Đế chế mỹ phẩm Avon lừng lẫy một thời bên bờ vực suy tàn
- Huyệt vị
- 13:28 - 18/05/2015
Mọi thứ càng trở nên ảm đạm khi ngày 14/5, nhà đầu tư ồ ạt mua vào cổ phiếu Avon sau tin thâu tóm giả. Một tổ chức tự xưng là PTG Capital đã nộp đơn lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cho biết muốn mua Avon với giá 18,75 USD một cổ phiếu - gần gấp 3 giá đóng cửa ngày 13/5.
Từng là thương hiệu mỹ phẩm lừng danh, tài trợ cho các diễn viên xuất hiện tại các cuộc Liên hoan phim
Cổ phiếu Avon đã tăng tới 20% ngay khi tin tức này được phát ra. Nhưng rất nhanh chóng, nhà đầu tư và giới truyền thông phát hiện lời chào mua này có vấn đề.
Một khách hàng đang xem sản phẩm của Avon tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh:Bloomberg
Trong hồ sơ, PTG 2 lần gõ tên mình thành TPG - một công ty đầu tư lớn. Các cuộc điện thoại gọi đến luật sư của PTG đều bị chuyển sang chế độ hộp thư thoại. Tìm kiếm trên Google cũng không cho ra kết quả về công ty nào có tên PTG hay hãng luật Trose & Cox được đề cập trong hồ sơ.
Cổ phiếu Avon đã phải ngừng giao dịch nhiều lần. Cuối cùng, đại gia mỹ phẩm một thời đành ra thông cáo báo chí, khẳng định chẳng có lời chào mua nào hết và cũng không xác nhận được sự tồn tại của PTG.
Các ngôi sao nổi tiếng thế giới từng đại diện thương hiệu cho hãng mỹ phẩm AVon
Giá cổ phiếu sau đó giảm dần, nhưng chốt phiên vẫn tăng 6%, với khối lượng giao dịch gấp 5 ngày thường. Hôm qua, cổ phiếu Avon mất hơn 1%. SEC cũng từ chối bình luận về việc làm thế nào lại để lọt hồ sơ giả vào hệ thống của mình.
Dù vậy, kể cả nếu không có sự kiện này, Avon cũng đã rất khốn đốn. 3 năm trước, họ từng có cơ hội bán cho đối thủ - Coty với giá 24,75 USD một cổ phiếu khi đó. Tuy nhiên, Avon đã từ chối. Và đây chính là sai lầm rất lớn.
Cổ phiếu Avon hiện chỉ giao dịch quanh 7 USD. Doanh thu đã giảm liên tục suốt 3 năm qua và được dự báo tiếp tục đi xuống năm nay. Hãng này cũng đã thua lỗ vài năm gần đây. Khi người ta có thể dễ dàng mua hàng qua mạng, hoặc tại các hiệu thuốc gần nhà, sẽ chẳng còn ai cần đến những nhân viên bán hàng tại nhà của Avon nữa.
Đầu năm nay, Avon còn bị loại khỏi chỉ số S&P 500 (500 công ty lớn nhất Mỹ) do giá trị thị trường quá nhỏ (hiện là 3 tỷ USD). Avon đã nằm trong chỉ số này từ năm 1964.
Avon vẫn có thể đảo ngược tình thế. Là công ty lâu năm không có nghĩa bạn đã hết cơ hội. Vì thực ra, công ty được chọn thay thế họ trong S&P 500 cũng lâu đời không kém - HanesBrands, thành lập năm 1901.
Dù vậy, nhà đầu tư vẫn không hề lạc quan. Sự việc hôm kia đã cho thấy rõ ràng họ rất muốn Avon được bán cho một công ty nào đó để có cơ hội hồi sinh.
Avon thành lập năm 1886 tại Mỹ và là một trong những hãng mỹ phẩm lớn nhất thế giới. Hãng chủ yếu bán hàng trực tiếp thông qua đội ngũ nhân viên kinh doanh tận nhà.
Phiên tăng hiếm hoi của Avon đã chấm dứt chuỗi giảm 5 năm của hãng trên sàn NYSE. Từ năm 2010, giá cổ phiếu Avon đã mất 70%, trong khi chỉ số S&P tăng hơn gấp đôi. Doanh thu của hãng cũng giảm 3 năm liên tiếp từ khi đạt đỉnh 11,3 tỷ USD năm 2011. Năm ngoái, Avon lỗ 388,6 triệu USD và là năm thứ 3 không có lợi nhuận. |