THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:39

Để tiếng cồng, chiêng Mường vang mãi

Độc đáo cồng, chiêng Mường

Không thể phủ nhận văn hoá Mường được tạo dựng trên nền văn minh nương rẫy kết hợp văn minh lúa nước nên cồng, chiêng không chỉ đóng vị trí quan trọng trong kho tàng nghệ thuật âm nhạc mà còn cả trong đời sống tâm linh của người Mường.

Khác với cồng, chiêng của dân tộc Ê Đê hay một số dân tộc thiểu số khác ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, bộ cồng chiêng của người Mường từ chiếc nhỏ nhất đến lớn nhất đều là loại có núm. Một dàn cồng, chiêng Mường thường có 12 chiếc biểu thị cho 12 tháng trong năm, giao hoà cả 4 mùa xuân - hạ - thu đông. Người Mường thường sử dụng cồng chiêng trong các dịp hội hát sắc bùa, lễ cưới, lễ tang, đi săn, mừng cơm mới… Với mỗi nghi lễ, người Mường lại sử dụng cồng chiêng theo cách khác nhau. Theo một nghệ nhân ở tỉnh Hoà Bình cho biết, cồng chiêng của người Mường thường được đúc bằng đồng, có pha một chút kim loại quý nên khi gióng lên thường phát ra tiếng ấm, rền hoặc trong, độ ngân dài, vang xa. Chiêng chỉ treo ở những nơi cao ráo, sang trọng trong nhà và không bao giờ úp sấp chiêng xuống vì làm như vậy sẽ khiến chiêng bị lạc âm.

7

Cũng như cồng chiêng của dân tộc Mường ở một số tỉnh ở miền Bắc Việt Nam. Cồng chiêng của người Mường ở Phú Thọ vừa là một vật thiêng vừa là nhạc cụ truyền thống đặc sắc, gắn bó với mỗi cá nhân trong cộng đồng người dân tộc Mường từ khi lọt lòng mẹ đến khi qua đời. Người Mường ở Phú Thọ phân biệt cồng là loại có núm để gõ ở chính giữa; còn chiêng là loại khôn có núm. Cồng chiêng đều là một nhạc cụ truyền thống không thể thiếu được trong cuộc đời mỗi con người thuộc cộng đồng dân tộc Mường. Cồng chiêng được sử dụng trong các dịp lễ tết dân tộc, trong việc vui như đón tết Nguyên Đán, đám cưới, việc buồn như đám ma. Trước kia, cồng chiêng còn được dùng làm hiệu lệnh trong các phường săn, bắt chim thú. Vì vậy, trong các gia đình người dân tộc Mường xưa kia cũng như hiện nay, nhà nào cũng phải sắm cho nhà mình một vài chiếc cồng chiêng. Cồng chiêng được coi là những vật báu tượng trưng cho sự giàu có, sang trọng của mỗi gia đình người Mường.

Ngoài ý nghĩa về âm nhạc, cồng chiêng còn phản ánh ý nghĩa về nhân sinh quan vũ trụ của người Mường thể hiện về số lượng của bộ cồng chiêng có đủ 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm (cách nhìn nhận vũ trụ thông qua lịch mặt trăng với 12 tháng âm lịch. Họ quan niệm một năm là sự giao thoa của bốn mùa thời tiết để bắt đầu từ con số 1. Sự giao thoa của từng chiếc cồng chiêng âm hưởng của 12 tháng Vì vậy, một bộ cồng chiêng đầy đủ là 12 chiếc, nhưng nếu không đầy đủ vẫn có thể ít nhất bộ ấy phải có từ 4 - 5 chiếc trở lên.

Cách thức thể hiện lối đánh cồng chiêng của người Mường ở Phú Thọ về cơ bản không khác với cách thức đánh cồng chiêng của người Mường ở Hoà Bình, Thanh Hoá, Ninh Bình. Điều này chứng tỏ văn hoá cồng chiêng của dân tộc Mường có thể cùng chung một nguồn gốc phát tích, bởi người Mường có rất nhiều điểm tương đồng về đời sống vật chất và tinh thần từ khi hình thành cho đến nay.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Mường

Trong số hơn 1,7 triệu đồng bào Mường đang sinh sống trên khắp đất nước, trung bình chỉ có 120 người sử dụng một chiếc cồng chiêng. Điển hình như ở Hoà Bình, nơi được coi là cái “nôi” của người Mường hiện chỉ còn khoảng 4.000 chiếc cồng. Cùng với sự mất mát về số lượng, cồng chiêng ngày càng bị mai một về giá trị. Cồng, chiêng ngày càng hiếm đã kích thích các tay săn tìm đồ cổ buôn bán, đổi chác.

Trước nạn “chảy máu” cồng chiêng, ở nhiều thôn bản, người Mường vẫn ra sức bảo tồn và sưu tầm vật báu của dân tộc mình. Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cồng chiêng, một yếu tố vô cùng quan trọng có ý nghĩa quyết định đó là nhân tố con người. Các nghệ nhân dân gian cao tuổi đang nắm giữ nghệ thụât diễn tấu cồng chiêng là những "Báu vật sống" sẽ là người trao truyền nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng theo nghệ thuật dân gian đã được bảo lưu trong trí nhớ của các nghệ nhân. Có thể nói, không có nghệ nhân dân gian thì không có nghệ thuật trình diễn cồng chiêng. Các nghệ nhân sẽ là nhân tố đóng góp tích cực đối với công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng.

Trước thực trạng đó, việc bảo tồn, phát triển văn hóa cồng, chiêng Mường trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để bảo tồn cồng, chiêng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, quảng bá những giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa Mường để mỗi người dân có ý thức gìn giữ và phát huy.

Nguyễn Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh