THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:26

Để không thất nghiệp chỉ vì 'lỡ miệng' khi đi phỏng vấn

 

Các bạn trẻ trong một lớp học ứng phó nỗi lo thất nghiệp tại TP.HCM. THIÊN HÀ

 

Nguyễn Thị Hồng Ngát, 23 tuổi, cựu sinh viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết cô từng 3 lần đi phỏng vấn xin việc và chỉ trúng tuyển một nơi không như ý, do đó cô không đi làm. Đến bây giờ Ngát vẫn đang làm freelancer (làm việc tự do) bằng nhiều công việc khác nhau. “Cả 3 lần khi đi phỏng vấn, tôi đều thấy người hỏi mình tỏ ra rất vui vẻ, cởi mở với mình. Tôi chắc là mình sẽ trúng tuyển rồi. Nhưng thực tế thì chờ hoài, chờ mãi không thấy ai gọi”, Ngát nói.
Sau nhiều lần phỏng vấn xin việc thất bại, Ngát rút ra một số kinh nghiệm “xương máu”: “Nhà tuyển dụng vui vẻ, nói chuyện rôm rả với mình, điều đó chẳng nói gì trước về kết quả của buổi phỏng vấn, chỉ vì họ chuyên nghiệp và lịch sự với mình. Khi được hỏi lý do mình chọn công ty này để làm, nên tránh ca ngợi công ty của họ lên tận mây xanh bằng những câu sáo rỗng như “em thấy nơi đây là một môi trường tuyệt vời, một nơi quá lý tưởng để em cống hiến và lao động”. Cũng không nên chỉ nói về lợi ích của mình như “em sẽ được lương cao, em sẽ được trau dồi những kiến thức của mình, sẽ được phát huy tài năng của mình”.
Nguyễn Thị Thủy, 27 tuổi, cựu nhân viên phòng Media, Tập đoàn Viettel, chia sẻ: “Nói dài dòng, lan man không đi đúng trọng tâm câu hỏi cũng khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bực bội. Nên suy nghĩ vài giây, 'câu giờ' bằng một số cách thông minh như 'em thấy đây là một câu hỏi rất hay', 'em nghĩ vấn đề anh chị đưa ra thú vị quá', trong lúc đó có thể nghĩ ra được câu trả lời lý tưởng. Câu trả lời cần ngắn gọn, mạch lạc, đi đúng trọng tâm”.
Chị Jennifer Thanh Phạm, quản lý bộ phận tìm kiếm tài năng, tập đoàn Navigos, cho biết trong buổi phỏng vấn nhà tuyển dụng rất không thích những ứng viên “thảo mai”, tức là nói dối, nói quá khéo, lòng vòng không đúng trọng tâm để lấy lòng người đối diện.
“Các bạn trẻ đừng nói những câu 'thảo mai' kiểu 'thật tuyệt vời, không gì sung sướng hơn nếu em được làm việc ở công ty này. Công ty quá phát triển, uy tín quá lớn, được quá nhiều người biết đến...”, chị Jennifer Thanh Phạm nhấn mạnh.
“Các bạn cũng không nên chỉ nói về những lợi ích của mình khi trúng tuyển và làm việc tại công ty, mà hãy đặt ra lợi ích đôi bên. Ví dụ: “Nếu tôi được làm việc ở công ty, tập đoàn này, bằng năng lực của tôi, tôi sẽ mang lại những thành tựu, lợi nhuận, giá trị cho công ty. Đồng thời, song song với đó, tôi cũng sẽ có thu nhập tốt, củng cố những kiến thức mà tôi có được”, chị Jennifer Thanh Phạm khuyên.
Đồng thời, người có 15 năm kinh nghiệm trong quản trị nhân sự cho biết các bạn trẻ khi đi phỏng vấn ngoài vấn đề ăn mặc phù hợp, cần biết giao tiếp lịch sự, nhã nhặn, nở nụ cười tươi trước với mọi người.
Theo chị Jennifer Thanh Phạm, trước khi được đến với vòng phỏng vấn, các bạn trẻ cần có một CV đẹp để được nhà tuyển dụng để mắt tới, đồng thời chọn đúng kênh tìm việc để gửi CV. Hiện tại có nhiều trang web tìm việc, mỗi trang web sẽ phục vụ những mục tiêu khác nhau, đáp ứng nhu cầu tìm việc khác nhau... CV cần trình bày đủ thông tin, rõ ràng, mạch lạc, văn phong trang trọng. Các bạn trẻ cũng không nên bỏ qua phần đề cập mức lương đề nghị là bao nhiêu mỗi tháng, điều này sẽ không làm mất thời gian của nhà tuyển dụng.
Chị Jennifer Thanh Phạm cũng nói thêm, trong CV đều có phần ghi người đối chiếu thông tin, là sếp cũ, người ở công ty cũ hoặc người có chuyên môn có thể giúp nhà tuyển dụng liên hệ kiểm tra thông tin bạn ghi trong CV có đúng hay không. "Một số nhà tuyển dụng sẽ không gọi theo danh sách mà bạn gửi, họ sẽ tự liên hệ để có câu trả lời khách quan hơn. Các bạn trẻ có thể không hài lòng về công việc cũ đến đâu, nhưng cũng không nên 'gây thù chuốc oán' ở nơi làm cũ, vì những người làm nhân sự thường có mạng lưới thân thiết, rất có thể sau này những thông tin bất lợi sẽ ảnh hưởng tới bạn", chị Jennifer Thanh Phạm nói.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh