THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 12:45

Đẩy mạnh truyền thông về việc làm

 

Truyền thông về việc làm đã góp phần đưa chính sách đi vào cuộc sống

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, trong những năm qua, lĩnh vực lao động, việc làm ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể. Trong những thành tựu chung đó, phải kể đến vai trò của công tác truyền thông báo chí. Bằng nhiều hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, các chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp đã được truyền tải đến các cơ quan doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động. Cục Việc làm, Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố đã nhận thức được tầm quan trọng của các cơ quan báo chí, trên cơ sở đó đã chủ động, tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông về các chính sách việc làm, lao động. Nhờ đó, nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động, các ban, ngành về kết nối cung cầu lao động, việc làm đã được nâng lên.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho biết, Hội nghị truyền thông về việc làm đối với các cơ quan báo chí có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thảo luận về Đề án cải cách về tiền lương, bảo hiểm xã hội. Đây là dịp để cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, các cơ quan thực thi tại các địa phương cùng các cơ quan thông tấn, báo chí trao đổi, thảo luận, chia sẻ về những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc trong công tác truyền thông về việc làm. Đồng thời cũng là dịp tạo điều kiện để các phóng viên đi thực tế, thu thập tư liệu, viết tin, bài về các mô hình, kinh nghiệm hay trong lĩnh vực này.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác truyền thông trong lĩnh vực việc làm

 

Để công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị, Tạp chí Lao động và Xã hội, Cục Việc làm nghiên cứu, rà soát đánh giá, thu thập đầy đủ các thông tin về văn bản chính sách lĩnh vực việc làm mà Bộ đang triển khai, nghiên cứu để chia sẻ cho các cơ quan báo chí phục vụ cho công tác truyền thông. Đối với các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp, góp phần đưa các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, giúp người lao động, người dân có việc làm, thu nhập cao.

Chia sẻ tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Việc làm Lê Kim Dung khẳng định, giải quyết việc làm cho người lao động luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của Việt Nam xuyên suốt quá trình phát triển. Công tác quản lý Nhà nước về việc làm là một nội dung hết sức quan trọng nhằm đảm bảo việc thực thi các quy định, chính sách về việc làm một cách hiệu quả. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1992, Bộ luật Lao động năm 1994 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006 và 2007), Bộ luật Lao động năm 2012 đã tạo khung pháp lý cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động một cách đầy đủ, đồng thời quy định rõ vai trò quản lý Nhà nước về lao động nói chung, về việc làm nói riêng.Đặc biệt, Luật việc làm được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua là văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động, là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tạo cơ hội việc làm theo hướng bền vững cho mọi lao động trong xã hội, đồng thời lần đầu quy định rõ nội dung công tác quản lý nhà nước về việc làm.

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống các chính sách về việc làm chưa thực sự đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách về việc làm còn mang tính chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể, thiếu các chính sách về việc làm bền vững. Các chính sách về việc làm ở khu vực phi chính thức, khu vực nông thôn chưa được quy định cụ thể. Hơn nữa, việc triển khai thực hiện các chính sách còn chậm, công tác quản lý và nắm thông tin về còn hạn chế, chưa đầy đủ, kịp thời, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý lao động nói chung.

 


Cục trưởng Cục Việc làm Lê Kim Dung thông tin về công tác quản lý nhà nước về việc làm


Bà Lê Kim Dung cho rằng, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về việc làm trong giai đoạn tới, bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp đang triển khai cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng.

Để truyền thông về việc làm hấp dẫn, cần đa dạng hóa nội dung và hình thức truyền thông

Để nâng cao hiệu quả trong truyền thông về việc làm, theo TS. Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ,Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc đăng tải nội dung những văn bản chủ trương, chính sách, báo chí cần đăng nhiều bài phản ánh, giới thiệu những tấm gương điển hình trong thực hiện chế độ, chính sách việc làm, quản lí lao động và bảo hiểm thất nghiệp. Phải chỉ cho người lao động thấy được khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, sẽ có những lợi ích ra sao, tránh được những rủi ro gì…. Đồng thời, cần kịp thời lên án những hành vi tiêu cực, cố tình vi phạm Luật việc làm, Luật BHXH,  góp phần hạn chế, ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng vi phạm các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, nợ bảo hiểm xã hội, để bảo vệ quyền lợi của người lao động và người dân. 

 

TS. Trần Bá Dung Trưởng Ban Nghiệp vụ,Hội Nhà báo Việt Nam đề cập đến kỹ năng làm báo trong lĩnh vực việc làm


Các ấn phẩm cần cung cấp thông tin đa chiều về những lợi ích khi người lao động tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; không chỉ phản ánh, tuyên truyền mà còn cần có kiến thức, vốn sống để phản biện chính sách, tăng tính thuyết phục và hấp dẫn trong truyền thông. Cần thêm nhiều chuyên mục, nhiều thể loại, nhiều hình ảnh, tranh vẽ để người lao động dễ hiểu, dễ làm theo. Nâng cao được nhận thức, sự hiểu biết về chính sách việc làm, quản lí lao động, chính sách bảo hiểm cho chủ sử dụng lao động và người lao động, sẽ tạo sự đồng thuận xã hội, hướng tới hoàn thành các mục tiêu về việc làm, về bảo hiểm cho người lao động.

TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cần có định hướng truyền thông cho các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền về việc làm, quản lý thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp một cách cụ thể, sâu sát; Chủ trì, phối hợp với ngành LĐ- TB&XH xây dựng các ấn phẩm, khẩu hiệu phục vụ công tác tuyên truyền; Chỉ đạo các cơ quan báo chí mở các chuyên trang, chuyên mục về việc làm, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến lĩnh vực việc làm. Đối với các cơ quan báo chí, cần coi công tác tuyên truyền về việc làm là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, chủ động xây dựng kế hoạch, có nội dung cụ thể để phổ biến, tuyên truyền, kịp thời đưa tin, bài phản ánh, giúp người dân nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò của công tác việc làm đối với sự phát triển của nền kinh tế xã hội.

 

TS. Trần Ngọc Diễn- TBT Tạp chí Lao động và Xã hội đề nghị các cơ quan quản lý báo chí cần có định hướng truyền thông về việc làm cho các cơ quan báo chí

 

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Cục Việc làm cần chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức triển khai công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện Luật Việc làm, Chương trình Mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và ATVSLĐ giai đoạn 2016 - 2020; Bố trí nguồn kinh phí hợp lý để hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì thực hiện các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về việc làm; tổ chức chiến dịch truyền thông về việc làm, lập nghiệp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng…

CHÂU GIANG- CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh