Đề xuất ngân sách hỗ trợ 700 tỷ đồng/năm tham gia bảo hiểm tai nạn lao động
- Bài thuốc hay
- 15:51 - 17/08/2017
Hiện trường một vụ TNLĐ sập cần cẩu tháp ở Hà Nội.
Đây là một trong những nội dung của dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động mà Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến hoàn thiện trình Chính phủ.
Khu vực bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu nhập, tiền lương người lao động không cố định nên Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mức đóng thiết kế mức đóng cố định như nhau với mọi đối tượng, dự kiến mức đóng hằng tháng với mỗi người lao động là 4% mức lương cơ sở. Các chế độ bảo hiểm tự nguyện về tai nạn lao động cũng được xác định theo mức lương cơ sở.
Theo thống kê bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2016, trong một năm, mức đóng bình quân một người là 482.400 đồng, tương đương mỗi tháng khoảng 3,3% mức lương cơ sở.
Dự thảo quy định bốn phương thức đóng cho người lao động lựa chọn là 1 tháng, 3 tháng , 6 tháng, 12 tháng. Quy định này dựa trên cơ sở tham khảo quy định đối với đối tượng tham gia chế độ bảo hiểm tự nguyện hưu trí, tử tuất.
Dự thảo quy định 7 chế độ mà người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng gồm: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; chế độ trợ cấp một lần, hằng tháng, phục vụ; hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; dưỡng sức và phục hồi sức khỏe; hỗ trợ chi phí y tế; hỗ trợ thông tin phòng ngừa tai nạn lao động.
So với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, các chế độ của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động được kết cấu tương tự 4 chế độ, bổ sung mới 1 chế độ và sửa đổi 2 chế độ.
Dự thảo tiếp tục được lấy ý kiến đến hết ngày 24/9.