Đề nghị không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu
- Tây Y
- 13:57 - 28/05/2017
Theo tờ trình do Thống đốc ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trình bày, quá trình xử lý nợ xấu thời gian qua còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, nguyên nhân do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả xử lý nợ xấu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, mục tiêu nghị quyết đề ra, đến năm 2020 phải xử lý nợ xấu xuống dưới 3%. Hiện nợ xấu theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước (NHNN) đang ở mức cao trên 10%. “Nợ xấu đang thực sự là cục máu đông, là gánh nặng lớn, nếu không xử lý sẽ rất khó khăn” – ông Hiển nhấn mạnh.
Mục tiêu đã rõ, nhưng theo ông Hiển, việc quan trọng nhất của nghị quyết này là nhận dạng nợ xấu thế nào? Vấn đề khó khăn nhất hiện nay chính là vấn đề xử lý đối với tài sản, dù là tài sản đảm bảo nhưng không xử lý được dẫn tới nợ xấu. Với 14 – 15 nghìn vụ việc mà cá nhân tổ chức đem tài sản thế chấp tại ngân hàng, với trên 55 nghìn tỷ đồng nợ, nhưng ngân hàng không làm thế nào để thu được. Chuyển sang tòa thì cũng khó khăn về mặt thời gian, vì thế, theo ông Hiển, lần này phải có giải pháp để ngân hàng có quyền nhất định. Trên cơ sở đó có thể chia thành 3 nhóm: Thứ nhất, đối với loại tài sản tự nguyện đi thế chấp tại ngân hàng để vay vốn, mà tự nguyện và không có tranh chấp thì cho phép ngân hàng có quyền thu giữ để phát mại, bán. Nhóm thứ 2 là tài sản đó có tranh chấp, cá nhân có biểu hiện chống đối, phải xử lý bằng các biện pháp khác, ví dụ phải khởi kiện ra tòa, nhưng cho phép sử dụng biện pháp rút gọn. Nhóm thứ 3, các vụ án dứt khoát phải ra tòa quyết định.
Đặc biệt, ông Hiển cũng nhấn mạnh là phải xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân để xảy ra nợ xấu do không chấp hành quy định của pháp luật, phải xử lý một cách minh bạch.
Thảo luận dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu tại đoàn Đại biểu QH thành phố Hà Nội
Còn tại đoàn Hà Nội, Phó giám đốc Công an thành phố Đào Thanh Hải cho rằng, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nội dung chưa được quy định và chưa thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cần đảm bảo yêu cầu hết sức quan trọng là bảo đảm an ninh tiền tệ và trật tự an toàn xã hội trong quá trình xử lý nợ xấu. Đặc biệt, ông Hải đề nghị bổ sung nguyên tắc về việc không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, nguyên tắc áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định về xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức vi phạm gây ra tình trạng nợ xấu nghiêm trọng của nền kinh tế trước khi áp dụng các quy định về huy động nguồn lực khác để xử lý nợ xấu.