CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:59

ĐB Quốc hội: Ghi 'trạm thu giá BOT' là sai, nên khắc phục

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội)

 

Bên hành lang Quốc hội chiều 23/5, ông Vân cho hay, theo Luật Giá, giá phải phản ánh đúng chi phí đầu vào đầu ra, lợi ích cho các bên, là quy tắc để tính toán nghĩa vụ đóng góp của những người sử dụng dịch vụ. Còn theo cả Luật Giá và Luật Phí, lệ phí đều không để "duy danh định nghĩa" tên gọi của "trạm thu giá".

Theo ông Vân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đang giải thích theo hướng các trạm BOT là sản phẩm của các doanh nghiệp đầu tư, từ xây dựng đến hoạt động đến chuyển giao nên phải tính đến lợi nhuận thu được để bù đắp cho đầu tư ban đầu. Đồng thời, ông Thể đang cố gắng giải thích là việc đó phải làm sao để có lợi cho cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Nhưng theo ông Vân, chữ "giá" trong "trạm thu giá" của Bộ GTVT, theo từ điển tiếng Việt không có nghĩa. Do đó, người dân phản ứng là có căn cứ "để bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt", sự chuẩn mực của ngôn ngữ pháp lý và đã là Nhà nước thì phải dùng ngôn ngữ phổ thông, chuẩn mực, dễ hiểu và trước hết là thuần Việt.

Vị đại biểu Quốc hội của Đoàn Cà Mau chỉ ra các tài xế phản ứng các "trạm thu giá" thời gian qua không phải ở chỗ gọi là gì mà ở mức giá. "Trong chuyện này, thoả thuận của nhà đầu tư với người chấp nhận dịch vụ chính là chi phí mà người tham gia giao thông phải bỏ ra có hợp lý so với mức đầu tư của nhà đầu tư không. Cao quá người ta sẽ phản ứng, vừa phải họ chấp nhận. Đây là một hợp đồng bất thành văn giữa một bên nhà đầu tư với một bên người tham gia giao thông về việc chấp nhận mua vé", ông Vân nói.

Ông nhấn mạnh, đã là BOT, phải có một bên đầu tư và bên kia hưởng dịch vụ, còn Nhà nước có trách nhiệm cung cấp giao thông phổ biến nhất cho nhân dân. Những gì Nhà nước thu của nhân dân thông qua thuế, ngân sách phải đảm bảo giao thông tối cần thiết cho họ.

"Các tuyến quốc lộ thì nhất định không được thu phí mà chỉ những chỗ các doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư để người dân có sự lựa chọn tốt hơn mới được thu tiền", ông Vân nêu rõ.

Vị đại biểu đề nghị Bộ GTVT phải xem xét lại, tiếp thu ý kiến của dư luận xem dùng ngôn ngữ "trạm thu giá" đã chuẩn mực chưa, vì sao người dân phản ứng.

"Trong trường hợp này, Bộ GTVT lựa chọn sai ngôn ngữ và đã sai rồi nên khắc phục, đừng biện hộ bằng việc giải thích gốc rễ của Luật đến Nghị định.

Đại biểu Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình

 

Còn đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho biết, theo kinh tế thị trường, cung cấp dịch vụ là dạng của giá còn trước đây là phí liên quan tới HĐND quyết định. Theo đại biểu Phương, BOT của nhà đầu tư bỏ tiền ra làm nên họ tính giá dịch vụ và những người sử dụng dịch vụ đó phải trả.

"Chuyển từ phí sang giá đúng với bản chất kinh tế. Cụ thể, nhà đầu tư bỏ vốn để tạo ra dịch vụ cung cấp cho thị trường nên người sử dụng phải trả giá", đại biểu Phương nói.

Vị đại biểu này cho rằng vấn đề từ trạm thu phí chuyển sang trạm thu giá ông đang quan tâm. Nếu như BOT được đầu tư trên con đường hoàn toàn mới, doanh nghiệp đưa ra giá để người dân, doanh nghiệp lựa chọn thì không có vấn đề gì. Thế nhưng câu chuyện hiện nay đường BOT đã làm gần như làm trên đường đường độc đạo.

"Theo nguyên tắc thị trường, nhà đầu tư cung cấp sản phẩm còn doanh nghiệp, người dân dùng hay không là quyền của họ. Nhưng điều đáng nói, BOT trên đường độc đạo, nên người sử dụng không có sự lựa chọn nào khác, như vậy, cũng là dịch vụ nhưng dạng độc quyền", đại biểu Phương nói.

Vẫn theo đại biểu Phương, cơ quan chuyên môn phải làm rõ cơ sở, căn cứ chuyển sang giá, nếu BOT xác định là giá thì thu ở cung đường nào. "Nếu cung đường trên nền tảng của Nhà nước, cấu trúc đường độc đạo thì việc thu giá là không ổn", đại biểu Phương nêu. Vị Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho hay, tới phiên chất vấn của Quốc hội tới ông sẽ hỏi cơ sở nào chuyển từ phí sang giá.

Lý giải việc thời gian qua, các trạm thu phí BOT trên toàn quốc đã được đổi tên thành "trạm thu giá", bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, theo quy định hiện hành, phí là khoản người dân phải trả khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, trong khi BOT là sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp nên mới có sự chuyển đổi cách gọi sang thu giá (giá sử dụng đường bộ). 

Theo ông Thể, "việc đổi tên này không có gì khác mà giúp linh động hơn", Bộ Giao thông quyết định và giám sát quá trình thu giá theo hướng hài hoà lợi ích người dân, doanh nghiệp; khi xét thấy cần thiết thì Bộ điều chỉnh theo hướng giảm giá.

THANH NHUNG (ghi)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh