THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:03

Xã Bình Thành (Thừa Thiên Huế): Nhiều hộ chưa có nước sạch và điện lưới quốc gia

Từ chuyện dùng điện ké....

Gần 40 năm định cư ở xóm khe Đầy và là hộ ở lâu nhất, bà Nguyễn Thị Danh (84 tuổi) cùng những người trong gia đình mình hiểu hơn ai hết nỗi cơ cực, sự thèm khát của những người sống nơi thiếu ánh sáng điện lưới quốc gia. Anh Tôn Thất Quý, con trai bà Danh cho biết: “Muốn xem tivi để theo dõi thời sự  mà đành chịu trong khi con cái học hành thì gặp rất nhiều trở ngại. Dẫu biết ngày xưa cha ông đôi khi không có cả đèn dầu để thắp mà vẫn học hành thành tài, nhưng mỗi thời điểm nó khác nhau lắm chứ. Bây giờ xung quanh anh em, bạn bè các cháu đều được sống và học hành trong điều kiện đầy đủ còn những đứa trẻ ở xóm này vẫn phải thắp đèn dầu để học, bất công lắm."

Qua tìm hiểu được biết, gần 1 năm nay, nhờ có một đơn vị bộ đội vào xóm khe Đầy làm kinh tế, đã kéo một đường dây điện để phục vụ sản xuất nên người dân ở đây được dùng ké. Nhưng như chị Cái Thị Hiếu, người dân của xóm giải bày: “Chả biết họ ở đây bao lâu hay họ sẽ cho mình dùng ké đến bao giờ? Người dân chúng tôi ở đây rất mong mỏi một đường dây tải điện riêng để phục vụ đời sống sinh hoạt như những nơi khác, thế mà bao lâu nay vẫn chỉ là sự khao khát.”

Nguồn nước từ 2 cái giếng đào không đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho gần 100 nhân khẩu xóm 4, thôn Hòa Cát 

...Đến khát giữa mùa mưa

Chuyện điện sinh hoạt đã tạm thời được giải quyết dù chỉ mới mang tình tạm thời, thì chuyện thiếu nước sạch sinh hoạt cũng nóng bỏng không kém đối với người dân ở cái xóm khe Đầy này. Cả xóm chỉ có 2 cái giếng đào nhưng không đủ phục vụ cho cả làng, nhất là vào mùa khô hạn. Việc đào thêm giếng là rất khó khăn vì đây là khu đất cao, khi đào sâu xuống gặp đá không thể đào tiếp được. Đã có nhiều hộ thuê người về đào nhưng đành bỏ cuộc, thậm chí thợ khoan giếng mang máy khoan lên khoan cũng bó tay.

Chị Cái Thị Hiếu múc nước từ 2 bể chứa lên cho chúng tôi xem rồi không quên mô tả. “Ngày trước nhà lợp mái lá, nước mưa hứng được chả sợ gì, còn bây giờ nhà nào cũng lợp tôn, fibro xi măng nên chứa các chất gỉ sét, rêu mốc, chất độc hại từ các vật liệu lợp nhà ấy chảy ra. Nước hứng xong cỡ một ngày sau là chuyển màu ngay. Muốn dùng nước đó để nấu ăn thì phải lọc qua bể rồi đun sôi trước khi nấu”. 

Một nguồn nước nữa trước đây người dân có thể dùng là nước khe Đầy, nhưng hiện nay họ chỉ dám xuống khe để giặt giũ áo quần và tắm rửa vì sợ các loại thuốc bảo vệ thực vật ở thượng nguồn và dọc 2 bên bờ ngấm xuống nguồn nước. Hơn nữa, vào mùa mưa, nguồn nước khe Đầy rất dễ bị đục do mang theo lượng bùn nhiều hơn do rừng bị chặt phá, đất đai bị đào bới. Mặt khác, những người khai thác cát sạn dùng máy múc cỡ lớn khai thác dọc 2 bên bờ khe và giữa lòng khe cũng thường xuyên gây đục nước.

Được biết, nhiều lần người dân đã kiến nghị lên UBND xã Bình Thành về nguyện vọng đưa nước sạch và điện lưới về thôn. Nhưng đến nay, do địa hình có phần hẻo lánh và còn nhiều khó khăn khác nên xã Bình Thành với những nỗ lực của mình cũng đang phải chờ đợi vào một dự án hợp lòng dân từ trên. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, thị xã Hương Trà phải có trách nhiệm làm sao để phủ kín mạng lưới điện, nước đến những thôn, bản còn bị lãng quên lâu nay

Ông Trương Đá, Nguyên Trưởng Thôn Hòa Cát, xã Bình Thành (ông Đá làm Trưởng thôn Hòa Cát 14 năm từ 1993 – 2007) cho biết. “Người dân xóm 4 – khe Đầy hầu hết là dân tái định cư. Họ ở khắp nơi tới đây và từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, đặc biệt là các hộ dân chạy lũ năm 1999. Ngay từ ngày đầu đến đây họ đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc định cư và làm ăn lâu dài. Ngày nay, cuộc sống đã tạm thời ổn định, người dân khe Đầy mong muốn các cấp lãnh đạo tạo điều kiện để họ có nguồn nước sạch để sinh hoạt và điện lưới ổn định thắp sáng. Không những thế, việc đảm bảo cho người dân nông thôn có điện, nước sinh hoạt, có cuộc sống ổn định cũng nằm trong bộ 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.”

Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh