THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:01

Đề xuất cấp bù 12,31% lương hưu cho lao động nữ nghỉ từ 1/1/2018

Chính phủ sẽ thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu với lao động nữ nghỉ hưu từ 1.1.2018.

 

Trước lo ngại khi tăng tuổi hưu, lao động nữ nghỉ hưu từ 2018 bị thiệt so với người nghỉ trước và lao động nam, Bộ LĐ-TB&XH vừa đưa ra Dự thảo về nghị định về việc điều chỉnh lương hưu cho số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 để lấy ý kiến. Theo đó, Dự thảo nghị định quy định mức điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 và có mức lương hưu thấp hơn so với người có cùng số năm đóng BHXH bắt đầu hưởng lương hưu trong năm 2017.

Đây cũng là phương án nhằm bảo đảm hài hòa với lộ trình điều chỉnh cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của nam giới bắt đầu hưởng lương hưu tại cùng thời điểm.

Theo dự thảo được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2021 nếu có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng BHXH sẽ được bù một khoản tiền vào lương (sau năm 2021 sẽ không điều chỉnh cấp bù lương hưu).

 

Theo cách tính này, lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 có thời gian đóng BHXH từ 20 năm trở lên sẽ có mức điều chỉnh khác nhau, tùy thuộc vào số năm đóng (mỗi bậc chênh nhau 6 tháng), và mức cấp bù giảm dần tới năm 2021. Mức cấp bù cao nhất là 12,31%, thấp nhất 0,27%.

Cụ thể, nếu lao động nữ nghỉ hưu có 20 năm đóng BHXH, nghỉ năm 2018 sẽ được tăng thêm lương 7,27%, nghỉ năm 2019 tăng thêm 5,45%, nghỉ năm 2020 tăng thêm 3,64%, nghỉ năm 2021 tăng thêm 1,82%.

Tương tự, nếu lao động có 22 năm 7 tháng tới 23 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2018 sẽ được tăng thêm 10,49% lương hưu; năm 2019 tăng 7,87%; năm 2020 tăng 5,25%; năm 2021 tăng 2,62%;

Thời gian đóng BHXH là 24 năm 7 tháng sẽ được tính mức tăng thêm cao nhất. Đó là, nghỉ hưu năm 2018 được tăng thêm 12,31% tiền lương hưu; năm 2019 thêm 9,23%; năm 2020 thêm 6,15%; năm 2021 sẽ là 3,08%.

Lao động có 26 năm 7 tháng - 27 năm đóng BHXH, nghỉ hưu năm 2018 tăng thêm 6,96% lương hưu; nghỉ năm 2019 tăng 5,22%; năm 2020 tăng 3,48% và năm 2021 tăng 1,74%.

Khoản cấp bù trên vẫn được thực hiện sau khi điều chỉnh tăng lương hưu với tất cả nhóm đối tượng từ ngày 1/7/2018, và người nghỉ hưu được truy lĩnh những tháng chưa được tính bù. Toàn bộ tiền cấp bù lương được lấy từ Quỹ BHXH.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Nghị định có hiệu lực từ 1/10/2018, người lao động được truy lĩnh những tháng chưa được cấp bù.

 

Theo luật BHXH, từ 1/1/2018, lao động nữ nghỉ hưu muốn hưởng mức lương hưu tối đa (bằng 75% lương đóng BHXH) phải tăng thêm 5 năm đóng BHXH (từ 25 năm lên 30 năm ngay lập tức), trong khi áp dụng với nam theo lộ trình tăng dần tới năm 2021. Điều này khiến lao động nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 bị giảm mức lương so với người nghỉ trước đó từ 1-10%, và giảm so với nam từ 1-2%.

Tính toán của BHXH Việt Nam cho thấy, số lao động nữ nghỉ hưu chịu thiệt thòi khoảng 91.100 người.

Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ 1/1/2018 - 31/12/2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu.

Thực hiện theo phương án điều chỉnh nêu trên, giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021, mỗi năm sẽ phát sinh thêm nhu cầu kinh phí. Cụ thể, năm 2018 phát sinh thêm 27,8 tỉ đồng; năm 2019 là 23,7 tỉ đồng; năm 2020 là 18,1 tỉ đồng; năm 2021 là 10,3 tỉ đồng. Tổng cộng, số tiền phát sinh thêm là khoảng 80 tỉ đồng. Chính phủ dự kiến nguồn kinh phí điều chỉnh do Quỹ BHXH đảm bảo.

GIANG ĐÔNG (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh