Đề nghị hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng khắc phục hạn hán, ngập mặn
- Tra cứu phẫu thuật
- 13:58 - 16/04/2020
Thực hiện Chỉ thị số 04 ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn tại các địa phương, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi rà soát, tổng hợp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị kinh phí hỗ trợ các chi phí gồm: Điện, dầu bơm nước; nạo vét cửa lấy nước, kênh mương; sửa chữa công trình thủy lợi; đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước ngọt; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; mua thiết bị lọc, trữ nước; vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được văn bản của 25 địa phương (không bao gồm 8 địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ khẩn cấp từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020) và 1 đơn vị khai thác công trình thủy lợi đề nghị hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn với kinh phí tổng cộng trên 2.499 tỷ đồng.
Sau khi rà soát theo nội dung, nguyên tắc và mức hỗ trợ theo đề nghị và mức độ ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tại các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Do ảnh hưởng của sự thiếu hụt lượng mưa trong mùa mưa năm 2019, lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở hầu hết các khu vực trong cả nước đều ở mức thấp, phổ biến từ 50 - 80% dung tích thiết kế.
Điển hình, các hồ chứa thủy điện thường xuyên tham gia bổ sung nước cho sản xuất nông nghiệp: Ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng - Thái Bình chỉ trữ đạt khoảng 60% dung tích thiết kế; riêng hồ Hòa Bình ở mức 63% - mức thấp nhất trong 30 năm qua, kể từ khi đưa vào vận hành.
Ở khu vực Trung bộ chỉ đạt mức 15 - 30% dung tích thiết kế. Dòng chảy hầu hết các sông suối cũng bị thiếu hụt, trên sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt nghiêm trọng, thậm chí thấp hơn cả năm 2015 - 2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục).
Tình trạng này dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán, thiếu nước ở khu vực miền núi phía Bắc, Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ và Tây Nguyên.