm hỗ trợ trực tiếp người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19"

Gói 26.000 tỷ đồng:  Bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đưa ra nhiều giải pháp, chính sách cùng gói an sinh xã hội

9,1 triệu người bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 thứ 4, trong đó: 540.000 người đã mất hoặc thiếu việc làm; 19,2% cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, 21% hợp tác xã, liên doanh bị ảnh hưởng...

Tại Hội nghị Lao động Quốc tế diễn ra từ ngày 20/5 - 19/6 dưới hình thức trực tuyến, với chủ đề ưu tiên về "Việc làm trong bối cảnh Covid", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, chủ đề này cũng là những ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy thực hiện.

Ngay khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát trên thế giới và lan tới Việt Nam vào đầu năm 2020, Việt Nam đã thực hiện các giải pháp phòng, chống và kiểm soát đại dịch một cách quyết liệt.

Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách cùng với gói hỗ trợ an sinh xã hội đối với người dân, đặc biệt những đối tượng yếu thế, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, giữ việc làm cho người lao động.

Có thể kể đến như: Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng cho những đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 là người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, nhóm lao động tự do…

Đặc biệt, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020.

"Đây là hệ thống các gói giải pháp, chính sách khá đồng bộ, chưa từng có ở Việt Nam", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bên cạnh gói hỗ trợ chung của Chính phủ trên phạm vi cả nước, một số địa phương đã thông qua chính sách hỗ trợ cho người dân trên địa bàn.

Ví dụ điển hình là Đà Nẵng vào tháng 9/2020, ngoài kinh phí hỗ trợ những đối tượng hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đã thông qua chính sách hỗ trợ những đối tượng đặc thù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong tháng 8, 9/2020 bởi đợt dịch bùng phát trở lại vào cuối tháng 7/2020.

Hỗ trợ kịp thời, hiệu quả đúng đối tượng

Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ 4 đã tác động mạnh hơn đến nền kinh tế và đời sống việc làm của người lao động. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã nghiên cứu và trình Chính phủ dự thảo nghị quyết về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Sau khi được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, chiều 29/6, một trong những nội dung được thảo luận tại phiên họp Chính phủ là Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Dự thảo này bổ sung thêm nhiều nội dung mới so với Nghị quyết 42 năm 2020 của Chính phủ. Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 26.000 tỷ đồng.

Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan bám sát, thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị; tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ, trong đó bổ sung thêm đối tượng là lao động tự do. 

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, Nghị quyết này phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn. 

Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách. Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, làn sóng dịch lần thứ 4 ở nước ta "có yếu tố phức tạp, nhạy cảm mới và đặt ra những tình huống mới". Dịch lan trong cộng đồng, rất nhiều địa phương, trong đó có nhiều tỉnh, thành tập trung đông công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. 

Cụ thể, 60.000 người lao động trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, 40.000 lao động ở Bắc Ninh và 23.000 người lao động ở TP HCM, Bình Dương bị ảnh hưởng.

Trước khó khăn cấp bách, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất gói hỗ trợ mới trị giá hơn 26.000 tỉ đồng. Trong đó, các nhóm chính sách sẽ tập trung hỗ trợ trực tiếp người lao động và người sử dụng lao động. 

Chính phủ cũng giao Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đề xuất một số chính sách cấp bách trước mắt để hỗ trợ trực tiếp người lao động và người sử dụng lao động, tập trung vào 3 nhóm chính.

Nhóm thứ nhất là các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội; 

Nhóm thứ 2 là hỗ trợ trực tiếp nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu, không có khả năng lao động và không có khả năng phục hồi, đặc biệt là những người phải nghỉ việc, ngừng việc, giãn việc do yêu cầu của cấp thẩm quyền; 

Nhóm thứ ba là chính sách hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp trả lương, phục hồi sản xuất để đón đơn hàng khi quay trở lại.

THÀNH CÔNG 
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh