Đầu tư tổ hợp vui chơi giải trí ở Việt Nam: Vẫn như “muối bỏ bể”
- Huyệt vị
- 22:52 - 26/11/2019
- Xây dựng các tổ hợp vui chơi giải trí về đêm là cách tiếp cận bền vững cho sự phát triển kinh tế ban đêm
- Bamboo Airways áp dụng công nghệ giải trí không dây trên máy bay tiên tiến nhất Việt Nam
- Bamboo Airways áp dụng công nghệ giải trí không dây trên máy bay tiên tiến nhất Việt Nam
- Bamboo Airways áp dụng công nghệ giải trí không dây trên máy bay tiên tiến nhất Việt Nam
- Sun World Ba Na Hills xuất sắc lọt vào Top 5 khu du lịch và vui chơi giải trí tốt nhất Việt Nam
Vì sao khách đến nhiều, tiêu chẳng bao nhiêu?
Là đại diện HanoiRedtours, một doanh nghiệp lữ hành lớn của Việt Nam, ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc nhận định: "Trước đây du khách có xu hướng chỉ đi tham quan theo kiểu đi càng nhiều điểm càng tốt và chủ yếu check-in điểm đến. Bây giờ, du khách chỉ đến ít điểm, nhưng tại mỗi điểm, họ có xu hướng sử dụng tối đa dịch vụ, vui chơi giải trí, spa, tái tạo năng lượng, tái tạo sức khỏe…".
Tuy nhiên, hầu hết các điểm đến của Việt Nam chưa thực sự đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Thiếu các sản phẩm du lịch độc đáo, các dịch vụ vui chơi giải trí đẳng cấp, các trung tâm mua sắm chất lượng và đặc biệt là thiếu các tổ hợp vui chơi giải trí tầm cỡ… vẫn được xem là nguyên nhân chính khiến đa số du khách quốc tế đến Việt Nam lưu trú ngắn ngày, chi tiêu không đáng là bao.
Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, mức chi tiêu của du khách bình quân tại Việt Nam năm 2004 đạt 1.283,3USD/người, trong khi ở Thái Lan là 1.865USD, Singapore 2.670USD. Tổng chi tiêu trung bình cho mỗi chuyến đi của du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2014 là 1.114,4 USD. Đến năm 2017, con số này nhích lên 1.171 USD. Dù các cuộc điều tra được thực hiện ở hai thời điểm cách nhau khá xa, song kết quả cho thấy không có nhiều thay đổi.
Sự ra đời của cụm, tổ hợp du lịch, công viên chủ đề... xuất hiện trong vài năm gần đây tại các thành phố du lịch lớn đang góp phần giải tỏa cơn khát thiếu sản phẩm, dịch vụ du lịch đẳng cấp và hấp dẫn cho du khách đến Việt Nam, đem lại nguồn thu đáng kể cho nền kinh tế. Điển hình như khu du lịch Sun World Ba Na Hills ở Đà Nẵng. Từ năm 2009 đến 2018, lượng khách tới Đà Nẵng tăng trưởng tới 463%, du khách đến Bà Nà cũng tăng hơn 160 lần. Cũng thời gian đó, sân bay Đà Nẵng chứng kiến một lượng khách tăng trưởng vượt bậc, từ 2.079.758 khách năm 2009 lên 13.300.000 khách năm 2018.
Không chỉ số lượng mà chi tiêu trên mỗi khách du lịch đến Đà Nẵng cũng đã tăng trông thấy. Năm 2009, thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế du lịch tại Đà Nẵng là 3,21 ngày và chi chưa tới 2,5 triệu đồng, thì năm 2017, con số này đã đạt 3,6 ngày, chi tiêu hơn 5,3 triệu đồng, tăng gấp hơn 2 lần.
Sau thành công của Bà Nà Hills, Việt Nam đã có thêm một số khu du lịch, tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp không kém như Sun World Fansipan Legend ở Lào Cai, Sun World Halong Complex ở Quảng Ninh, Sun World Hon Thom Nature Park hay Vinpearl Land Phu Quoc ở Phú Quốc…. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế đến Việt Nam kỷ lục trong thời gian qua, thì sự ra đời của những tổ hợp vui chơi giải trí này vẫn chỉ như "muối bỏ bể".
Vì sao nhà đầu tư chưa mặn mà?
Vậy vì sao các quốc gia trên thế giới rất thành công với các thương hiệu tổ hợp vui chơi giải trí như Disneyland, Lake Compoune (Mỹ) hay Sentosa (Singapore)…, trong khi ở Việt Nam, các nhà đầu tư chưa mặn mà với mô hình này. Ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhìn nhận: "Đến nay, ở Việt Nam mới có một số tập đoàn lớn đầu tư cho các tổ hợp vui chơi giải trí như Sun Group, Vingroup… Lý do khiến các nhà đầu tư còn dửng dưng với mảng này vì đầu tư ban đầu lớn, phải tạo thương hiệu lớn mới thu hút được khách trong khi thu về lắt nhắt, quản trị lại phức tạp đòi hỏi nhiều khâu phải tinh xảo, thông minh. Đầu tư vào tổ hợp vui chơi giải trí chỉ có lợi nhuận khi có sự tham gia của số đông, nhưng nhu cầu này cũng chưa ổn định mà chủ yếu theo mùa vụ. Trong khi đó, ở Việt Nam, các hình thức giải trí cho người lớn chưa được coi trọng bằng giải trí cho trẻ em".
Đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Hồng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh chia sẻ: "Mường Thanh đã đầu tư Khu Du Lịch Sinh Thái Mường Thanh tại Diễn Châu, Nghệ An. Những năm đầu, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Đến nay, khu du lịch này hoạt động tương đối tốt, khách đến đặc biệt đông vào những dịp lễ tết. Tuy nhiên, ngay trong tỉnh Nghệ An vẫn còn thiếu khu vui chơi giải trí như sân golf, công viên nước và những dịch vụ đi kèm". Dù nhận định vậy nhưng khi hỏi kế hoạch đầu tư cho những khu vui chơi giải trí tiếp theo là gì, vị lãnh đạo Tập đoàn Mường Thanh tỏ ra rất dè dặt.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia du lịch, những tổ hợp vui chơi giải trí là sản phẩm bổ trợ cho các chuyến du lịch. Disneyland thành công vì tác động vào cảm xúc của con người. Ở đó có các nhu cầu liên kết với nhau tạo nên sức hấp dẫn tổng hợp. Tuy nhiên, khi đầu tư tại Việt Nam, không thể bê nguyên xi những mô hình nước ngoài mà không tính đến yếu tố văn hóa của người Việt. Nhà đầu tư do đó phải đầu tư nhiều công sức, tiền của hơn cho phần mềm, thay vì chỉ đầu tư vào phần cứng gồm nhà, công trình hay các tổ hợp máy móc…
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là thị trường vô cùng hấp dẫn và nhiều tiềm năng để phát triển các tổ hợp vui chơi giải trí. Tuy nhiên, để thu hút nhà đầu tư tham gia, nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi để tạo động lực cho họ yên tâm đầu tư lâu dài như điều tiết lãi suất, ưu đãi thuế… "Các công viên giải trí như Bà Nà Hills, Nha Trang, Đầm Sen… thu hút không chỉ khách quốc tế mà ngay cả người dân địa phương đến vui chơi, giải trí rất nhiều. Chúng ta có thị trường gần 100 triệu người, đây là cơ hội mà các trung tâm du lịch lớn của đất nước có thể đầu tư các khu giải trí lớn, đa dạng, kết hợp với công nghệ để đem lại những trải nghiệm mới mẻ"- ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá.