THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 05:41

Để các cây ATM không bị quá tải trong dịp Tết: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

 

Những ngày giáp Tết, ATM tại các khu công nghiệp thường rơi vào tình trạng quá tải. Ảnh: Vũ Ngọc

 

 

Thay đổi thói quen
Trên các phố trung tâm ở Hà Nội, lượng người rút tiền tại các cây ATM không đông, nhưng tại các khu công nghiệp, số người dân, công nhân xếp hàng dài ở các máy ATM khá phổ biến. Lượng người rút tiền quá đông, nên dù liên tục tiếp quỹ, nhưng các ngân hàng cũng khó đáp ứng nhu cầu này. Chị Lưu Thị Lành, công nhân Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) cho biết, công ty chi trả lương tháng 13 và thưởng Tết thành 2 đợt là đầu tháng và giữa tháng 1, nhưng hầu như công nhân đều muốn giữ tiền đến sát Tết mới rút để mua sắm, nên lượng người xếp hàng ở ATM liên tục quá tải. “Tôi đã phải đứng chờ gần nửa tiếng mới thực hiện giao dịch rút tiền vào ngày thứ bảy, 19-1”, chị Lưu Thị Lành cho hay. Không riêng gì chị Lành, nhiều công nhân khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Sở dĩ, tình trạng này không diễn ra ở các khu trung tâm thành phố là vì nhiều người đã dùng thẻ tín dụng, hoặc thẻ ATM để mua hàng, thay cho dùng tiền mặt. Thói quen đi chợ để mua sắm cũng đang được thay đổi bằng việc đến mua hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, với nhiều tiện ích qua việc thanh toán bằng thẻ. Chị Hồ Thùy Trang (tòa nhà R4B Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết: "Suốt 3 năm gần đây, tôi không có thói quen đi chợ mua sắm, đặc biệt là vào dịp Tết, nên hầu như tôi không sử dụng tiền mặt. Toàn bộ tiền lương, thưởng được chuyển vào tài khoản, nên tôi chỉ chi tiêu bằng thẻ, và tránh được rủi ro nếu phải mang nhiều tiền mặt trong ví. Hơn nữa, trong các khu trung tâm thương mại thường có siêu thị lớn, cung cấp tất cả những đồ dùng, thực phẩm thiết yếu, với chất lượng tốt, giá cả cũng hợp lý".
Một thực tế khác giúp máy ATM tại trung tâm các thành phố lớn không rơi vào quá tải chính là thói quen mua đồ trên mạng của người dân. Chỉ cần một cú click và chi trả bằng tài khoản thẻ, hoặc chuyển khoản, khách hàng đã có thể mua được hầu hết những đồ dùng, thực phẩm, kể cả đồ dùng phục vụ Tết. Không chỉ những bạn trẻ ở thế hệ 8x, 9x, nhiều người lớn tuổi cũng thường xuyên mua đồ trên mạng và trả tiền qua tài khoản ATM. Bà Nguyễn Thị Lợi (số 1 Âu Cơ, Hà Nội) cho hay, lâu nay bà không ra máy ATM rút tiền mặt, vì thường xuyên mua hàng hóa trên mạng và trả tiền bằng việc chuyển khoản trực tiếp. Không chỉ mua đồ gia dụng, bà còn mua thực phẩm, đồ dùng hằng ngày tại những cửa hàng uy tín và được chuyển đến tận nơi, thuận lợi hơn nhiều so với việc phải trực tiếp đến các cửa hàng, hay chợ, siêu thị để mua sắm. 
Rõ ràng, nỗ lực trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước đã có hiệu quả, khi thanh toán điện tử qua internet, điện thoại di động đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Tính đến nay, có 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Chủ động cung ứng tiền mặt cho ATM
Mặc dù thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi, nhưng nhiều người vẫn có nhu cầu sử dụng tiền mặt, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, người dân ở nông thôn. Để phục vụ nhu cầu rút tiền tại ATM và thanh toán của người dân trong dịp Tết, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức điều hòa cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế, nhất là trong dịp Tết, chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm việc cung ứng dịch vụ thanh toán, hệ thống ATM hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt...
  
Ngành Ngân hàng đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục tình trạng quá tải tại các cây ATM.
 
Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt, lên kế hoạch và thực hiện điều chuyển tiền từ trung ương đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm nâng tỷ lệ dự trữ, kịp thời đáp ứng nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế trong dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán 2019. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình tiền mặt tại từng địa phương, tập trung nguồn lực ở mức cao nhất để điều chuyển, bổ sung dự trữ, kịp thời ứng phó với nhu cầu đột xuất, bất thường. Bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Với lượng tiền dự trữ hiện nay, Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho lưu thông về giá trị và cơ cấu các mệnh giá tiền một cách hợp lý”.
Thực tế ghi nhận công tác bảo đảm chất lượng, an toàn, thông suốt các điểm giao dịch ATM và hệ thống thanh toán; bảo đảm nhu cầu tiền mặt dịp cuối năm luôn được Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đặc biệt quan tâm. Từ cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán vào dịp Tết. Trong đó, đặc biệt yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời, có các biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm hoạt động của hệ thống ATM ổn định và an toàn.
Để đáp ứng nhu cầu cao của người dân trong dịp này, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)... cũng như các ngân hàng khác đều đã chủ động xây dựng kế hoạch tiếp quỹ cho ATM, bố trí tổ tiếp quỹ dự phòng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp xác định thời điểm chi trả lương, thưởng để phục vụ tốt nhất; bảo trì và thay thiết bị cho các ATM trước đợt chi lương, thưởng Tết; trang bị phần mềm giám sát an ninh giao dịch trên ATM, nhằm phát hiện kịp thời những giao dịch bất thường… Mong rằng, những giải pháp đó sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong những ngày cao điểm sắp tới, để người dân, đặc biệt là lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất không rơi vào tình cảnh trớ trêu "có tiền mà không thể lấy ra tiêu".

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh