THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:09

Để phá thế thống trị của Google, Microsoft vừa thực hiện một bước đi từng suýt hãng này phải tách làm đôi vào 20 năm trước

Trong một bước đi chắc chắn đã khiến nhiều người tức giận, Microsoft đã tiến hành tự động cài đặt trình duyệt Edge nhân Chromium theo bản cập nhật mới nhất dành cho Windows. Không chỉ đột nhiên xuất hiện trên PC của người dùng, trình duyệt này còn được đưa vào thanh taskbar và thậm chí còn xuất hiện mỗi khi người dùng mở trang web mới ngay bên dưới trình duyệt đã được chọn làm mặc định.

Các tín đồ công nghệ lâu năm chắc chắn sẽ giật mình trước bước đi này của Microsoft. Gần 20 năm trước, Microsoft đã suýt bị tách làm đôi chỉ vì cài đặt sẵn Internet Explorer theo Windows.

 - Ảnh 1.

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1992, khi Windows đã bắt đầu chiếm thế thượng phong trước MacOS của Apple. Ngay sau khi công ty của Bill Gates trở thành "gã khổng lồ phần mềm" mặc định của thế giới, các cơ quan của chính phủ Mỹ như Bộ Tư Pháp và Bộ Thương mại Liên bang đã bắt đầu mở những cuộc điều tra chống độc quyền vào công ty này. Năm 1994, Microsoft bị cấm bán kèm các sản phẩm phần mềm bên ngoài với Windows. Năm 1995, với Windows 95, Microsoft lách luật bằng cách tích hợp thẳng Internet Explorer 3.0 và chống chế rằng đây là một "tính năng" của Windows, chứ chẳng phải là một sản phẩm.

Việc nắm trong tay một hệ điều hành mặc định đã giúp cho Microsoft nhanh chóng trở thành một đối thủ trên thị trường trình duyệt, vốn đang do Netscape (tiền thân của Mozilla) làm chủ. Một cuộc chiến gay gắt mở ra giữa 2 đối thủ cạnh tranh. Microsoft có 2 vũ khí chính: vị trí mặc định trên Windows và một loạt các tính năng sáng tạo đi trước thời đại. Ít ngời nhớ được rằng, nếu không có Internet Explorer, người dùng ngày nay sẽ không được tận hưởng các tính năng "động' trên trang web.

Song, dù có sáng tạo đến đâu thì vũ khí mạnh mẽ nhất của Microsoft vẫn là Windows. Trong bối cảnh người dùng thập niên 90 vẫn chưa thực sự thành thạo với PC, và khi Microsoft đang ở giai đoạn cực thịnh đến mức sẵn sàng cung cấp IE miễn phí cho mọi đối tượng khách hàng (Netscape không làm vậy, thị phần Internet Explorer nhanh chóng vươn lên mức áp đảo. Khi Internet Explorer 5 được phát hành cho Windows 98 vào tháng 3/1999, quá nửa thị trường trình duyệt đã nắm trong tay Táo.

 - Ảnh 2.

Hiển nhiên, chính phủ Mỹ không để cho Microsoft có thể dễ dàng lạm dụng vị thế độc quyền. Tháng 5/1998, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ khởi kiện Microsoft vì hành vi "đè bẹp các đối thủ một cách trái phép". Các nạn nhân được kể đến bao gồm Netscape, Apple, Linux và nhiều cái tên khác. Người bạn thân Intel thậm chí còn đâm lén gã khổng lồ phần mềm: phó chủ tịch Intel làm chứng trước tòa rằng phó chủ tịch Microsoft đã từng tuyên bố sẽ "dập tắt" và "siết cổ" Netscape bằng cách bán miễn phí một sản phẩm copy từ trình duyệt này (Internet Explorer).

Microsoft hiển nhiên đã thực hiện nhiều hành động đáp trả, nổi bật nhất là khoản đầu tư 150 triệu USD vào đối thủ Apple khi đó đang gặp khó. Song, những bước đi này không thể giúp cho gã khổng lồ phần mềm tránh được thất bại ban đầu: ngày 5/11/1999, thẩm phán tại Tòa án Quận DC (thủ đô nước Mỹ) tuyên bố Microsoft đã thực hiện hành vi độc quyền, vi phạm khoản 1 và 2 của bộ luật chống độc quyền Sherman. Đầu năm 2000, tòa án DC ra quyết định yêu cầu Microsoft phải tách làm đôi, 1 công ty sản xuất hệ điều hành và 1 công ty sản xuất các phần mềm khác.

Sau này hồi tưởng lại, Bill Gates cho biết ông và người kế nhiệm Steve Ballmer đã từng lo lắng tới mức suýt nữa rời bỏ công ty. "Này, nếu họ thực sự phá nát công ty của chúng ta ra, nếu họ chia cắt công ty theo một cách vô lý đến vậy…", nhà sáng lập Microsoft kể lại về suy nghĩ u ám của mình với tờ Washington Post.

 - Ảnh 3.

May mắn cho Microsoft, đơn kháng án của công ty này lên tòa phúc thẩm tại DC cũng như tòa tối cao tại Mỹ đã thành công. Chỉ khoảng hơn 1 năm sau, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và Microsoft quyết định ngừng vụ kiện tụng lâu năm này lại và thực hiện hòa giải. Các điều khoản mà Microsoft phải chấp thuận bao gồm: cam kết cho phép dễ dàng thay thế ứng dụng Windows mặc định bằng sản phẩm cạnh tranh và cam kết không trói buộc các đối tác phần cứng vào Windows qua các điều khoản trừng phạt hay định giá không công bằng.

Cuối cùng, "hình phạt" dành cho công ty của Bill Gates chỉ như muối bỏ bể. Microsoft vẫn tiếp tục là công ty công nghệ số 1 thế giới. Song, chính "chiến thắng" này lại là cái kết có hậu cho các đối thủ của Microsoft. Năm 2000, giữa đỉnh điểm của vụ kiện, Bill Gates nhường lại ghế cho người bạn lâu năm Steve Ballmer. Dưới thời Steve Ballmer, Microsoft trở thành một gã khổng lồ quá ngạo mạn. Sau Windows XP, Windows Vista ra mắt với chất lượng thảm họa. Những cuộc cách mạng di động liên tiếp nổ ra, và Microsoft luôn là kẻ thất bại. Internet Explorer có lúc mất tới 6 tháng không được cập nhật và trở thành miếng mồi ngon cho hacker. Năm 2008, Google vén màn Chrome và 8 năm sau đó truất ngôi của Internet Explorer.

Bước đi mới thực hiện cùng Edge cho thấy Microsoft đã thất thế đến thế nào trong cuộc chiến trình duyệt. Trong vòng 5 năm trời, phiên bản Edge do Microsoft không thể đe dọa nổi tới người anh Internet Explorer chứ đừng nói tới Chrome. Năm ngoái, Microsoft tuyên bố chuyển sang dùng Chromium, một bước đi có thể coi là "chấp nhận tủi nhục" trước Google.

 - Ảnh 4.

Đúng vậy, Microsoft ngày nay có thể thực hiện bước đi "độc quyền" của ngày nào vì Microsoft đã không còn là nắm thế thượng phong trong cuộc chiến trình duyệt nữa. Tại thời điểm đưa Edge "mới" lên Windows 10, thị phần cộng gộp của Microsoft (Edge và IE) chỉ vỏn vẹn 13%, bằng 1/5 của Google.

Nhưng 25 năm trước, rất lâu trước khi thống trị đến mức suýt phải tách làm đôi, Microsoft cũng từng là kẻ thách thức. Microsoft đã đánh bại Netscape bằng những sáng tạo công nghệ vượt trội chứ không chỉ là thị phần của Windows. Phiên bản Edge của ngày hôm nay thậm chí còn tốt hơn Chrome "chính chủ" trên khía cạnh quản lý RAM và thời lượng pin.

Và Microsoft vẫn đang làm chủ thị trường hệ điều hành PC. Microsoft thống trị khối khách hàng doanh nghiệp. Trị giá thị trường của Microsoft ngang ngửa với gã khổng lồ số 1 là Apple, và cả 2 đều bỏ xa Google. Liệu câu chuyện xưa cũ có thể lặp lại?

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh