CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:16

Chuyện về Đại biểu Quốc hội đặc biệt nhất

 

Tên thật của ông là Vừ Mí Kẻ. Mảnh đất Hà Giang - nơi địa đầu Tổ quốc, trước khi có sự ra đời của Đảng cũng như đến mãi tận sau này (vào những năm 1946 - 1947) vốn được mệnh danh là miền đất dữ. Giặc Tưởng thì lũng đoạn, Pháp luôn thao túng, các thế lực phản động luôn nhũng nhiễu. Vào lúc "vua Mèo" Vương Chí Sình đang vượng, thì Vừ Mí Kẻ mới ra đời. Chẳng ai có thể ngờ rằng sau này, cậu bé con nhà nghèo, người nhỏ thó ấy lại có thể trở thành một đảng viên trung kiên có nhiều đóng góp cho cách mạng, trong đó có việc thu phục “vua Mèo” Vương Chí Sình về với cách mạng.

Ông Vừ Mí Kẻ, sinh năm 1929, tại Sà Phìn (huyện Đồng Văn, Hà Giang) trong một gia đình có ba anh em. Nhà ông ngày ấy nghèo lắm! Chưa đầy 5 tuổi bố ông mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời. Mất đi trụ cột chính, nhà đã nghèo lại càng nghèo hơn. Thiếu thốn từ nhỏ, lớn lên hầu như suốt ngày ông phải đi làm thuê để kiếm cơm hay đi ăn xin trong làng bản.

Năm 15 tuổi, một bận đang cuốc hố đá trồng ngô cùng mẹ, ông đã gặp "vua Mèo" Vương Chí Sình. Lúc đó ông chẳng biết vua quan là thế nào mà chỉ biết đó là một người giàu, có nhiều người làm thuê và bắt người ta phải chết được. Gặp "vua Mèo" với đám tuỳ tùng, "vua Mèo" dừng ngựa nhìn ông một hồi rồi bảo: “Có về làm thuê cho ta không?”. Có việc làm, có cơm ăn là điều ông mong muốn nhất lúc này. Thế là ông theo "vua Mèo" Vương Chí Sình về và được phân công làm người chăn ngựa. Từ chăn ngựa đàn, với sự chăm chỉ và nhanh nhẹn, ông đã được cắt cử chăn và dắt con ngựa quý cho Vương Chí Sình.

Hai năm ăn cơm trong dinh thự của "vua Mèo", ra vào có người kiểm soát nghiêm ngặt, bước vào tuổi 16 cuộc đời ông chuyển sang một bước ngoặt dữ dội, khi ông gặp một cán bộ ở dưới xuôi lên (ông không còn nhớ tên người cán bộ ấy nữa) giác ngộ cách mạng. Vẫn trong công việc của một mã phìa nhưng tư tưởng ông đã thay đổi, ông đã bắt đầu chính thức tham gia công việc cách mạng.

Ông Vừ Mí Kẻ chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cứ âm thầm trong vai một mã phìa và làm các công việc do chính quyền cách mạng giao. Tháng 12/1945, cùng với cả nước, thời gian chín muồi đã đến, Uỷ ban Kháng chiến ở Hà Giang quyết định khởi nghĩa và giải phóng Hà Giang. Tuy được giải phóng nhưng tình hình chính trị của Hà Giang lúc bấy giờ vẫn rất phức tạp. Vương Chí Sình trở thành người trung lập và đang lựa chọn cho mình một đảng phái để đi theo. Tình hình Hà Giang lúc này lại căng thẳng hơn. Chính quyền Tưởng Giới Thạch cũng muốn kéo Vương Chí Sình, để  Hà Giang trở thành bàn đạp mở rộng địa bàn tấn công chính quyền cách mạng. Pháp lúc đó tuy bị thất thế nhưng cũng muốn nhảy vào thu phục Vương, để tái chiếm cao nguyên Đồng Văn tận dụng cơ hội nắm toàn bộ vùng Đông và Tây Bắc, sau đó đánh rộng ra để chiếm lại chính quyền. Lúc bấy giờ, tuy có sự giảm sút về vai trò, nhưng Vương Chí Sình vẫn là “linh hồn” của các dân tộc thiểu số từ Đông sang Tây Bắc, đặc biệt là với người Mèo. Chỉ cần Vương nói một lời với đồng bào mình là cả một sự đổi thay sẽ xảy ra ở miền đất này.

Xác định Vương Chí Sình là mấu chốt quan trọng cho sự ổn định ở Hà Giang cũng như toàn bộ vùng Đông và Tây Bắc, chính quyền cách mạng đã quyết định bằng mọi giá phải thu phục được Vương Chí Sình. Thế nhưng ai sẽ làm việc này? Sau một hồi lựa chọn, Vừ Mí Kẻ đã được giao trọng trách trên.

Gạt bỏ tất cả những nguy hiểm cho mình, vì sự nghiệp vĩ đại của cách mạng, bằng sự thân quen vốn có và bản tính khôn khéo của riêng mình, ông đã tiếp cận vua Mèo, phân tích đúng, sai, hơn, thiệt cũng như vai trò và tính tích cực của chính quyền cách mạng. Chẳng bao lâu, bằng tài thao lược và thuyết dụ của mình, Vừ Mí Kẻ đã thu phục được Vương Chí Sình. Nhiệm vụ được giao thành công vào năm 1946 khi Vương Chí Sình quyết định cùng Vừ Mí Kẻ  xuống Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh để thương thuyết. Sau lần gặp gỡ ấy, cảm phục trước con người Hồ Chí Minh cũng như chính quyền cách mạng, Vương Chí Sình đã đi theo cách mạng, Nhờ đó tình hình ở Hà Giang xoay chuyển hẳn. Tuyến biên giới phía Bắc đã trở thành một phên dậu vững chắc của cách mạng.

Cũng trong năm này, khi “tuần lễ vàng” được phát động, ngoài việc vận động nhân dân trong tỉnh đóng góp ngân khố cho cách mạng, với tư cách cá nhân, Vừ Mí Kẻ đã tới vận động Vương Chí Sình đóng góp. Sau hơn hai giờ nói chuyện, Vương Chí Sình đã quyết định đem số tài sản khổng lồ gồm 22.000 đồng bạc trắng hoa xoè và 9kg vàng để góp quỹ. Vàng, bạc góp, Vương Chí Sình đã tin cẩn giao Vừ Mí Kẻ áp tải về Hà Nội.

Từ thân phận của một mã phìa, xác định được mục đích và lý tưởng nên sớm đến với cách mạng, uy tín của Vừ Mí Kẻ được nâng dần. Từ cán bộ trong Uỷ ban Kháng chiến huyện Đồng Văn, ông đã được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang và được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá II. Ông làm đại biểu Quốc hội cho tới khoá VII.

Ông Vừ Mí Kẻ ôn lại quãng đời hào hùng của mình.

Trong ngôi nhà nằm ở “phố núi” Hà Giang, trong câu chuyện, tôi hỏi ông về một kỷ niệm lớn nhất trong đời, đôi mắt đã chuyển màu thời gian của ông chợt xa vắng lạ lùng, ông chậm rãi kể: "Cuộc đời tôi có nhiều cái để nhớ. Từ thân phận một mã phìa rồi trở thành ĐBQH của một nước độc lập là cả một quãng thời gian phấn đấu. Tôi không sao quên được những lần đi bộ từ Đồng Văn về Hà Giang rồi từ Hà Giang về Hà Nội họp để triển khai công việc với những bữa no, đói phập phù và những đàn vắt rừng bám xanh ống chân. Thế nhưng có lẽ trong đời mình, tôi nhớ nhất những lần được gặp Bác, được Bác mời cơm riêng độ mười lần tại Phủ Chủ tịch. In đậm trong tâm trí tôi nhất là lần đầu tiên gặp Bác ở kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá II. Giữa hàng ngàn đại biểu đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, cuối buổi, Bác tìm đến chỗ tôi. Bác biết rất rõ về tôi. Bác ân cần thăm hỏi và mời cơm riêng. Trong bữa cơm đầu tiên ấy, Bác hỏi tôi rất nhiều điều, nhưng do xúc động nên tôi không trả lời được. Bác bảo, cán bộ phải coi mình là đầy tớ của nhân dân. Là đầy tớ thì phải khổ. Mình khổ thì dân mới được hạnh phúc.

Sau buổi gặp ấy, Bác đã đưa chúng tôi về Hà Tây dạy cấy lúa, Bác cũng xắn quần, lội ruộng cầm mạ cấy như mọi người nông dân khác. Bác bảo riêng với tôi, phải học cấy để về vùng cao dạy dân mở ruộng cấy lúa lấy thóc ăn cho no bụng. Phải có thóc, phải no bụng thì mới làm được nhiều việc. Từ buổi đầu tiên và những buổi được gặp Bác sau này tôi và tất cả mọi người đều coi Bác như người cha và luôn cố gắng phấn đấu để không phụ lòng Người. Bây giờ tuổi đã quá thất thập và hơn nửa thế kỷ tuổi Đảng tôi chưa mắc sai phạm gì và cũng chưa hề bị ai chê trách, đó là điều tôi mãn nguyện nhất. Nhưng điều mà tôi ân hận suốt cuộc đời đó là ngày Bác mất tôi đã không về được tận nơi để thắp cho Người một nén nhang".              

ĐƠN THƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh