Tham gia ứng cử, ngoài quyết tâm thành công, cũng phải chuẩn bị tâm thế không trúng
- Tây Y
- 13:06 - 29/03/2016
Ông có thể chia sẻ cảm xúc lần thứ 4 ứng cử đại biểu Quốc hội?
Cảm xúc các lần có khác vì khung cảnh ngày xưa khác giờ; hoạt động Quốc hội cũng khác hiện nay. Nhưng giờ xã hội và nhận thức cử tri thay đổi.
Trải qua Quốc hội nhiều nên có nhiều trải nghiệm hơn. Tôi nghĩ điều quan trọng, trước đòi hỏi của sự phát triển, dù anh làm ĐBQH hay không, làm nhiệm kỳ thứ mấy đi chăng nữa thì cũng phải đáp ứng được chính những cử tri đang sống với anh, mà anh là người đại diện.
Đã tham gia ứng cử ĐBQH ai cũng có ý chí, quyết tâm thành công, nhưng cũng phải chuẩn bị tâm thế không trúng, tức là xã hội đòi hỏi cao hơn, nhiều người có năng lực tốt hơn, được tín nhiệm hơn.
Đại biểu Dương Trung Quốc trả lời báo chí
Điều này chỉ có thực sự khi có 2 yếu tố là thực thi bầu cử đúng luật, minh bạch; nhưng quan trọng hơn cử tri phải thực sự tham gia. Còn một bộ phận thờ ơ, uỷ nhiệm, vô can thì chính người cử tri đó đã bỏ qua cơ hội chọn được người xứng đáng.
Kinh nghiệm từ 3 nhiệm kỳ trước giúp gì ông trong việc vận động bầu cử?
Nói cách khác là mình phải tự thay đổi để theo kịp sự thay đổi đó. Có thể với những người mới tham gia lần đầu thì nhiều bỡ ngỡ nhưng chính vì thế cố gắng tạo môi trường bình đẳng cho họ, thậm chí hỗ trợ họ.
Như địa bàn chúng tôi tranh cử, mỗi người có thời gian thời lượng như nhau trên phương tiện thông tin đại chúng địa phương, nhưng ngay bản thân tôi rất ngại tham gia vì e có người cho rằng mình khai thác ưu thế vốn có của mình bằng hình ảnh trên truyền thông. Cái này phải bù đắp cho người mới, người không có cơ hội. Đó cũng là cơ hội để người dân biết tới những ứng viên mới, nhân tố mới.
Lấy ví dụ như quy định như chính cá nhân tôi cũng không tán thành, đó là 2 ứng viên bằng phiếu nhau thì ưu tiên chọn người cao tuổi. Tôi cho là không nên mà nên ưu tiên người trẻ vì họ có sức trẻ, có hoài bão, có nhiều thời gian, cống hiến tốt hơn, hợp với xu thế phát triển hiện nay.
- Có ý kiến cho rằng với những người trực tiếp tranh cử, nên cho họ đối chất trực tiếp để cử tri dễ nhận ra người có năng lực. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Dù có nhiều mong muốn nhưng đáng tiếc, hiện ở Việt Nam chưa có cơ chế này. Tôi cho rằng, sự đối chất trực tiếp sẽ giúp mỗi người tự chứng minh năng lực của mình, tránh tình trạng cử tri còn tâm lý chọn người cũ cho yên tâm vì chưa biết người mới thế nào.
Bởi vậy, tôi cho rằng cần cải thiện vấn đề này. Giới truyền thông cần vào cuộc để tạo ra sự thúc đẩy ngày càng nhiều nhân tố mới càng tốt.
- Trong danh sách ứng cử lần này có nhiều đại biểu là giới văn nghệ sỹ. Ông có ủng hộ họ hay không?
Sự có mặt của giới văn nghệ sỹ là điều đáng mừng. Còn nhớ trong kỳ họp đầu tiên tôi tham gia là Quốc hội khóa XI, có nhiều anh chị văn nghệ sỹ tham gia ứng cử, trong đó có Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia, Chủ tịch Hội nghệ sĩ tạo hình… Tuy nhiên, hai nhiệm kỳ gần đây không có và đây là sự hụt hẫng.
Ngay cả nơi tôi đang làm việc là Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng có sự hụt hẫng vì những đại biểu thuộc ngành giáo dục còn thiếu. Dù phẩm chất của một đại biểu quốc hội là cần mở rộng ở nhiều lĩnh vực, song sự có mặt của những người thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau là điều đáng mừng. Điều quan trọng cuối cùng là người đó có năng lực làm đại biểu Quốc hội chứ không phải năng lực thuần túy chuyên môn của mình.
- Là đại biểu từng tham gia nhiều kỳ Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng?
Tôi nhớ lần đầu khi tham gia Quốc hội, nói về vai trò của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, chính tôi là người phát biểu ông Nguyễn Sinh Hùng là người đã kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau trong bộ máy hành pháp.
Đây là điểm mạnh khi bước vào Quốc hội vì ông là người hiểu chân tơ kẽ tóc Chính phủ - nơi Quốc hội vừa thực hiện nhiệm vụ giám sát vừa xây dựng hệ thống luật pháp để thúc đẩy hoạt động.
Thực tế cho thấy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngày càng điều hành Quốc hội hiệu quả hơn, đặc biệt là trong vấn đề giám sát.
- Nhiều đại biểu quốc hội nhiệm kỳ vừa rồi có tâm tư, đại biểu chuyên trách được dành một khoản chi phí lớn nhưng vai trò chưa được đảm bảo, khiến cử tri băn khoăn. Vậy theo ông Đại biểu Quốc hội chuyên trách cần làm gì để nâng cao năng lực của mình?
Vì tôi là đại biểu không chuyên trách nên phát biểu vấn đề này có phần tế nhị. Tuy nhiên, với một đại biểu Quốc hội chuyên trách, phát biểu vấn đề này trên nghị trường thì cũng rất đáng suy nghĩ.
Rõ ràng người dân có đòi hỏi ngày càng cao hơn. Và mặc dù mức chi cho đại biểu Quốc hội còn thiếu thốn nhưng những đòi hỏi của người dân cũng là có lý vì nếu làm không tốt thì thà để người khác làm để tốt hơn. Mỗi người rõ ràng cần làm tốt hơn vai trò của mình sao cho tương xứng.
Cũng cần chú ý đến việc 2/3 đại biểu còn lại không chuyên trách, thậm chí sống xa khu vực được cử tri bầu ra, thì sẽ có những hạn chế nhất định.
- Xin cảm ơn ông!