THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:33

Chưa có cơ chế kiểm soát thủy điện thượng nguồn sông MeKong

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi với các nhà báo bên hành lang Quốc hội 

- Thưa Phó Thủ tướng, vừa qua, Việt Nam đã có những động thái gì với các nước thuộc khu vực sông Mekong để đối phó tình trạng hạn hán, ngập mặn đang rất bức xúc?

Vừa rồi trước tình hình hạn hán, ngập mặn rất cấp bách, chúng ta đã yêu cầu các nước trên sông MeKong phải sử dụng bền vững nguồn nước trên dòng sông MeKong. Và việc Trung Quốc xả đập là động thái tích cực trong việc sử dụng chung dòng sông Mekong. 

Tiếp đó Lào cũng xả nước tại các thuỷ điện nằm trong nhánh của sông MeKong, nhờ đó nguồn nước đã tăng lên đáng kể. Vấn đề này không chỉ là nhu cầu trong năm nay, mà còn là vấn đề lâu dài cho mai sau. Hiện nay chúng ta đã có cơ chế là Uỷ hội Quốc tế về sông MeKong gồm 4 nước thành viên (thuộc hạ lưu sông MeKong) là Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Ngoài ra còn có Cơ chế hợp tác sông Mê Kông- Lan Thương giữa 4 nước nói trên với hai nước Trung Quốc và Myanmar.

- Việt Nam sẽ có những kiến nghị gì với Liên Hợp Quốc về việc hỗ trợ giải quyết tình hình hạn hán. Và LHQ đã có ý kiến gì chưa, thưa Phó Thủ tướng?

Đây mới là dự kiến. Thời gian tới, Liên Hợp quốc sẽ có đợt vận động hỗ trợ các nước bị hạn hán. Năm nay, do biến đổi khí hậu, ElNino, hạn hán xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là khu vực của chúng ta. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhưng hiện mới là dự kiến nên chúng ta chưa nói được như thế nào.

Một đoạn sông Mekong chảy trên lãnh thổ Việt Nam

- Uỷ hội Quốc tế về sông MeKong hiện mới có 4 quốc gia, liệu có cần sự tham gia của Trung Quốc và Myanmar vào tổ chức này để việc hợp tác trong quản lý và sử dụng nguồn nước hiệu quả hơn không?

Uỷ hội sông MeKong quốc tế được thành lập từ năm 1995, với sự tham gia của 4 nước hạ lưu sông MeKong. Trong hệ thống Ủy hội sông Mekong có 1 cơ chế rất quan trọng, đó là sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, vì sông Mekong có tác động trực tiếp đến tất cả các nước. Trung Quốc và Myanmar chưa là thành viên của tổ chức này. 

Sông Lan Thương thực chất vẫn là sông MeKong (Trung Quốc gọi tên sông Mekong là Lan Thương- PV). Vừa qua chúng ta đã thành lập cơ chế hợp tác MeKong- Lan Thương. Với việc thành lập một cơ chế mới này- cơ chế hợp tác của sông La Thương- Mekong, như vậy trên thực tế là 6 nước sông Mekong hợp tác, với 5 lĩnh vực được ưu tiên, gồm: nguồn nước, kết nối năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, nông nghiệpgiảm nghèo.

Đây là cơ chế hợp tác mới và các nước đang đưa các dự án để cụ thể hoá cơ chế này. Việt Nam đã tích cực đề nghị việc cần quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông MeKong. Đây là vấn đề then chốt tác động đến toàn bộ các nước trong khu vực sông MeKong.

- Thưa Phó Thủ tướng, Trung Quốc đón nhận cơ chế mới này như thế nào?

Đây là sáng kiến chung của Trung Quốc và các nước thuộc sông MeKong. Bước đầu, Trung Quốc đã có một số cam kết như triển khai nguồn tài trợ từ một số quỹ để các nước trao đổi, làm sao để phát triển các mục tiêu quan trọng của cơ chế hợp tác này. Trên cơ sở nguồn hỗ trợ đó, các nước trao đổi với nhau, chứ không phải là tài trợ cho không mà phải lập quỹ. Và quỹ thì có cơ chế hợp tác, làm sao phục vụ tốt cho việc phát triển 5 mục tiêu hợp tác kể trên.

- Chúng ta có cơ chế nào để ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp tục xây các đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông MeKong, bởi vấn đề này ảnh hưởng lớn đến các nước ở hạ lưu sông MeKong như Việt Nam, thưa Phó Thủ tướng?

Như tôi đã nói là Ủy hội sông MeKong và mới chỉ có 4 nước tham gia. Ủy hội này có quy định, khi phát triển các đập thủy điện, hoặc sử dụng nguồn nước trên dòng sông MeKong, các nước thành viên này phải có sự thông báo và chấp thuận từ 4 nước. Chúng ta chưa có cơ chế này với các nước ở thượng nguồn sông MeKong như Trung Quốc, do đó chưa thể kiểm soát việc xây dựng thuỷ điện của nước này.

Cơ chế hợp tác mới MeKong- Lan Thương bước đầu có đưa việc phát triển bền vững nguồn nước. Trên sông Lan Thương, Trung Quốc đã phát trển hệ thống đập thuỷ điện từ trước đây. Vấn đề hiện nay là quản lý xả nước, sử dụng nước như thế nào để đảm bảo lợi ích chung của cả 6 nước trong khu vực sông MeKong.

- Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!


Cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương

Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất và Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (diễn ra từ ngày 22- 24/3) tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các nước trong lưu vực đang bị hạn hán nghiêm trọng. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng lãnh đạo cao cấp 5 nước: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanma đã tham dự hội nghị.

Hội nghị tập trung thảo luận xung quanh đánh giá quá trình hợp tác giữa 6 nước trong lưu vực thời gian qua và thảo luận những phương hướng hợp tác thời gian tới, nhằm tiến tới thúc đẩy hợp tác toàn diện để xây dựng cộng đồng trách nhiệm và lợi ích chung của tiểu vùng. Việt Nam là nước cuối nguồn nên rất quan tâm đến sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước theo cơ chế Mekong - Lan Thương trong quy hoạch, điều tiết nguồn nước. 

Thanh Nhung / Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh