THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:19

“Dạy con trong hoang mang”: "Chuyển hóa" mình để giáo dục con

 

Đừng biến con trở thành phương tiện

Cuốn sách là tập hợp 30 bài viết giải đáp những vấn đề về giá trị và phương pháp giáo dục con trẻ của các bố mẹ và thầy cô Việt Nam được lý giải trên nền tảng kiến thức khoa học qua các nghiên cứu của các ngành tâm lý học giáo dục, tham vấn, thần kinh và được xây dựng trên trục các vấn đề đang được xã hội quan tâm, được thể hiện dưới dạng những bài viết theo từng nhóm chủ đề như: Tổng quan về phương pháp nuôi dạy con, Những ngộ nhận về tri thức, Bạo hành trong gia đình, Khen thưởng trong dạy con, Xây dựng tính cách của trẻ, Những vấn đề xã hội trong việc dạy con.

Tác giả Dạy con trong “hoang mang” là tiến sĩ Lê Nguyên Phương - TS Lê Nguyên Phương cho biết, mỗi lần về Việt Nam là ông lại thăm các nhà sách để xem các sách về dạy con mang nội dung gì, và chính ông cũng thấy hoa mắt, hoang mang khi thấy đủ loại sách dạy con theo kiểu Mỹ, Nhật, Do thái… trên kệ sách. “Tại sao chúng ta là người Việt, mang trong mình văn hóa Việt lại dạy con cứng nhắc theo một nền văn hóa nào đó, và lại được công thức hóa thành nuôi con theo kiểu Nhật, nuôi con theo kiểu Mỹ, kiểu Đức, kiểu Do Thái…?”- Tiến sĩ Phương đặt câu hỏi

Là một chuyên gia tâm lý học đường với 20 năm kinh nghiệm lâm sàng từ khối mầm non đến đại học tại Mỹ, TS Lê Nguyên Phương cho biết: “Nếu được hỏi về một đề nghị khởi đầu cho hành trình tìm kiếm lối dạy con của các phụ huynh, câu trả lời của tôi sẽ là hãy tự chuyển hóa mình để giáo dục con. Hãy hóa giải những khổ đau trong tâm hồn mình, tăng trưởng trí tuệ trong trí não mình, và chú tâm hơn trong sinh hoạt hàng ngày của mình. Và đừng biến con thành phương tiện.

Cho dù các nghiên cứu có phát hiện trẻ bây giờ có khả năng phát triển trí tuệ và học tập tốt hơn hay nhanh hơn chúng ta đã từng nghĩ, đó cũng không phải là lý do con em chúng ta là phương tiện để chúng phải hy sinh làm vật thí nghiệm và lối giải tỏa cho tham vọng, sợ hãi, mặc cảm của chúng ta. Chúng ta có thể mong con không phải khổ cực trong mưu sinh như chúng ta, nhưng không nên biến chúng thành những đền bù cho những gì chúng ta chưa làm được. Hãy ngưng suy nghĩ: “Thời xưa ba thèm là bác sĩ nên nay con phải đi học bác sĩ”, “Mẹ sợ nghèo đói nên con đừng bao giờ trở thành nghệ sĩ”, hay “Ba là nông dân cho nên con phải là luật sư để gia đình nở mày nở mặt”.

 

Nhiều bậc cha mẹ đã đến chia sẻ phương pháp dạy con với tác giả cuốn sách


La mắng, nghiêm khắc cũng phải xuất phát từ tình yêu thương chứ không phải sự bực dọc

Không ai là thánh cả để lúc nào cũng giữ được tâm trạng vui vẻ, bình tĩnh trong cuộc sống. Trong việc dạy con cũng thế, không phải lúc nào cha mẹ cũng giữ được sự bình tĩnh, tránh được sự tức giận. Tuy nhiên, tâm trạng, lời nói, hành động khi tức giận của cha mẹ có thể vô tình làm chấn thương tâm lý, bạo hành tinh thần đứa trẻ, tạo nên những vết thương, khiếm khuyết về nhân cách khi trẻ lớn. Những tổn thương, khiếm khuyết tính cách này ở trẻ nếu không biết có thể đổ cho cá tính riêng của trẻ…

Hãy học cách nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh khi tức giận lúc dạy con. Hãy trở thành một phụ huynh từ nghiêm vừa nghiêm khắc vừa từ bi, bao dung, thương yêu. Có thể la mắng, nghiêm khắc với con nhưng phải xuất phát từ tình thương yêu. Sự la mắng, nghiêm khắc xuất phát từ tình thương yêu sẽ khiến trẻ cảm nhận được sự khác biệt với việc la mắng, nghiêm khắc xuất phát từ sự bực dọc, tức giận, trút giận.

Việc giáo dục một đứa trẻ như thế nào phải tùy thuộc vào sự phát triển trí tuệ, khả năng tiếp thu của trẻ chứ không nên theo một công thức cứng nhắc. Hãy giải thích cho trẻ hiểu ở mức của trẻ. Hãy đặt hết tâm trí vào trẻ vì trẻ sẽ cảm nhận được nếu cha mẹ quan tâm hay không quan tâm đến mình”- Tiến sĩ Lê Nguyên Phương nhấn mạnh

Ông cũng cho biết, quá trình hình thành tác phẩm cũng là hành trình “làm hòa với quá khứ tuổi thơ của mình” và tiến trình “dung hợp hai nền văn hóa Việt Nam và Âu Mỹ”; giúp phần nào trong việc nối liền những “đứt gãy thế hệ” vốn đang hiện hữu trong lòng mỗi gia đình Việt Nam, nơi có sự khác biệt lớn giữa thế hệ bố mẹ trẻ Việt Nam và thế hệ ông bà nội ngoại.

Qua cuốn sách “Dạy con trong hoang mang”, tác giả mong muốn được cùng độc giả nhìn lại một cách thẳng thắn vào các mối quan hệ giáo dục trong chính gia đình mình và những người xung quanh mình. Bằng việc đối chiếu những vấn đề dạy con của bố mẹ Mỹ và bố mẹ Việt Nam, để  thấy rằng nỗi lo và gánh nặng của người làm cha mẹ trên khắp thế giới này cũng giống nhau. Không có một nền giáo dục hoàn toàn ưu việt và cũng chẳng có một nền giáo dục hoàn toàn lạc hậu trong việc giáo dục con trẻ, bằng tri thức trên cơ sở khoa học và tình yêu thương, độc giả hãy “tự mình thắp đuốc lên mà đi”.

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh