THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:06

Để thực hiện quyền trẻ em, cần ưu tiên lập kế hoạch và ngân sách dành cho trẻ em

Phát biểu tại hội thảo "Trao đổi thông tin và kinh nghiệm về các ưu tiên cho trẻ em trong lập ngân sách tại các bộ, ngành liên quan" do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với UNICEF vừa tổ chức, tại Hà Nội, ông Tạ Văn Hạ - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, hàng năm, ngân sách nhà nước đã bố trí kinh phí để thực hiện quyền của trẻ em thông qua các chính sách, chương trình, đề án và bố trí trong chi hoạt động thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương theo lĩnh vực và theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, trong đó có một số chính sách, chương trình, đề án lớn như đảm bảo quyền được giáo dục, học tập; quyền được chăm sóc, bảo vệ....

Để thực hiện quyền trẻ em, cần ưu tiên lập kế hoạch và ngân sách dành cho trẻ em - Ảnh 1.

Cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho trẻ em.

Tuy nhiên, theo ông Hạ, phân bổ ngân sách đầu tư bị phân tán ở việc xây dựng và triển khai chương trình, đề án, dự án; lĩnh vực trẻ em liên quan nhiều bộ, ngành và nhiều cấp. Điều đó dẫn đến chưa có số liệu chính xác về chi tiêu công cho trẻ em, chưa có đầu mối chính chịu trách nhiệm việc chính theo dõi thống kê, tổng hợp, phân tích, đánh giá tổng nguồn lực của nhà nước (trung ương và địa phương) dành cho trẻ em và công tác trẻ em hàng năm, theo giai đoạn là bao nhiêu (tỷ trọng % so với tổng chi ngân sách quốc gia).

Cũng theo ông Hạ, gần đây theo chia sẻ của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hai bộ đã gặp khó khăn trong việc tổng hợp chi ngân sách nhà nước cho công tác phòng chống xâm hại trẻ em, đặc biệt ở cấp địa phương (chỉ nhận được số liệu từ 27/63 tỉnh, thành phố theo yêu cầu).

Khuyến nghị một số giải pháp phân bổ ngân sách cho trẻ em giai đoạn 2021 - 2025, ông Hạ cho rằng, cần xây dựng chỉ số đánh giá, giám sát mức độ ưu tiên bố trí nguồn lực, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó, hình thành dòng ngân sách bảo vệ trẻ em tương ứng với ngân sách cho trẻ em trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, thể thao. Dòng ngân sách này bao gồm: chi bảo trợ xã hội cho các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chi hoạt động dịch vụ công về bảo vệ trẻ em... Hướng dẫn hoặc quy định tỷ lệ phân bổ ngân sách địa phương cho trẻ em trong tổng số chi tiêu công của địa phương (không bao gồm nguồn hỗ trợ, bổ sung từ trung ương).

Ngoài ra, có giải pháp thống kê, tổng hợp, theo dõi tiến tới phân tích, đánh giá hiệu quả tỷ lệ bố trí NSNN dành cho lĩnh vực trẻ em trong tổng chi ngân sách hàng năm và giai đoạn thông qua việc củng cố cơ chế điều phối liên ngành (trách nhiệm của từng bộ, ngành và cơ quan đầu mối).

Còn theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), các bộ, ngành, địa phương cần nhận thức rõ về các quyền trẻ em, đặc biệt lưu ý đến các vấn đề ưu tiên của trẻ em khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và trong công tác phân bổ nguồn lực ngân sách của ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Cùng với đó, Quốc hội cần tăng cường chỉ đạo, giám sát các bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, xác định các nội dung, mục tiêu và chỉ tiêu ưu tiên về trẻ em nói chung, trong đó có mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh