Để người cao tuổi được cống hiến cho xã hội
- Dược liệu
- 01:38 - 10/10/2019
Lực lượng lao động là người cao tuổi đạt mức 4,78 triệu người
Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, trong số hơn 11 triệu người cao tuổi cả nước hôm nay có hàng ngàn cụ bà đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý "Mẹ Việt Nam Anh hùng"; hàng ngàn người cao tuổi là Anh hùng LLVT Nhân dân, Anh hùng Lao động; hàng ngàn người cao tuổi là lão thành cách mạng, người có công với nước; nhiều người cao tuổi là đại biểu Quốc hội, tham gia công tác Đảng, chính quyền, công tác Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội ở các cấp; nhiều người cao tuổi là già làng, trưởng bản, người làm kinh tế giỏi, người có uy tín trong gia đình, cộng đồng, là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.
"Hội thảo sẽ góp phần nâng cao nhận thức, đánh giá đúng vai trò của Hội người cao tuổi và người cao tuổi trong xã hội, trên cơ sở đó tiếp tục phát huy vai trò to lớn của người cao tuổi trong hệ thống chính trị hiện nay. Cụ thể, tập trung đánh giá khách quan, đầy đủ vai trò và những đóng góp của Hội người cao tuổi và người cao tuổi trên một số lĩnh vực: Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể ở cơ sở; gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc; tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; công tác khuyến học, khuyến tài; góp phần giữ gìn bảo vệ an ninh biên giới, biển, đảo của Tổ quốc; tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Kiến nghị với Đảng, Nhà nước về chính sách phù hợp, cụ thể để Hội người cao tuổi, người cao tuổi phát huy được vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình, xứng đáng là mái ấm của người cao tuổi, tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người cao tuổi", bà Chuyền nhấn mạnh.
Tại hội thảo, nói về người cao tuổi, nguồn lực quan trọng của đất nước hiện nay, bà Nguyễn Thị Vinh Hà, Viện khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, thực tế phần đông người cao tuổi, nhất là nhóm người cao tuổi còn khả năng lao động và nhóm người cao tuổi có chuyên môn kỹ thuật trình độ cao, vẫn tham gia lao động tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, tăng thu nhập cho gia đình. Kết quả thống kê năm 2018 cho thấy, lực lượng lao động là người cao tuổi đạt mức 4,78 triệu người, chiếm 8,67% trong tổng lực lượng lao động cả nước.
Bên cạnh đó, người cao tuổi vẫn đang đóng góp tích cực vào đời sống xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, ổn định xã hội và tăng cường công tác quản lý, thực thi các chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương. .
Có thể thấy rằng, người cao tuổi được xã hội đánh giá thực sự là một nguồn lực quý chứ không phải là một gánh nặng cho xã hội. Một bộ phận lớn người cao tuổi, nhất là ở độ tuổi 60-69, thậm chí đến 75 tuổi vẫn mong muốn được tiếp tục cống hiến, nhất là nhóm có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
Chia sẻ về việc phát huy vai trò người cao tuổi trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, theo ông Đoàn Ngọc Báu, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng, người cao tuổi là bộ phận rất quan trọng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là trong đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hải đảo. Người cao tuổi là những người có uy tín, có ảnh hưởng rộng rãi để giáo dục, vận động gia đình, dòng họ và trong cộngđồng dân cư tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia.
"Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", những năm qua, đã được các cấp Hội Người cao tuổi triển khai thực hiện rộng khắp, mang lại hiệu quả thiết thực; nhất là trong giáo dục động viên con cháu, dòng họ và nhân dân tham gia, đồng thời người cao tuổi các địa phương còn chủ động,trực tiếp tuyên truyền về lịch sử đường biên giới, vùng biển của Tổ quốc, tham gia giải thích, đấu tranh để khẳng định chủ quyền…
.
Về những đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ cao tuổi đối với đất nước được PGS.TS. Nguyễn An Lương, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ cao tuổi là lớp người có trình độ học vấn và chuyên môn, nghề nghiệp cao, có bề dày kinh nghiệm trong công việc và đời sống xã hội, có những đóng góp quý báu cho đơn vị, địa phương, ngành nghề nơi họ đã làm việc. Không ít trí thức KH&CN cao tuổi mong muốn được tiếp tục làm việc, cống hiến không vì mục đích kinh tế, mà vì tâm huyết với nghề nghiệp, muốn được tiếp tục với sự nghiệp mà họ đã theo đuổi suốt cuộc đời, họ không muốn nghỉ ngơi thụ động mà muốn hoạt động và rèn luyện trí óc cho tuổi già không bị trì trệ với triết lý sâu sắc "tôi tư duy, nên tôi tồn tại".
Để người cao tuổi được cống hiến, đóng góp có ích cho xã hội
Để phát huy vai trò nguồn lực người cao tuổi trong phát triển xã hội già hóa tích cực, bà Nguyễn Thị Vinh Hà cho rằng, cần tạo cơ hội và khuyến khích người cao tuổi tham gia đầy đủ vào các hoạt động của cộng đồng, xã hội nhằm phát huy và tận dụng tốt vốn sống, kinh nghiệm cũng như những giá trị cao đẹp ở người cao tuổi. Tăng cường năng lực hoạt động của hệ thống tổ chức Hội người cao tuổi từ cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã, thôn đã được hình thành trong việc huy động sự tham gia của người cao tuổi vào các hoạt động cộng đồng.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị cần có sự quan tâm và có biện pháp để nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ cao tuổi, có sự chỉ đạo cụ thể, kể cả đề ra các cơ chế, các chế độ để cho trí thức Khoa học và Công nghệ cao tuổi được tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ của mình cho đất nước. Cần có chủ trương, biện pháp cụ thể động viên, khuyến khích để họ tiếp tục được cống hiến, đóng góp có ích cho xã hội. Nhiều người trong họ, nhất là các trí thức cao tuổi có trình độ cao, là những chuyên gia giỏi, những nhà Khoa học và công nghệ đầu ngành đang còn dang dở các công trình nghiên cứu, các thế hệ học trò đang đào tạo, các sách, tài liệu chưa viết xong … nên họ rất mong Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho họ tiếp tục tâm nguyện của mình cho xã hội.