Đây là lý do phi công không được phép “buôn chuyện” khi lái máy bay
- Văn hóa - Giải trí
- 21:41 - 23/05/2017
Quy định trong buồng lái luôn được kiểm soát rất nghiêm ngặt. Một trong các nguyên tắc đó có tên gọi “Sterile Cockpit Rule”. Cụ thể, theo quy định của Cục Hàng không Liên Bang Mỹ (FAA), các phi công buộc phải kiềm chế mọi hoạt động không cần thiết vào thời điểm quan trọng nhất của chuyến bay, thường diễn ra ở giai đoạn khi bay dưới 3000m. FAA áp dụng quy định này kể từ năm 1981 sau khi ngành hàng không thế giới chứng kiến những vụ tai nạn máy bay thảm khốc xảy ra vì “những cuộc chuyện phiếm” không cần thiết của phi công.
Một trong những vụ tai nạn gây chú ý nhất của hãng hàng không Eastern Air Lines 212 vào năm 1974 khiến 72 người thiệt mạng. Khi đó, máy bay đang hạ cánh xuống sân bay quốc tế Charlotte Douglas của North Carolina thì trượt khỏi đường băng rồi lao về phía rừng cây. Theo kết luận điều tra ban đầu, nguyên nhân vụ tai nạn được cho là do thời tiết kém, sương mù dày đặc khiến tầm nhìn phi công bị hạn chế.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Mỹ (NTSB) kiểm tra và phát hiện, do “sự thiết tập trung cao độ của các phi công, bỏ qua lời cảnh báo khi bay ở độ cao 300m dẫn tới sự cố đáng tiếc”. Cụ thể, vào thời điểm đó, các phi công trong buồng lái đang mải mê “buôn chuyện” đủ mọi lĩnh vực, từ vấn đề chính trị tới ô tô đã qua sử dụng. Một tai nạn khác xảy ra tương tự đó là trường hợp của Colgan Air Flight 3407 xảy ra trong năm 2009.
Kể từ khi nguyên tắc “Sterile Cockpit Rule” được thực hiện từ năm 1981 tới nay, các phi công gần như hạn chế trò chuyện ở mức tối đa khi máy bay bay ở độ cao dưới 3000m, trong cả quá trình cất và hạ cánh, để đảm bảo vấn đề an toàn. Luật định này buộc các phi công phải tập trung hoàn toàn “các hoạt động thiết yếu của họ” và “tránh những cuộc đàm thoại không cần thiết”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hạn chế tiếp viên liên lạc với phi công.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra, nếu có sự cố khẩn cấp tại khoang hành khách, tiếp viên trưởng có quyền được liên lạc với phi công hay không?
Năm 1995, một tiếp viên nhìn thấy hành khách định mở cửa ngay khi máy bay đang cất cánh. Tuy nhiên, cô vẫn giữ im lặng không liên lạc với cơ trưởng để giữ đúng nguyên tắc “Sterile Cockpit Rule”. FAA lưu ý, trong trường hợp bất khả kháng, tiếp viên trưởng vẫn có thể “phá lệ” để liên lạc với phi công trưởng, cho dù máy bay đang ở độ cao dưới 3000m.
Hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines cũng liệt kê những trường hợp khẩn cấp tiếp viên vẫn có thể liên lạc với cơ trưởng dù máy bay đang ở bất cứ độ cao nào. Các trường hợp cụ thể như bùng phát lửa trong khoang hành khách, xuất hiện tiếng ồn hoặc độ rung bất thường, sự cố rò ri nhiên liệu…