Để người nghèo bình yên trong ngôi nhà mơ ước
- Dược liệu
- 09:36 - 25/11/2023
A Lưới là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất và cũng là nơi có số lượng nhà tạm cần xoá cao nhất tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong giai đoạn 2021 - 2022, huyện A Lưới có 3.959 hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở để bảo đảm nơi ở ổn định. Tính từ năm 2022 đến nay, từ nguồn kinh phí của các Chương trình MTQG và các nguồn tài trợ, ủng hộ khác, A Lưới đã phê duyệt hỗ trợ nhà ở cho 2.351 hộ nghèo. Số hộ cần hỗ trợ còn lại 1.608 hộ, A Lưới phấn đấu hoàn thành trong năm 2024 - 2025.
Điển hình như trường hợp của gia đình ông Trần Xuân Dơ hay hộ bà Hồ Thị Bưởi, ở thôn Đụt - Lê Triêng 2 (xã Hồng Trung, huyện A Lưới), là 2 số nhiều hộ hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà ở thuộc diện hộ nghèo năm 2023 theo Quyết định 2634/QĐ-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Được biết, ngoài kinh phí 40 triệu đồng theo quy định, các hộ nghèo này còn được hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/nhà xây mới từ nguồn ngân sách địa phương. Đến nay, sau thời gian thi công, công trình đã cơ bản hoàn thành và đã được giải ngân 100% vốn hỗ trợ, qua đó giúp người dân có nơi ở ổn định để tập trung phát triển sinh kế, hướng tới thoát nghèo bền vững.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 11.735 hộ nghèo, trong đó có 3.059 hộ nghèo thiếu hụt về chất lượng nhà ở (hộ gia đình đang sống trong ngôi nhà/căn hộ thuộc loại không bền chắc); có 4.693 hộ nghèo có diện tích nhà ở bình quân đầu người chưa đạt chuẩn (diện tích nhà ở bình quân đầu người nhỏ hơn 8m2). Do đó, để giảm nghèo một cách bền vững và đa chiều, việc giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là nhà ở rất cần được quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng và đang triển khai Đề án “Xóa nhà tạm cho hộ nghèo”. Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà xây mới và 20 triệu/nhà sửa chữa, Thừa Thiên Huế còn hỗ thêm từ nguồn huy động hợp pháp khác.
Cụ thể, để xoá nhà tạm cho hộ nghèo, ngoài nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực, như: từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện; quỹ hỗ trợ vì người nghèo và các quỹ khác hay nguồn xã hội hóa. Một trong những “kênh” huy động nguồn vốn để giúp xây nhà cho hộ nghèo đã được tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện rất thành công, đó là thông qua “Diễn đàn Tennis Doanh nhân Sài Gòn”. Thông qua giải Tennis từ thiện, vào năm 2022, Ban Tổ chức đã hỗ trợ xây dựng nhà cho 11 hộ nghèo tại Thừa Thiên Huế, với mức 60triệu đồng/nhà. Đến nay, tất cả các ngôi nhà được hỗ trợ đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Đến năm 2023 này, một loạt các địa phương tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phối hợp tổ chức các giải thể thao nhằm quyên góp quỹ xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như giải quần vợt huyện Phú Lộc mở rộng năm 2023 với chủ đề “Chung tay vì người nghèo”, đã quyên góp được hơn 3 tỷ đồng. Hay giải tennis từ thiện vì người nghèo huyện Phú Vang, cũng đã quyên góp được khoảng 1 tỷ đồng; giải Tennis từ thiện Phong Điền mở rộng lần thứ 10/2023, đã vận động và quyên góp được trên 750 triệu đồng. Thông qua giải này, Ban tổ chức sẽ dành toàn bộ kinh phí để trao tặng nhà tình thương; chăm lo cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh nghèo hiếu học, giúp người nghèo phát triển sinh kế.
Ngoài ra, các địa phương tạitỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam”, do Chính phủ Việt Nam, Quỹ Khí hậu xanh và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tài trợ để xây dựng nhà an toàn cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn ở vùng ven biển, đầm phá, khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai.
Cũng nhờ nguồn tài trợ này mà trong những ngày lụt tháng 10/2023, gia đình ông Nguyễn Lợi và bà Hồ Thị Bầm (cùng 59 tuổi, trú tại xóm Đảo, thôn Thủ Lễ 2, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế), thuộc diện hộ nghèo bảo trợ xã hội đã được an toàn trong ngôi nhà phòng, chống thiên. Ông Lợi và cô con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thanh (22 tuổi) cùng bị mù bẩm sinh; trong khi đó bà Bầm cũng một mắt sáng, một mắt mờ. “Những năm trước khi chưa có ngôi nhà an toàn này, cứ mỗi khi xảy ra mưa, bão, lũ lụt là cả nhà lại phải khăn gói áo quần để sơ tán đến nơi cao ráo ở tạm. Từ khi được nhà nước hỗ trợ, bà con giúp đỡ xây nhà này, chúng tôi đỡ lo lắng hơn, như mấy hôm nay, khi nước dâng cao thì cả nhà đưa đồ ăn thức uống lên tầng 2 ở trên đó đợi nước rút, cuộc sống của gia đình cũng ổn định hơn”, ông Lợi chia sẻ.
Không riêng gì gia đình ông Lợi, từ năm 2018 đến nay, toàn huyện Quảng Điền có 486 hộ hoàn thành xây dựng nhà ở an toàn. Những ngôi nhà an toàn của các hộ nghèo tại Quảng Điền đã cho thấy hiệu quả, tầm quan trọng, giúp bà con ứng phó với sự biến đổi ngày càng khốc liệt của thiên tai, đồng thời thay đổi bộ mặt nông thôn mới, giúp người dân có điều kiện an tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.