THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:18

Đề xuất học sinh hết lớp 9 có thể học thẳng lên trung cấp hoặc cao đẳng ngay

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân (đoàn Hà Nội)

 

Theo chương trình kỳ họp, ngày 15/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Đáng chú ý, đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều ý kiến cho rằng cần thực hiện phân luồng giáo dục hiệu quả trong thời gian sắp tới.

Phân luồng chưa gắn thực sự với việc đào tạo và giải quyết việc làm

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Quân (đoàn Hà Nội) quan tâm đến việc phân luồng trong giáo dục. Thứ trưởng khẳng định: “Đây là một nội dung chúng tôi đã đề xuất và Ban soạn thảo ủng hộ và đưa vào trong luật nhiều điểm mới”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng sẽ vướng rất nhiều trong quá trình triển khai, nếu không thực sự quan tâm đến phân luồng. Thứ trưởng cho biết, từ năm 2011 chỉ thị của Bộ Chính trị cũng như quyết định gần đây của Thủ tướng Chính phủ năm 2018 có nêu mục tiêu đến năm 2020, phải đạt 30% học sinh trung học cơ sở và học nghề và đến năm 2025 đạt mục tiêu 40%.

“Cho đến nay đánh giá thực tế mới chỉ đạt được khoảng 8-10% và có nhiều điểm sáng như một số địa phương như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Khánh Hòa, Gia Lai v.v... đạt tỷ lệ khá cao. Ví dụ, tại Vĩnh Phúc đạt tỷ lệ 25%, nhưng đa số các địa phương thì tỷ lệ này còn rất thấp, và việc phân luồng chưa gắn thực sự với việc đào tạo và giải quyết việc làm”, Thứ trưởng Lê Quân thẳng thắn.

Do đó, đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hà Nội Lê Quân cho rằng cần phải ưu tiên đầu tư hơn. Vì hiện nay, công tác phân luồng thu hút người vào học nghề chủ yếu phụ thuộc vào sự nỗ lực, lăn lộn của rất nhiều các trường nghề, đi từng thôn, bản, xóm, làng, huyện để tư vấn tuyển sinh và chính sách của chúng ta để định hướng và phân luồng chưa thực sự mạnh. Từ thực thế đó, Thứ trưởng kiến nghị cần phải ưu tiên về vấn đề phân luồng.

“Hiện nay, nếu các em học giỏi và đỗ vào cấp 3 thì các địa phương cũng rất chú trọng đến đầu tư vào trường chuyên, lớp chọn và các trường trung học phổ thông, nhưng ít quan tâm đến một đối tượng rất quan trọng, đó là các em hết 15 tuổi mà không có khả năng theo học trung học phổ thông thì phải vào học nghề”, Thứ trưởng Lê Quân nêu.

Cũng theo vị đại biểu đoàn Hà Nội Lê Quân, xu hướng trên thế giới là gia nhập thị trường lao động rất sớm. Nếu các em theo học phân luồng sớm, hết trung học cơ sở, lớp 9 vào học nghề thì 18, 19 tuổi, các em đã gia nhập thị trường lao động với mức lương 8-9 triệu như hiện nay và làm việc gần nhà, giải quyết rất nhiều vấn đề lao động, sau đó các em hoàn toàn có thể học liên thông 1, 2 năm để lấy bằng đại học.

“Đây là một mô hình rất thành công tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan, thậm chí các quốc gia phát triển như Pháp hay chúng ta gửi con em đi Anh thì không nhất thiết các em phải học xong lấy bằng phổ thông, các em có thể học những chứng chỉ và xác nhận, sau đó các em học tiếp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bộ LĐ-TB&XH thí điểm thành công mô hình học hết 9 năm lên cao đẳng

Theo Thứ trưởng Lê Quân, nếu giải quyết phân luồng tốt thì cũng như đang giải quyết vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu, chúng ta sẽ có một lực lượng lao động chất lượng, tăng cường lực lượng lao động sớm và để làm sao giải quyết đặc biệt là con em hộ nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số, các em sẽ vào học nghề và đi làm rất tốt.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng nhìn nhận, hiện nay chính sách phân luồng đang đi vào chính sách hành chính gặp rất nhiều khó khăn, khi mà trường trung học phổ thông tư thục cũng mở được nhiều, đại học mở cửa đầu vào nhưng không có rào cản kỹ thuật về học phí và các tiêu chí.

Từ thực tế hiện nay, Thứ trưởng Lê Quân đề nghị Điều 27 có thể mở ra là trung học cơ sở không chỉ học lên trung cấp mà học lên thẳng cao đẳng. Thứ trưởng đơn cử mô hình KOSEN thí điểm ở Việt Nam và mười mấy trường cao đẳng những năm vừa qua làm dẫn chứng cụ thể.

“Thời gian qua Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thí điểm mô hình học hết 9 năm lên học cao đẳng, như vậy chương trình 3-4 năm thiết kế tổng thể cả văn hóa cả kỹ năng nghề, các em 18-19 tuổi đúng Luật Lao động gia nhập thị trường và rất hiệu quả. Năm vừa rồi kết quả tuyển sinh vượt trội vì mô hình này”, Thứ trưởng thông tin cụ thể những kết quả đạt được này mà Bộ LĐ-TB&XH đã thí điểm thành công.

Do đó, đại biểu đoàn Hà Nội Lê Quân kiến nghị Điều 27 cho phép các em học hết trung học cơ sở có thể tham gia trung cấp hoặc học cao đẳng ngay, “khi đó chúng ta thiết kế chương trình sẽ đảm bảo phù hợp hơn”, Thứ trưởng đề xuất.

 

Về vấn đề phân luồng, đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh – (đoàn Long An) cũng cho rằng, chưa có sự phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Thực tế người học không có hướng đi lên cho dù là cao đẳng, vì muốn học lên cao đẳng còn cần có bằng tốt nghiệp phổ thông. "Do đó, nếu quy định như dự thảo luật sẽ giống như từ trước đến nay, tức là sau trung học cơ sở người học có thể đi vào trung học phổ thông, sau trung học phổ thông người học có xu hướng đi vào đại học", đại biểu nói.

Vì vậy, đi vào cao đẳng sau này sẽ rất khó học tiếp lên đại học do cấu trúc của 2 trình độ này khác nhau. Điều này có thể được xem là một trong những nguyên nhân tạo ra cơ cấu nguồn lực bất hợp lý, đó cũng là một trong những lý do cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội đã chất vấn rất nhiều về việc sinh viên tốt nghiệp đại học mà không có việc làm, gây lãng phí cho xã hội", đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh